Lần đầu xuất ngoại

20/01/2023 13:10

Nhớ lại những năm của thập kỷ 80 thế kỷ trước, lãnh đạo các tỉnh có chung biên giới với nhau là Gia Lai-Kon Tum (Việt Nam), Attapư (Lào), Rattanakiri (Campuchia) hàng năm luân phiên đăng cai tổ chức các cuộc làm việc liên tịch, trong đó điều đáng chú ý nhất là việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên vùng biên giới. Cho dù mỗi tỉnh có sự khác biệt về một số lĩnh vực, song khi cùng ngồi lại thì mục tiêu là thống nhất hướng đến sự bình đẳng, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau xây dựng vùng biên giới bình yên, hữu nghị, phát triển. Một trong những lần làm việc như vậy tại Attapư (Lào-1989), tôi được phiên chế vào đoàn công tác của tỉnh Gia Lai-Kon Tum.

Bước chân đến xứ sở Triệu Voi lần đầu ấy, với tôi bao điều bỡ ngỡ. Những cuộc làm việc được chia theo nội dung cụ thể và từ đó thành phần làm việc của mỗi bên (tỉnh) phù hợp với nội dung, rất hợp lý và khoa học. Lãnh đạo tỉnh Attapư làm tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trong các cuộc họp, làm việc họ hoàn toàn sử dụng ngôn ngữ của dân tộc họ, có phiên dịch bài bản, nhưng khi vào bàn tiệc, hoặc ngoài hành lang hội trường, tiếng Việt lại là ngôn ngữ chính. Thì ra đa số các bạn ấy học từ các trường ở Việt Nam và khi nào cũng thế, rất chịu học tiếng Việt.

Một góc thị xã Attapư (Lào). Ảnh: ĐMP

 

Rồi nữa, theo tôi biết, bạn chẳng hô hào, khuếch đại chuyện gì, nhưng khi làm thì khỏi chê. Một ví dụ, trong những bữa tiệc khá thịnh soạn mà bạn dành cho đoàn Gia Lai-Kon Tum và tỉnh Rattanakiri, họ để một cái bàn lớn kê bên tường, trong nhà ăn, ở đấy nhiều loại rượu, bia ngoại có danh, có tiếng, là đồ uống nhập khẩu, nhưng trên bàn ăn thì chỉ duy nhất những thức uống của Lào làm ra. Cho tới gần đây cũng vậy, trong những chuyến đi trước mùa dịch Covid-19 của tôi sang nước bạn, cái “nếp nhà” ấy vẫn thế, trong khi lãnh đạo ngày nay của họ không ít người chỉ mới ở thế hệ 7x, 8x.

Trong một cuộc trà dư, tửu hậu của những chuyến đi gần đây, tôi gợi ý về chuyện có một chỉ thị, nghị quyết nào về... người Lào ưu tiên dùng hàng Lào không, thì nhận ngay được câu trả lời cũng chân tình không kém câu hỏi. Một bạn Lào bảo rằng: Không, trừ nhiều thứ mà cho tới ngày nay nước Lào chúng tôi chưa làm được thì phải nhập khẩu thôi.

Trở lại chuyện của chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Lào năm ấy-1989, một chuyến đi đáng nhớ, chẳng cứ gì phía bạn Attapư, ngay con đường từ Pleiku đi biên giới (giờ là Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y- Kon Tum) cũng trần ai lắm, một lần đi là một lần khó, lãnh đạo Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum phải tìm hiểu xem phía bạn cần gì và cái gì thì ta có thể đáp ứng để “gồng gánh” đem theo giúp bạn. Xuất phát từ Pleiku rất sớm, đoàn chúng tôi khi ấy ăn tối và ngủ lại ở Tân Cảnh (Đăk Tô). Con đường từ biên giới (giờ là cửa khẩu Quốc tế Bờ Y) đi Attapư vô cùng gian nan, lên đèo, xuống suối, quanh co uốn lượn trong rừng le, rừng khộp, rừng già. Lâu lắm mới có một làng của người Lào xuất hiện. Rồi, chúng tôi cũng đến nơi cần đến...

 Một Attapư hiện ra sau hai ngày quần nhau với những chiếc xe U-oát, Zin 3 cầu có tời trên những con đường “đau khổ” như nói trên, điều tôi chú ý là hai nơi: chợ và chùa ở một phần phía Nam của xứ sở Lan Xang này. Tôi tìm hiểu và được biết người dân ở đây còn nghèo lắm, ở ngoài chợ thì cũng chỉ những thứ tự làm ra từ rẫy, từ nhà, từ sông suối, núi rừng là chủ yếu, (cũng có một số mặt hàng công nghệ và công cụ sản xuất, sinh hoạt nhập khẩu từ Gia Lai-Kon Tum) mà bà con từ các làng bản, xóm thôn quanh vùng mang đến góp thành chợ, cái dáng dấp bao cấp nó cứ y như là của một phố huyện nghèo bên Gia Lai-Kon Tum vậy. Cả thị xã chưa có lấy một con đường trải nhựa cho ra hồn; phố xá chủ yếu là những căn nhà cấp bốn nép mình trong những khu vườn có nhiều cây trái và rộng mênh mông nhưng tạm bợ đến không ngờ. Còn chùa, khác bên ta một trời một vực, nhiều điều để học, để nhớ, sẽ nói ở dịp khác vậy.

Giờ, sau ngần ấy năm kể từ lần đầu đến với Attapư, trong chuyến rong ruổi cách nay chưa lâu, thời chưa có dịch Covid-19, tôi không thể hình dung được về sự thay đổi đến chóng mặt, đến ngỡ ngàng với những gì mắt thấy tai nghe ở một phần xứ sở Triệu Voi-Attapư này, có thể nói như những người ở Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), sự thay đổi vươn lên của bạn tính theo ngày tháng. Còn các bạn lãnh đạo tỉnh Attapư thì bảo: có được sự thay đổi đáng mừng như hôm nay là nhờ sự đồng cam cộng khổ của Việt Nam, mà cụ thể và trực tiếp là của Tập đoàn HAGL và các doanh nghiệp đến từ Việt Nam, từ Gia Lai, Kon Tum sang đầu tư.

Trại chăn nuôi bò lai-cao sản của một doanh nghiệp Việt Nam tại Attapư. Ảnh: ĐMP

 

Ngoài bạt ngàn rừng và trập trùng đồi núi, sông suối ra, Attapư còn lại là một vùng đất mênh mông khô cằn, sỏi đá tưởng như chẳng thể trồng cây gì, nuôi con gì cho mau cải thiện được đời sống người dân, thì đùng một cái, Tập đoàn HAGL bước vào, “biến sỏi đá thành cơm”. Với diện tích tự nhiên trên 10.300 km2 của tỉnh này, từ những năm trước 2016, HAGL và các doanh nghiệp Việt Nam đã cắm vào đấy mấy vạn hécta các loại cây trồng chất lượng cao, giá trị vượt trội như bắp lai, cỏ cao sản cho chăn nuôi bò, mía, cọ dầu, cao su; hàng chục ngàn con bò thịt nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật của nước ngoài, theo đó cũng hàng loạt các nhà máy chế biến mọc lên.

Công việc đầu tư cho dân sinh, xã hội được địa phương và doanh nghiệp chú ý đúng mức, cả một hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh như điện lưới, giao thông, không chỉ cho mặt đất mà còn có cả sân bay đa dụng với tầm khu vực và nước sinh hoạt, nhà ở cho công nhân, việc làm cho người lao động, trường học cho trẻ em, bệnh viện cho người ốm đau cũng ngày một đáp ứng từng bước theo nhu cầu. Hệ thống dịch vụ phát triển nhanh chóng làm cho một đô thị ở tầm thị trấn nghèo thuở nào, giờ thành một thị xã chẳng thua chị kém em trong khu vực là bao, đó là thị xã tỉnh lỵ Attapư.

Tham dự những sự kiện quan trọng diễn ra ở đây vào những năm 2014, 2015, 2016, tôi còn nhớ khi được nghe những ghi nhận của chính những người đứng đầu Đảng, Nhà nước và địa phương của bạn Lào về điều tôi vừa kể trên và sẽ kể kỹ hơn khi có dịp. Một trong những ghi nhận, đó là Bí thư kiêm Tỉnh trưởng Attapư Khamphan Phommathath hồi đó, cho biết: “Cơ cấu kinh tế của tỉnh Attapư đang có sự chuyển dịch tích cực và mạnh mẽ, từ nông nghiệp đơn thuần sang công nghiệp chế biến, nông nghiệp kỹ thuật, công nghệ cao. Nhất là khi các nhà đầu tư Việt Nam mà điển hình là Tập đoàn HAGL đầu tư vào hàng loạt dự án có tầm cỡ và quy mô lớn trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội”. Tỉnh trưởng còn khẳng định: “Hiện GDP đầu người/năm của tỉnh Attapư là 1.300 USD và dự kiến sẽ đạt mức 1.700 USD vào những năm tới”-(phát biểu của Bí thư kiêm Tỉnh trưởng Attapư nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Choummaly Sayason thăm và làm việc tại Attapư và Trung tâm điều hành của Tập đoàn HAGL tại Nam Lào, ngày 12/4/2014)./.

Đoàn Minh Phụng

Chuyên mục khác