Lần đầu đến thăm Điện Biên Phủ

08/05/2024 05:46

Thực hiện ước mơ từ thuở còn cắp sách đến trường, tháng 3/2023, lần đầu tiên tôi đến thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) sau chuyến bay hơn 2 tiếng từ Thành phố Hồ Chí Minh, để bắt đầu hành trình ghé các di tích lịch sử tại tỉnh Điện Biên. Có thể nói, niềm vui, niềm hạnh phúc trong tôi không thể nào diễn tả hết, bởi sau hơn 30 năm công tác, tôi đã thực hiện được ước mơ của mình.

Để tiện cho việc tham quan, tôi thuê chiếc xe máy làm phương tiện di chuyển trong 2 ngày lưu trú tại thành phố Điện Biên Phủ, thăm một số di tích lịch sử và tìm hiểu đời sống, sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương.

Điểm đầu tiên tôi đến thăm là Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ nằm ngay trung tâm thành phố, tọa lạc trên một quả đồi cao. Đến nơi, tôi nhận thấy có rất nhiều cựu chiến binh từ các tỉnh, thành phố khác đến thăm, thắp nén hương tại Tượng đài và cùng chụp nhiều tấm ảnh làm kỷ niệm cho chuyến đi về thăm chiến trường xưa.

Tác giả bên Di tích lịch sử Cầu Mường Thanh. Ảnh: CC

 

Đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ, nơi có hàng nghìn ngôi mộ mà hầu hết đều là liệt sĩ chưa biết tên. Cùng với đó là ngôi mộ của 4 anh hùng liệt sĩ đã được lịch sử tôn vinh như những huyền thoại: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Trần Can. Còn lại, tên các liệt sĩ được đúc chữ đồng theo danh sách từng tỉnh, thành phố. Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ là một trong những minh chứng cho sự hy sinh to lớn của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước.

Các điểm đến tiếp theo, tôi lần lượt đến thăm là Hầm Chỉ huy của Tướng De Castries, Đồi A1, Đồi D1, Đồi Him Lam, Đồi Độc Lập, Cầu Mường Thanh, Bảo tàng Điện Biên Phủ… Hầm Chỉ huy Tướng De Castries nằm ở trung tâm lòng chảo Mường Thanh, là cơ quan đầu não của tập đoàn quân sự khổng lồ mà các tướng tá Pháp, Mỹ rất tự hào và coi đây là “pháo đài bất khả xâm phạm”, chưa từng có ở Đông Dương. Nó là biểu tượng sức mạnh quân sự, đủ khả năng chống chọi hỏa lực của đối phương, được bảo vệ bằng các vũ khí hiện đại, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp đã bị Quân đội nhân dân Việt Nam, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp- vị tướng tài ba, thao lược- đánh bại trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày thứ hai của cuộc hành trình, tôi đến thăm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ thuộc Khu di tích lịch sử Mường Phăng. Sở Chỉ huy nằm trong khu rừng nguyên sinh, được bà con nơi đây gọi một cách trìu mến là “Rừng Đại tướng”, với hơn 200ha rừng rậm rạp, bạt ngàn bởi những cây cổ thụ to lớn. Nơi đây từng che chở cho nhiều cán bộ, chiến sĩ ta trong những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với những hy sinh gian khổ, ác liệt; như nhà thơ Tố Hữu từng miêu tả đó là những tháng ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non…”.

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ cách thành phố Điện Biên Phủ gần 30km về phía Đông. Đây là đại bản doanh và là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái… trong 105 ngày đêm, từ 31/1-15/5/1954.

Tác giả tại di tích Hầm tướng Đờ Cát. Ảnh: CC

 

Sở Chỉ huy nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ, nằm dọc theo một con suối nhỏ chạy quanh dưới chân núi Pú Đồn; được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau, có hầm hào, lán trại thuận tiện, vừa phù hợp với tốc độ làm việc, vừa bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối.

Từ Sở Chỉ huy, đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh đồi Pú Cá, có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm của quân Pháp như Đồi Him Lam, Đồi Độc Lập, Đồi D1, Đồi C1, Đồi A1, Cầu Mường Thanh... Gần Sở Chỉ huy có đài quan sát trên đỉnh núi độ cao trên 1.000m, từ đài quan sát này có thể bao quát toàn bộ quá trình hoạt động, di chuyển của quân đội viễn chinh Pháp và diễn biến chiến sự ở thung lũng Mường Thanh.

Sở Chỉ huy gồm có chòi canh gác số 1, hầm thông tin liên lạc, đài quan sát, lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lán ở và làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, đường hầm xuyên núi dài 96m nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, nhà hội trường, hầm ban chính trị, bếp Hoàng Cầm…

Đặc biệt, ngôi lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thật giản dị, được làm bằng gỗ, tre, nứa, tranh, cỏ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở lán này suốt 105 ngày, từ 31/1 đến 15/5/1954. Và, tại đây Đại tướng đã có một quyết định làm thay đổi cục diện triến trường, góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh”, sang “Đánh chắc, thắng chắc”.

Sau này, trong cuốn hồi ký của mình (Chiến dịch Điện Biên Phủ), Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi đó là “Một quyết định khó nhất đời tôi”. Từ ngôi lán tre trong Sở Chỉ huy Chiến dịch ở Mường Phăng, Đại tướng ra lệnh cho quân đội ta tấn công Đồi Him Lam, từng bước đào 400 cây số chiến hào, ra lệnh nổ quả mìn 1.030kg ở cứ điểm A1, rồi lệnh cho quân ta tấn công ào ạt đánh chiếm Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm quân sự của Pháp, bắt sống  Tướng De Castries, dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Lần đầu đến thăm Điện Biên Phủ, ngoài việc đi thăm các di tích lịch sử, tôi còn tìm hiểu về đời sống, sinh hoạt, văn hóa của người dân địa phương. Ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là người dân Điên Biên Phủ thật thà, chất phác, hiếu khách; có nhiều sản vật ngon, ẩm thực đặc sắc.       

Cao Cường

Chuyên mục khác