Làm thiệp xoắn giấy - Công việc mới, nhân niềm vui

05/11/2019 13:03

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn thành phố Kon Tum bắt tay vào việc học và làm thiệp xoắn giấy. Công việc mới không chỉ giúp các chị có thêm thu nhập mà còn tạo nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Sáng sớm, cơ sở làm thiệp xoắn giấy của chị Lê Thị Hường ở thôn 1, xã Đăk Cấm (thành phố Kon Tum) đã nhộn nhịp. Trong căn phòng nhỏ, các chị em, ai nấy đều chăm chỉ, tỉ mỉ, khéo tay hoàn thành những bức thiệp lung linh màu sắc. Gác việc, đon đả đón khách, chị Hường phấn khởi cho biết, mỗi tháng cơ sở chị làm và nhập về Công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 2.000-3.000 thiệp.

Với mong muốn chia sẻ, tạo việc làm cho chị em phụ nữ, sau khi học nghề làm thiệp xoắn giấy từ một người em ở Thành phố Hồ Chí Minh, chị em chị Lê Thị Hường, Lê Thị Hồng Loan đã phối hợp với Hội LHPN thành phố Kon Tum, huyện Đăk Tô, huyện Đăk Hà mở hơn 20 lớp dạy lại nghề cho đông đảo chị em phụ nữ. Tại các lớp học, hai chị đã hỗ trợ vật liệu, hướng dẫn tận tình kỹ thuật làm thiệp. “Công việc này yêu cầu sự tỉ mỉ nhưng rất đơn giản, dễ học. Đa số các chị chỉ học từ 2 ngày đến 1 tuần là nắm vững các kỹ thuật để làm” - chị Hường cho biết.

Công việc làm thiệp xoắn giấy đem lại thu nhập và niềm vui cho nhiều chị em. Ảnh: BA

 

Trước đây, chị Đào Thị Hương ở thôn 8, xã Đăk Cấm chỉ ở nhà nuôi heo, gà vịt và nội trợ. Khi biết đến lớp học làm thiệp xoắn giấy, chị liền tranh thủ thời gian tham gia. Chỉ mất 3 ngày học nắm vững kỹ thuật làm thiệp, chị Hương mạnh dạn xin làm thiệp thử rồi nhận thiệp chính về nhà làm. “Tôi rất hứng thú, yêu công việc này. Mỗi ngày, cứ có thời gian rảnh tôi lại lấy thiệp ra làm. Mới đầu chưa quen, thao tác còn chậm, bây giờ tôi đã quen và làm rất nhanh. Nay tầm 30 phút tôi có thể hoàn thành 1 tấm thiệp. Một tháng tôi làm được hơn 200 thiệp, kiếm thêm từ 2-2,5 triệu đồng” - chị Hương chia sẻ.

Cũng như chị Hương, vốn làm nông lại có con nhỏ, khi biết đến việc làm thiệp xoắn giấy, chị Y Hảo ở thôn 7, xã Đăk Cấm liền theo học nghề và kiếm thêm thu nhập từ công việc này. “Mình chỉ tranh thủ thời gian rảnh trong ngày và buổi tối để làm. Bình quân một ngày mình làm được khoảng 15 thiệp. Làm việc này “nghiện” lắm, có hôm say mê, ngẩng mặt lên đã 1-2h sáng” - chị Y Hảo cười.

Mỗi tấm thiệp hoàn chỉnh, theo đúng mẫu có giá từ 7.000 đồng - 15.000 đồng (tùy độ khó). Ngoài đòi hỏi phải tỉ mỉ, chịu khó, khéo tay, công việc làm thiệp không bị áp lực về thời gian, lại có thể làm tại nhà nên các chị rất hứng thú.

Chị Hường tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho các chị em. Ảnh: BA

 

Thấy công việc không nặng nhọc lại đem thu nhập thêm cho chị em phụ nữ, đầu năm 2019, Hội LHPN xã Đăk Cấm đã phối hợp với chị Hường, chị Loan, thành lập tổ liên kết làm thiệp xoắn giấy với 21 thành viên. “Đây là tổ liên kết đầu tiên của chị em phụ nữ trên địa bàn xã. Vào tổ liên kết, các chị em được dạy cách làm thiệp, được hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình làm. Đa số các chị em ở xã làm nghề nông, nhiều người có thu nhập rất bấp bênh nên ngoài tổ liên kết, chúng tôi còn thông báo để nhiều chị tham gia làm, có thêm thu nhập” - chị Lê Thị Dưỡng, Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Cấm cho biết.

Không riêng xã Đăk Cấm, làm thiệp xoắn giấy cũng trở thành công việc “hot” cho nhiều chị em ở xã Đăk Blà, phường Trường Chinh, phường Duy Tân (thành phố Kon Tum). Mỗi ngày em Y Uy ở làng Kon Drẻ, xã Đăk Blà đều thu xếp công việc nhà, tranh thủ làm thiệp. Em cho biết, công việc này đã mang lại cho em rất nhiều niềm vui. “Ngoài khoản thu nhập thêm 1,5 triệu/tháng, khi làm việc này, em được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ với nhiều chị em, bạn bè. Lúc làm việc, nhiều chị cũng hỗ trợ, giúp đỡ nhau để hoàn thành theo đúng tiến độ, thời gian” - Y Uy chia sẻ.

Mới làm thiệp xoắn giấy được 1,5 tháng nhưng chị Nguyễn Thị Thúy ở thôn Kon Tu 2, phường Trường Chinh đã yêu công việc này. Mỗi ngày, tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị lại lấy thiệp ra làm. Mỗi lần có việc buồn hay cáu gắt, chỉ lấy thiệp ra làm, mọi mệt mỏi đều tan biến hết. “Không chỉ đem lại thu nhập, công việc đã đem lại rất nhiều niềm vui. Những lúc hàng mẫu chưa về, chúng tôi lại trông ngóng. Ngày nào mà không làm thiệp là thấy thiếu thiếu” - chị Thúy nói.

Cùng với cơ sở làm thiệp của chị Hường, cơ sở làm thiệp của chị Lê Thị Hồng Loan ở 68 Tô Hiến Thành, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum cũng tạo việc làm cho gần 30 chị.

Chia sẻ với chúng tôi, chị em chị Hường cho biết, trong thời gian đến, bên cạnh việc nhận mẫu, tiếp tục nhập cho Công ty, các chị có hướng tự in thiệp mẫu về làm và đi chào hàng tại các nhà sách, siêu thị... “Khi mình tự in, tự làm thiệp và bán được sẽ giúp các chị có thu nhập cao hơn” – chị Hường cho biết.        

Bình An

Chuyên mục khác