Làm giàu từ bánh phở

06/11/2022 13:08

Từ hai bàn tay trắng, anh Nguyễn Chí Xuân (44 tuổi, trú ở Tổ dân phố 4, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum) vay mượn hàng trăm triệu đồng để mở xưởng sản xuất bánh phở. Trải qua nhiều khó khăn, nghề làm bánh phở đã giúp gia đình anh Xuân có thu nhập ổn định, mỗi năm lãi gần 200 triệu đồng.

Anh Xuân sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông ở huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An). Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên anh đã vào Kon Tum lập nghiệp năm 1997. Khi mới vào Kon Tum, anh Xuân làm đủ thứ nghề, từ bốc vác tới thợ hồ. Sau một thời gian, anh được nhận vào làm trong xưởng bún. Vốn là người lanh lẹ, học việc nhanh nên anh được làm lâu dài với tiền công 180.000 đồng/ngày.

Đến năm 2003, sau khi lập gia đình, anh rời xưởng bún để làm việc khác. Cùng thời điểm, có một xưởng làm bánh phở mà vợ anh làm thuê trước đó đang chuyển nhượng và đồng ý bán lại cho hai vợ chồng anh với giá hơn 125 triệu đồng. Lúc này, dù không đủ tiền, nhưng vợ chồng anh quyết vay mượn người thân, bạn bè để mua lại.

Xưởng bánh phở của hai vợ chồng anh Xuân đều đặn xuất 2-2,5 tạ phở/ngày. Ảnh: NS 

 

“Thời điểm phát triển xưởng, gia đình tôi phải đi vay mượn nhiều người. Con số hơn 100 triệu đồng lúc đó không hề nhỏ nhưng vì cuộc sống nên hai vợ chồng đã liều mình. Nhưng rất may mắn, khi mở xưởng, mọi thứ đều thuận lợi và chỉ 2 năm sau đã trả hết số tiền vay”- anh Xuân chia sẻ.

Khi xưởng ổn định, gia đình anh nhận nhiều đơn hàng, mỗi ngày phải làm 5-6 tạ phở để kịp giao cho khách. Do làm số lượng nhiều, anh Xuân đã thuê 2 nhân viên để phụ việc. Có chút vốn liếng, anh Xuân tiếp tục mua đất của người dân quanh đó để mở rộng xưởng.

Công việc làm ăn đang thuận lợi, năm 2013, anh Xuân bất ngờ đổ bệnh, liệt nửa người phải nằm viện suốt 4 tháng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian khó khăn đó, vợ anh là chị Phạm Hồng Nhung (43 tuổi) phải một mình quản lý xưởng. Với quyết tâm và cố gắng hồi phục, anh Xuân mỗi ngày dậy sớm tự tập đứng dậy và bước đi. Chỉ sau một năm, anh đi lại được, nhưng vẫn di chuyển khập khiễng chân cao, chân thấp vì di chứng. Dù khó di chuyển nhưng anh và vợ vẫn tiếp tục phát triển nghề làm bánh phở đến tận bây giờ, được nhiều đầu mối trong và ngoài tỉnh tin tưởng đặt hàng.

Theo anh Xuân, để phở ngon dai, mềm, ngọt mà không bị nở thì phải sử dụng gạo chất lượng, thời gian ngâm gạo không được quá lâu, nếu không, khi nghiền tráng dễ bị nát bánh và gây chua.

Khi phơi bánh nếu nắng quá to chỉ phơi 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ, nếu không có nắng, anh Xuân đầu tư máy quạt công suất lớn để làm khô. Sau khi phơi xong phải mang vào cắt thành sợi phở đều và đóng gói ngay để đảm bảo độ dai của bánh. Ngoài ra, với thời tiết thất thường của Kon Tum, anh Xuân đầu tư nhà lưới để phơi bánh phở, tránh mưa, gió đảm bảo ngày nào cũng có hàng giao cho khách.

Anh Nguyễn Chí Xuân có thu nhập khá từ nghề làm bánh phở. Ảnh: N.S

 

Anh Xuân cho biết:Trong quá trình làm bánh, quan trọng nhất là khâu pha bột bánh. Cũng khó không kém nữa là công đoạn tráng bánh, phải biết cách láng đều bột trên khuôn, không để chỗ dày, chỗ mỏng, làm sao cho bánh chín đều. Do tráng bằng tay, không có chất phụ gia, nên sợi phở luôn giữ được độ dẻo, dai, mềm, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Hằng ngày, gia đình và nhân viên trong xưởng phải dậy từ 4 giờ sáng để kịp làm và giao hàng cho khách. Mỗi ngày, gia đình anh Xuân tráng được từ 2-2,5 tạ bánh phở và giao cho khách hàng ở các chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum và ở tỉnh như Đăk Lăk, Gia Lai. Với mức giá trung bình 20.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, thu nhập của gia đình đạt gần 200 triệu đồng/năm.

Theo ông Đặng Hồng Hải- Tổ trưởng Tổ dân phố 4, phường Lê Lợi (thành phố Kon Tum), anh Nguyễn Chí Xuân là tấm gương nổi bật trong việc cố gắng nỗ lực phát triển kinh tế. Dù mang trong mình di chứng của căn bệnh nên di chuyển khó khăn nhưng anh Xuân luôn kiên trì và phấn đấu, không những có thể lo cho gia đình, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng.      

Nay Săt

Chuyên mục khác