Làm giàu trên quê hương mới

10/11/2019 13:03

Bằng việc đào ao hồ nuôi cá, chăn nuôi bò, heo, trồng hồ tiêu, năm nào gia đình ông Tịnh cũng đạt mức thu nhập trên 150 triệu đồng. Vợ chồng ông có 4 người con thì cả 4 đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, thu nhập cao.

Năm 1995, gia đình ông Đỗ Văn Tịnh (sinh năm 1951) và vợ là bà Đỗ Thị Nhâm (sinh năm 1955) cùng 233 hộ dân thôn 2, xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc khu vực ảnh hưởng công trình thủy điện Sông Đà, được Nhà nước đưa vào định cư tại thôn 2, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy. Nhờ cần cù lao động, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, trải qua hơn hai mươi năm, gia đình ông và toàn thể bà con thôn 2 đều có cuộc sống ổn định và ngày càng được nâng cao.

Ông Tịnh kể: Hồi đó, khu vực này còn rất hoang vu, đồi cao, đất dốc, toàn cây cỏ dại. Muốn làm ruộng cấy lúa nước, bà con phải qua sông Đăk Pne kiếm đất, nhưng chưa có cầu. Vốn quen bơi lội, ngụp lặn trên sông Hồng, nên thanh niên trai tráng, thậm chí nữ giới trong thôn bỏ quần áo, lương thực, công cụ lao động vào túi nilon, bơi ào ào. Chỉ sau 3 năm, trên 200ha đất ruộng, vườn được hình thành, rẫy cao trồng mì, bắp, hồ tiêu, ruộng thấp gieo cấy lúa, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, đạt năng suất cao ngay từ vụ đầu.

Thời trai trẻ, ông Tịnh đã từng nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường, được kết nạp Đảng năm 1970. Sau năm 1975, ông công tác ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cuối cùng là Ban Tuyên huấn Huyện ủy Tân Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, nên có nhiều kiến thức, kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn.

Ông Đỗ Văn Tịnh bên vườn hồ tiêu gia đình. Ảnh: LVT

 

Hai năm sau khi định cư tại thôn 2, xã Tân Lập, năm 1997, ông Tịnh được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ xã. Mãn nhiệm kỳ, số đảng viên tăng lên, Đảng bộ xã thành lập, ông được giao nhiệm vụ là Bí thư Chi bộ 2 trực tiếp lãnh đạo thôn 2 và thôn 1; trong đó, thôn 1 còn chưa có đảng viên.

Trong 17 năm liên tục làm Bí thư Chi bộ, ông đã làm việc và phát huy hết mình cùng tập thể lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự… Ông cùng Chi ủy, Chi bộ tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ, tạo nguồn, phát triển, kết nạp trên 20 đảng viên mới, tạo điều kiện cho thôn 1 có đủ số lượng đảng viên thành lập Chi bộ riêng. Người dân trong thôn siêng năng, cần cù lao động, bà con làm đủ nghề, từ trồng trọt, chăn nuôi đến các nghề thủ công như thợ mộc, thợ xây, kinh doanh, buôn bán đủ loại hàng hóa, xây dựng nhà cửa tươm tất, phát triển thôn 2 thành một khu dân cư sầm uất. Dân trong thôn không chỉ đủ ăn mà còn có nông sản hàng hóa bán ra thị trường, tăng thêm mức thu nhập và trở nên giàu có. Hầu như gia đình nào cũng trồng hồ tiêu có thu nhập cao.

Riêng gia đình ông Tịnh, bằng việc đào ao hồ nuôi cá, chăn nuôi bò, heo, trồng hồ tiêu, năm nào cũng đạt mức thu nhập trên 150 triệu đồng. Vợ chồng ông Tịnh có 4 người con thì cả 4 đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, thu nhập cao. Bà Đỗ Thị Nhâm vợ ông Tịnh là giáo viên tiểu học về hưu, ngoài thời gian làm công việc gia đình, còn tích cực tham gia đội văn nghệ thôn để biểu diễn phục vụ bà con trong thôn, trong xã và được cử đi biểu diễn phục vụ hoặc tham gia các hội thi văn nghệ của huyện, tỉnh…

Ông Đỗ Văn Tịnh cho biết thêm, đã vào Tây Nguyên lập nghiệp thì phải coi Tây Nguyên là quê hương thứ hai, nơi sống lâu dài của con cháu, dòng họ. Bám trụ, phát triển, sinh sôi bền vững theo dòng chảy của đất nước, của dân tộc là chiều thuận mang tính khách quan, đúng đắn. Dân Vĩnh Phúc cũng như mọi người dân khắp mọi miền Tổ quốc đến xã Tân Lập nói riêng, Tây Nguyên nói chung, cùng với đồng bào các dân tộc tại chỗ đoàn kết bên nhau một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ chung tay xây dựng cuộc sống phồn vinh, phát triển, muôn đời hạnh phúc.

Lê Văn Thiềng

Chuyên mục khác