Làm gì để quản lý tốt hoạt động mua bán thuốc?

03/05/2024 13:35

Thuốc tân dược là loại hàng hóa đặc biệt, có vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe nhân dân. Làm sao để kiểm soát tốt hoạt động mua, bán thuốc, nhất là việc quản lý bán thuốc phải kê đơn là vấn đề từng được nêu ra tại nhiều diễn đàn và mối quan tâm của người dân. Ngành Y tế vẫn đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để đưa việc này đi vào khuôn khổ.

Theo thống kê của Sở Y tế, hiện nay, toàn tỉnh có 96 nhà thuốc được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. 100% nhà thuốc đều có phần mềm kết nối liên thông cơ sở dữ liệu Dược quốc gia. Thế nhưng, trên thực tế, hoạt động mua bán thuốc vẫn còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng bán thuốc kê đơn mà không có đơn của thầy thuốc vẫn đang diễn ra và chưa được kiểm soát.

Có thể dễ dàng nhận thấy, tại các hiệu thuốc, người mua chỉ cần trình bày triệu chứng hoặc nói tên thuốc với dược sĩ thì lập tức loại thuốc đó sẽ được đưa đến tận tay người mua, bất kể đó là thuốc phải có đơn thuốc của bác sĩ hay thuốc bán không cần đơn thuốc.

Việc mua bán, sử dụng thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe người dân, nhất là tình trạng kháng thuốc là vấn đề đáng báo động.

 
Người dân nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn, chỉ định dùng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh. Ảnh: T.H

 

Bác sĩ Đỗ Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trước vấn đề này, ngành Y tế tỉnh đã và đang có nhiều giải pháp chấn chỉnh. Trong đó, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện quản lý bán thuốc kê đơn; yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc “thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc” (GPP) và chấp hành đầy đủ các quy định về kê đơn và bán thuốc kê đơn. Sở cũng thường xuyên chỉ đạo Phòng Y tế các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát việc bán thuốc kê đơn tại các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn quản lý. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, việc quản lý hoạt động bán thuốc phải kê đơn hiện vẫn phải gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân của vấn đề này, trước hết là do nhận thức của một bộ phận người dân về sử dụng thuốc hợp lý còn hạn chế. Nhiều người thường chủ quan, ngại đi khám bệnh tại các cơ sở y tế  hoặc sợ phiền hà, tốn kém nên khi đau ốm thường đến các nhà thuốc để mua thuốc uống. Cá biệt, có những trường hợp còn lấy đơn thuốc của người khác để mua thuốc điều trị cho mình khi thấy các dấu hiệu bệnh tương tự. Thế nhưng, điều đáng nói hơn là không ít nhà thuốc, người bán thuốc chỉ vì muốn tối đa hóa doanh thu, lợi nhuận nên đã cố tình “bỏ qua” các quy định, bán thuốc kê đơn mà không có đơn của thầy thuốc.

“Để nâng cao hơn hiệu quản lý mua, bán thuốc theo đơn, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trong việc thực hiện các quy định về bán thuốc kê đơn do Bộ Y tế ban hành. Sở cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kê đơn và bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc. Đồng thời, đề xuất với các cấp, ngành tăng mức xử phạt hành chính nhằm đủ sức răn đe đối với cơ sở vi phạm về hoạt động này. Ngành Y tế tiếp tục đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở, dịch vụ khám chữa bệnh; từng bước xây dựng và phát triển mô hình dịch vụ bác sĩ gia đình để tạo thuận lợi cho việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, ngành Y tế cùng sẽ chú trọng hơn đến việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về việc cần đi khám bác sĩ khi có biểu hiện bất thường về sức khoẻ và sử dụng thuốc đúng liều lượng. Bởi, chỉ khi người bệnh nắm được tác hại và mức độ nguy hiểm của việc sử dụng thuốc không theo đơn thì họ mới ý thức được việc khám chữa bệnh đúng cách, hạn chế tình trạng tự ý mua và sử dụng thuốc một cách tùy tiện“- bác sĩ Đỗ Ngọc Hòa chia sẻ.

Thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh nếu sử dụng không đúng chỉ dẫn của thầy thuốc. Do đó, cùng với việc nâng cao hiệu quả quản lý của ngành chức năng thì cần sự tham gia tích cực của người dân và người bán thuốc.  

Thiên Hương

Chuyên mục khác