Làm cho thế giới sạch hơn

15/09/2023 06:37

Mỗi lần tình cờ, hoặc bắt buộc, đi qua những “bãi rác tự phát” trên các tuyến đường ở thành phố xinh đẹp mình sinh sống, tôi lại tự hỏi đâu là nghĩa vụ của mình với thế giới này?
Tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn phổ biến. Ảnh: TH

 

Nhà tôi nằm trong 1 con hẻm nhỏ nhưng đông dân cư trên đường Duy Tân. Đầu hẻm có một gốc cây to tỏa bóng mát.

Từ những ngày đầu dọn đến ở, tôi rất ngạc nhiên về đống rác luôn “thường trực” dưới gốc cây ấy, ngay trước một ngôi nhà 2 tầng đẹp đẽ, dù chiều chiều, công nhân môi trường đô thị vẫn đẩy xe rác qua.

Chủ nhà thường bất bình kể rằng: Nhà đóng cửa đi làm suốt ngày, mấy gia đình trong xóm cứ mang rác ra đó "gửi tạm" bất kỳ lúc nào họ muốn. Dù tôi đã đến từng nhà đề nghị họ để trong nhà, chờ đến giờ xe thu gom đi qua hãy bỏ, nhưng họ phớt lờ.

Sau khi chính thúc trở thành “công dân” của con hẻm nhỏ ấy, đã vài lần tôi trực tiếp gõ cửa nhiều nhà trong xóm đề nghị họ không mang rác ra vứt ở gốc cây đầu hẻm nữa.

“Anh chị hãy chờ đến giờ công nhân môi trường đi gom rác, từ 5 giờ chiều trở đi đấy, mới đem rác ra bỏ, chứ như thế này thì ô nhiễm lắm”- tôi đề nghị.

Đa số trả lời tôi bằng những lời hứa hẹn “sẽ làm như vậy”, hẳn là do nể mặt, vì sau đó vẫn không thay đổi. Cũng có người im lặng gật đầu; vài người lầu bầu “không bỏ đấy thì bỏ đâu”.

Thậm chí có người vặn lại:  “Lạ nhỉ. Tôi muốn đổ rác lúc nào thì đổ, sao lại quy định giờ như hành chính thế? Người ta bận tối tăm mặt mũi, lúc nào rảnh thì đổ rác này, nếu đúng giờ mới được đổ rác thì chết”.

Sau đó, tôi cùng chủ nhà kể trên làm một tấm biển từ bìa cạc tông, dùng bút dạ viết “cấm đổ rác”, mắc vào cành cây. Tình hình được cải thiện ít ngày, rồi lại như cũ.

10 năm trôi qua, đến bây giờ, ở gốc cây đầu con hẻm vẫn dằng dai tình trạng “lúc nào cũng hôi” vì rác. Tôi đã thay hàng chục tấm biển bằng bìa cạc tông, nội dung cũng nhiều lần thay đổi, từ “cấm bỏ rác” sang “xin đừng bỏ rác”, rồi lại “cấm bỏ rác”.

Nhìn rộng ra, tình trạng này cũng khá phổ biến trên một số tuyến đường. Tôi từng thực hiện một cuộc khảo sát nho nhỏ trên một số tuyến đường như Trần Văn Hai, Duy Tân, Đào Duy Từ, Trường Chinh, và thấy có rất nhiều nơi xả rác bừa bãi.

Một số nơi, mặc dù đã được đặt thùng chứa rác, xe chứa rác, nhưng vẫn xuất hiện những bì rác thải sinh hoạt xanh, đỏ đủ màu. Thậm chí là những món vật dụng bỏ đi trong gia đình như giường, tủ, ghế nệm cũng được người dân bỏ ở đây.

Với suy nghĩ của một công dân có trách nhiệm, mỗi lần tình cờ, hoặc bắt buộc, đi qua những “bãi rác tự phát” trên các tuyến đường ở thành phố xinh đẹp mình sinh sống, tôi lại tự hỏi đâu là nghĩa vụ của mình với thế giới này?

Câu hỏi ấy càng ám ảnh tôi, khi chúng ta bắt đầu Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2023  (diễn ra vào tuần thứ 3 tháng 9), với chủ đề là “Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn”.

Để thiết thực hưởng ứng Chiến dịch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục phát động các phong trào cộng đồng, như ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây, cải thiện, phục hồi môi trường tại các khu dân cư và vùng lân cận; bảo vệ, đảm bảo vệ sinh môi trường; phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

Phát hiện, nhân rộng các gương điển hình, mô hình, sáng kiến, giải pháp, cách làm hay về bảo vệ môi trường; khen thưởng, hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường theo quy định.

Đẩy mạnh, lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường trong các chương trình đào tạo; nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường nhằm tạo nên chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên.

Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn để thiết thực gốp phần làm cho thế giới sạch hơn. Ảnh: TH

 

Viết đến đây, tôi lại nhớ về chuyến công tác vào xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà cách đây vài năm. Tại đây, tôi chứng kiến những con đường bê tông sạch sẽ, không rác thải, không túi nilon vương vãi. Ngay cả những bờ ruộng, mương nước cũng không có rác.

Hỏi thăm mới biết, mấy năm nay, xã Đăk Pxi triển khai mô hình bể thu gom rác thải ở các thôn, làng. Bể được đúc bằng bê tông, hình tròn, đặt dọc trục đường các thôn, làng và đường dẫn ra các khu sản xuất, rất thuận lợi cho người dân trong việc bỏ rác.

Sau vài ngày, thôn sẽ cử người dọn bể, đem rác đi đốt, vừa sạch đường sạch ngõ, vừa giữ gìn môi trường trong lành, khắc phục được thói quen vứt rác bừa bãi của người dân.

Những nông dân mà tôi trò chuyện đều thừa nhận rằng, mặc dù có mất thời gian hơn so với “quăng vèo bì rác ra ruộng”, nhưng môi trường trong lành hơn, cảnh quan làng xã sạch đẹp hơn.

Bài học kinh nghiệm ở đây là, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương,thì sự chung tay của người dân là đặc biệt quan trọng để ngăn chặn ô nhiễm môi trường xung quanh, và xa hơn nữa là góp sức làm cho thế giới sạch hơn.

Tất nhiên, với tư cách cá nhân, như bao người khác, bằng năng lực có hạn của mình, tôi không thể “làm sạch thế giới”, dù rất mong muốn có năng lực thực hiện điều đó.

Nhưng tôi sẽ kiên quyết hơn khi đứng vào hàng ngũ những người ủng hộ chống rác thải nhựa, ngăn chặn xả rác bừa bãi, tuân thủ quy định về phân loại rác.

Tôi sẽ tích cực hơn trong việc tuyên truyền, vận động để những người xung quanh hiểu rằng, nghĩa vụ của mỗi người chúng ta với môi trường là biết thay đổi nhận thức, thói quen và hành vi  lựa chọn.

Đó có thể là không lấy thêm một túi nilon khi mua hàng, từ chối một ống hút nhựa, vặn vòi nước nhỏ lại, giảm điều hòa hay không bật nhiều bóng điện, không lãng phí thức ăn; bỏ rác đúng nơi quy định…

Hãy tin rằng, lựa chọn làm khác đi thay vì thói quen cũ và xấu của mỗi người mới thực sự góp một tay vào làm sạch thế giới.

Và tôi nghĩ đã tìm thấy lời đáp cho câu hỏi về nghĩa vụ của mình với thế giới.

Thành Hưng

Chuyên mục khác