21/06/2019 13:01
1. Cuối năm 2016, phóng viên Báo Kon Tum được giao nhiệm vụ về xã Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) viết bài phản ánh theo đơn thư của người dân việc một nhà máy chế biến tinh bột sắn xả các chất thải độc hại trong quá trình sản xuất ra thẳng sông suối, làm ảnh hưởng đến môi trường sống, nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Khi phóng viên đang trên đường về xã Tân Cảnh để nắm bắt thông tin thì nhận được thông báo tin nhắn có người yêu cầu kết bạn trên facebook. Lúc này, phóng viên mở facebook của mình, ngay lập tức một địa chỉ lạ đã gửi hàng loạt hình ảnh và thông tin chỉ dẫn hệ thống đường ống xả nước thải của một nhà máy đang nằm ở địa phương này ra sông suối; trong mỗi bức ảnh có ghi chú thời gian xả thải vào các ngày, giờ trong một tuần... Đồng thời, người cung cấp thông tin ban đầu này còn đề nghị phóng viên gặp gỡ riêng, trực tiếp cung cấp thêm nhiều nội dung tin tức liên quan hoạt động chưa đúng quy định của nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn khác không riêng ở huyện Đăk Tô, mà còn ở các địa phương khác trong tỉnh.
Trước hàng loạt thông tin, phóng viên đã báo cáo về Ban Biên tập và nhận được chỉ đạo trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương, hoặc lực lượng chức năng để hỗ trợ nghiệp vụ, cũng như xử lý các tình huống xảy ra. Phóng viên đến trụ sở UBND xã Tân Cảnh, đề nghị được cán bộ địa phương đưa đi thực tế xung quanh nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn, theo đơn thư phản ánh ban đầu của người gửi.
Ở tại khu dân cư, có sự chứng kiến của chính quyền xã, phóng viên nắm bắt thông tin của người dân sống cận kề nhà máy, nhưng đều nhận được cái lắc đầu: “Bà con không có viết đơn thư, cũng như kiến nghị về việc xả nước thải không đúng của nhà máy ra môi trường xung quanh”.
Đặc biệt, đối với hình ảnh và thông tin cung cấp từ địa chỉ facebook lạ chia sẻ với yêu cầu được cung cấp tin riêng, phóng viên đã làm việc, đề nghị cán bộ thôn, xã Tân Cảnh và Công an huyện Đăk Tô thẩm định lại thông tin này. Vài ngày sau đó, những thông tin từ nguồn facebook lạ được ngành chức năng huyện Đăk Tô xác minh thông tin giả mạo, nhằm làm giảm uy tín của nhà máy với nhân dân địa phương để họ không bán nông sản cho nhà máy...
|
2. Câu chuyện thứ hai hoàn toàn ngược lại, nhờ kết nối facebook, phóng viên Báo Kon Tum đã về vùng sâu, vùng xa phản ánh kịp thời thiệt hại của người dân khi bị lũ lụt.
Đấy là thời điểm tháng 7/2018, sau cơn bão số 3 và 4 đi qua xã Đăk Long (huyện Đăk Glei), thì một cơn lũ lớn kéo về đã khiến nhiều công trình cầu cống, tuyến đường bị sụt lún, sạt lở và 29 ngôi nhà bị hư hại, có hơn 30ha cây trồng bị cát, đá vùi lấp, hoặc ngập úng; hàng chục gia súc bị nước cuốn trôi. Trầm trọng hơn, gần 1.290 hộ dân bị cô lập hoàn toàn... Những hình ảnh, thông tin thiệt hại nặng nề của bà con đã được các cán bộ xã Đăk Long đăng trên facebook cá nhân để kêu gọi cứu trợ, sau khi báo cáo đã gửi về UBND huyện Đăk Glei.
Thông qua mạng xã hội, phóng viên đã liên lạc trực tiếp để ghi nhận sự việc chính xác thông tin từ cán bộ chức năng của xã. Lúc đấy, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Long - Nguyễn Văn Vĩnh đã bày tỏ nỗi niềm: “Nhà báo về xã đi, ghi nhận và phản ánh giúp địa phương sớm nhé, vì hiện tại đường nhựa đã bị đất đá sạt lở làm chia cách tuyến đường huyết mạch ra thị trấn Đăk Glei rồi. Bà con bị thiệt hại do lũ cuốn nhiều lắm, đặc biệt nguy cơ đói và dịch bệnh sẽ xảy ra, nếu không có ngành chức năng vào hỗ trợ kịp thời...”.
Sau khi nhận thông tin, phóng viên đã báo cáo tình hình với Ban biên tập và được cho chủ trương đi viết tin bài, với lời dặn: “Cần thận trọng trong mọi trường hợp, nhất là phải báo liên tục tình hình về cơ quan để chỉ đạo”. Thế là suốt buổi chiều hôm đó đến ngày hôm sau, phóng viên đã đến đúng con đường huyết mạch nối từ xã Đăk Môn đi xã Đăk Long bị ách tắc do lũ.
Ước tính lúc đó, toàn tuyến đường bị tắc có hơn 6.000m3 đất đá từ taluy dương sạt lở, sụt lún tạo thành lớp bùn đặc quánh ngập tràn với độ dày từ 1-1,5m. Nóng lòng vào địa bàn xã Đăk Long, phóng viên đành đánh liều đi chân trần, dẫm lên lớp đất sình lầy với lởm chởm đá sỏi để vào trụ sở Đảng ủy xã. Từ đây, hành trình dầm mưa, lội suối, đi rừng với cán bộ địa phương đến từng nhà dân động viên mọi người “nhường cơm sẻ áo” cho nhau; đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và thống kê thiệt hại của nhân dân sau cơn lũ đi qua...
Kết thúc chuyến đi, phóng viên Báo Kon Tum đã có bài phản ánh kịp thời thực tế cấp bách cứu trợ và khắc phục sau cơn bão lũ đi qua xã Đăk Long. Ngày hôm sau, bài báo đăng, các cấp, các ngành và các nhà hảo tâm đã về với người dân để hỗ trợ kịp thời lương thực, thuốc men và giúp cây, con giống để khôi phục, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Từ hai câu chuyện trên có thể thấy, đưa tin nhanh luôn cần, nhưng yếu tố đúng, chính xác có sự kiểm chứng về nguồn cung cấp thông tin chính thống từ các ngành chức năng, hoặc từ người có trách nhiệm mới thực sự cần thiết hơn. Do đó, thời kỹ thuật số 4.0, những người làm báo cần tỉnh táo, nêu cao trách nhiệm, đạo đức người làm báo để đi và viết.
Mai Trâm