23/05/2018 13:06
1. Đi làm về, thấy nhà hàng xóm bỏ rổ cà chua lên ghế bày ra vệ đường bán, định ghé lại mua thì má can ngăn: Cà chua này phun thuốc nhiều lắm! Vườn trồng gần nhà mình nên má biết.
Hóa ra người hàng xóm này trồng cả sào cà chua. Sáng sớm, bà bỏ sỉ cho những người đi buôn. Chiều chiều, bà bày một ít ra rổ, để trên ghế rồi bỏ ở vệ đường để bán.
Trước lời quảng cáo ngon ngọt: “Cà chua nhà trồng nhiều quá, ăn không hết nên bày bán, không có thuốc đâu, yên tâm đi!”, nhiều người đi đường ghé lại, vui vẻ mua.
Cứ thế, với mác “nhà trồng, không phun thuốc”, chỉ phút chốc, rổ cà chua hết vèo.
Trước thực trạng rau củ bị phun thuốc kích thích, mới mọc mầm, chỉ từ đêm đến sáng đã xanh tốt; trái cây bị ngâm hóa chất, đang non vẫn chín đẹp; gạo được tẩy trắng; trứng gà giả... nhiều người tiêu dùng dần mua thực phẩm dựa vào… niềm tin.
Cứ thế, nghe người thân giới thiệu ở đâu bán thịt sạch nhà tự mổ, rau nhà tự bán… họ chấp nhận đến tận nơi để mua. Nhưng rồi, nhiều người lại thất vọng tràn trề khi biết mình bị lừa ngoạn mục.
Như cô đồng nghiệp, ngày trước chấp nhận chạy mấy ki lô mét đến chợ trong một ngôi làng ven thành phố để mua rau, củ cho an toàn. Ăn một thời gian dài, phát hiện số rau đó đa số đều được người dân mua từ chợ, về giả vờ của nhà trồng rồi bán lại; thậm chí nhiều người còn tìm đến các vựa rau, cắt trộm rau vừa mới phun thuốc để về bán, cô mới té ngửa, không biết mình đã nạp vào người bao nhiêu loại thuốc bảo vệ thực vật.
2. Trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, những năm qua, trên địa bàn thành phố đã có các cửa hàng rau sạch cũng như các cơ sở trồng rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên, thực phẩm được bày bán đa dạng nhưng nhiều lúc vẫn rơi vào tình trạng… ế ẩm.
Các chị ở cửa hàng rau sạch tâm sự rằng, nhiều khách hàng vào lựa rau, lật lên, lật xuống rồi chê rau không xanh, có sâu. Chê rau xong lại quay ra mặc cả từng đồng và không mua vì cho rằng giá đắt hơn so với ngoài chợ. Đòi hỏi rau sạch, rau ngon nhưng lại không chấp nhận giá nhỉnh hơn.
Cũng vì lý do đó, nhiều chị từng làm rau sạch đành chấp nhận sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất để đáp ứng được nhu cầu của thượng đế: rau xanh, tươi lại rẻ.
Tôi quen anh bạn trồng hơn 10ha trái cây sạch. Quả thực, trái cây vườn nhà anh dù không được bóng mượt nhưng có vị rất ngon. Nhiều lần, tôi đặt mua (một lần tầm 10kg) nhưng anh nhất quyết không bán.
Anh nói rằng, anh đã tìm hiểu thị trường và cũng từng đưa trái cây nhà ra bán, nhưng phải bán nhỉnh hơn giá thị trường mới có lời. Dù nhiều người ăn thử, khen trái cây ngon nhưng vẫn nhất mực trả giá từng ngàn một.
Thấy họ không hiểu được giá trị, công sức lao động của mình; nhiều người còn đánh đồng trái cây của anh cũng như các loại trái cây phun thuốc khác, suy nghĩ kĩ, anh quyết không bán ra thị trường. Để tiêu thụ được nguồn trái cây sạch, anh tìm hiểu, từng bước làm các thủ tục, xuất ra nước ngoài.
Hiện nay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhiều người dân từ các nơi tìm đến mảnh đất Kon Plông để trồng rau, củ, quả sạch, chất lượng. Tuy nhiên, đa số những người tôi hỏi đều xuất sản phẩm đến Nhật, Trung Quốc, Pháp... Vậy là, thực phẩm sạch cứ thế bán đi nơi khác, còn người tiêu dùng nơi đây vẫn mãi với nỗi lo rau Trung Quốc, trái cây Trung Quốc.
3. Sáng sớm, mấy bác trong xóm đã ới nhau, đùa vui: “Đi nạp pin thôi”. Ở quán cà phê, câu chuyện về thực phẩm bẩn lại trở thành đề tài nóng hổi. Một bác hỏi, không biết những người chế biến tiêu pin, người nhúng sầu riêng, mít… vào hóa chất; người tiêm thuốc mê vào tôm, vào ghẹ… có lương tâm, đạo đức không? Sao lại làm việc thất đức, ảnh hưởng đến mạng sống của nhiều người như vậy?!
Bác kia lại trách, vì hình phạt đối với những hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm quá nhẹ, không đủ để răn đe nên mới tái diễn cảnh các cơ sở thực phẩm bẩn “trụt xuống lại mọc lên”.
Nói một lúc, rồi tất cả cùng lắc đầu: Nhưng mà nhiều bộ, ngành, rồi có cả một hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm, một mạng lưới thú y được trả lương để quản lý miếng ăn của người dân, họ đã làm gì trong khi hàng ngày người dân phải nạp vào người bao nhiêu thứ chất độc; ngay ngáy nỗi lo trước con số 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn?
Hàng loạt các câu hỏi dẫn chứng lại được đặt ra. Các bác nói rằng, hàng ngày, ở chợ vẫn bán rau, trái cây tươi xanh một cách bất thường, điều đó ai cũng biết nhưng tại sao những quầy rau vẫn cứ ngang nhiên tồn tại(?) Hay những cơ sở “biến” thịt bẩn thành thịt ngon; các lò nấu rượu thủ công; các cơ sở sử dụng dầu tái chế làm bao nhiêu người ngộ độc vẫn hoạt động ngang nhiên(?)
Rồi các bác lại kháo nhau về chuyện kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm. “Ôi dào, giám sát kiểu đấy thì làm sao mà bắt được?” - Cái “kiểu” mà các bác đang đề cập chính là việc gọi điện thông báo trước cho cơ sở chế biến, sản xuất trước khi đến kiểm tra; cũng là “kiểu” “cưỡi ngựa xem hoa”, cứ đến, nhìn ngang, liếc dọc, ghi vào biên bản thế là xong buổi kiểm tra theo kế hoạch.
Câu chuyện cán bộ thú y ở Quảng Bình xác nhận, đóng dấu để biến heo bệnh thành heo ngon cũng được đưa ra. Mà có riêng gì ở Quảng Bình, nhiều nơi vẫn nhan nhản tình trạng kiểm dịch qua loa ở lò, đóng dấu thú y tại chợ. Cán bộ làm nhiệm vụ không những không làm tròn chức năng được giao mà còn tiếp tay bằng cách đóng dấu vào thịt, vào rau… để người dân an tâm sử dụng.
Thế rồi, những hành động gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người dân, khi bị phát hiện lại vang lên điệp khúc: kiểm điểm, khiển trách, rút kinh nghiệm. Vậy làm sao người dân không ăn thực phẩm bẩn cho được…(!)
Nói xa xa, rồi các bác cũng quay lại lo chuyện của nhà mình: trưa nay, tối nay ăn gì. Rồi lại kháo nhau, ai nấy tự trồng lấy ít rau, quây lấy cái vườn tự nuôi vịt, thả gà, tự trồng đậu ép dầu… sống theo kiểu tự cung tự cấp may ra mới… an toàn.
Bình An