Lại chuyện “loạn” số nhà

22/02/2017 08:15

​Việc cấp, đổi biển số nhà trên địa bàn thành phố Kon Tum đã được thực hiện từ lâu nhưng đến nay, nhiều người dân vẫn phản ánh về việc số nhà lộn xộn, gây nhầm lẫn, khó khăn trong việc tìm, kiếm và làm các giấy tờ.

Cũ, mới loạn xạ

Làm nghề lái xe taxi đã 8 năm nhưng đến nay anh Nguyễn Văn Truyền ở phường Quang Trung, thành phố Kon Tum vẫn dở khóc dở cười với chuyện tìm số nhà. Anh nói rằng, sau khi số nhà được đổi, hầu như mỗi nhà đều gắn 2 số: 1 số nhà cũ và 1 số nhà mới. Tuy nhiên, có nhà ghi rõ ràng nhưng có nhà chỉ đặt 2 số và không ghi số cũ, số mới; hơn thế, có nhà gắn số cũ phía trên, có nhà lại đặt số mới ở trên khiến không ít lần anh phải chạy lòng vòng để tìm.

“Số nhà lộn xộn quá làm mình nhiều lúc phải chạy ngược chạy xuôi để tìm địa chỉ. Mình thì không sao nhưng khách ngồi trên xe cứ nghĩ là chạy câu ki lô mét để tính tiền, nhiều người phàn nàn, tỏ thái độ khó chịu lắm” – anh Truyền chia sẻ.

Không chỉ thế, anh Truyền kể, có một lần, khách từ xa đến, gọi taxi bảo đón ở số nhà 01 Phan Đình Phùng. Khi anh chạy đến số nhà 01 (khúc Trung Tín) để đón thì mới hay khách đang đứng ở số nhà 01 cũ (tức là đoạn gần cầu Đăk Bla). “Lúc đấy coi như bán xăng dạo thôi. Đã thế, chạy xuống đến nơi, khách đợi lâu nên đi rồi” – anh Truyền kể.

Còn với gia đình chị Nguyễn Thị Gái ở phường Duy Tân, chị cho biết: Đầu tiên, nhà chị ở số 301 U Re, sau một thời gian, đổi lại thành 54 U Re. Và 1 - 2 năm sau lại đổi thành 133 Võ Nguyên Giáp. Bây giờ, trước nhà chị ghi 2 số: phía trên là: 301 và ở dưới là 133 mà không ghi tên đường. Bởi vậy, khi tìm đến đây, nhiều người bị nhầm lẫn.

Hay trường hợp nhà bên cạnh chị Gái cũng vậy, phía trên thì ghi 303 U Re, phía dưới lại ghi 135 Võ Nguyên Giáp, người tìm kiếm không biết đường nào mà lần.

Cũng tại tuyến đường này, biển thông báo đường ghi rằng hẻm 49 Võ Nguyên Giáp nhưng khi chúng tôi đi vô trong lại thấy biển nhà mang tên đường U Re. “Bây giờ đỡ rồi đấy, ngày trước khúc này có nhà có đến 3 số, lộn xộn lắm. Những người trong tỉnh như chúng tôi còn “loạn” huống chi những khách từ xa đến”- anh Võ Anh ở phường Quang Trung chia sẻ.

Hơn thế, mặc dù đã ghi số cũ, số mới nhưng nhiều gia đình vẫn làm thêm 1 biển số nhà cũ to hơn. Vì theo họ, số cũ đã quen nên việc để số cũ cho mọi người dễ tìm.

Ý thức chấp hành chưa cao

Không chỉ ảnh hưởng đến việc tìm kiếm, việc thay đổi số nhà cũng ảnh hưởng đến giấy tờ của người dân. Anh Võ Anh nói rằng, trước đây, sổ hộ khẩu, sổ đỏ của gia đình anh đều theo số nhà cũ là 61/13 Trương Quang Trọng. Sau này, số nhà được đổi thành 69/15 Trương Quang Trọng nên giấy khai sinh của con anh được làm theo số mới. “Theo giấy tờ thì 2 cha con ở 2 nhà. Bây giờ muốn làm cho trùng thì phải thay đổi hộ khẩu, mà nghe nói thủ tục cũng phức tạp nên hiện tại gia đình tôi chưa làm” – anh Anh cho hay.

Còn anh Truyền thì nói rằng, mặc dù số nhà đã được đổi nhưng vừa rồi khi làm thẻ ngân hàng, anh vẫn phải để cả 2 số nhà. Hay như chị Gái, mặc dù làm lại chứng minh nhân dân sau khi đổi số nhà nhưng trong chứng minh nhân dân mới vẫn ghi địa chỉ tại số nhà cũ là 301 U Re chứ không ghi 133 Võ Nguyên Giáp. “Họ cứ làm theo hộ khẩu thôi” – chị Gái cho hay.

Số mới của đường Võ Nguyên Giáp và số cũ của đường U Re. Ảnh: H.T

 

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trịnh Văn Đức – Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Kon Tum nói rằng, năm 2011, Phòng Quản lý đô thị thành phố đã triển khai thực hiện đổi tên đường, biển số nhà theo Quyết định 05/2006 của Bộ Xây dựng về việc ban hành quy chế đánh số và gắn biển số nhà. Theo đó, Phòng đã thống nhất mẫu mã, cách thức gắn biển trên toàn thành phố.

Thế nhưng, tình trạng lộn xộn số nhà vẫn diễn ra ở nhiều tuyến đường mà nguyên nhân trực tiếp là do ý thức của người dân. “Dù được thông báo, hướng dẫn về việc làm biển, gắn biển theo quy định nhưng một số người dân vẫn không chịu làm theo. Có người đánh số phía trên, có người còn không chịu đánh số nhà” – ông Đức cho hay.

Với việc biển thông báo đường tên Võ Nguyên Giáp nhưng số nhà lại là U Re, ông Đức nói rằng, khi cấp phép biển số nhà và tên đường mới, UBND thành phố cũng đã có văn bản chỉ đạo các phường triển khai, hướng dẫn người dân tháo biển số cũ. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn không thực hiện nên gây ra tình trạng lộn xộn.

Trao đổi về việc biển số nhà ảnh hưởng đến giấy tờ như người dân phản ánh, ông Đức nói rằng, trong giấy chứng nhận biển số nhà do Phòng Quản lý đô thị thành phố cấp đều thể hiện rõ số cũ và số mới. Nếu người dân muốn đổi cho trùng số nhà trong các giấy tờ, chỉ cần đem giấy chứng nhận biển số nhà đến, các thủ tục sửa đổi sẽ diễn ra nhanh chóng.

“Chúng tôi thực hiện cấp giấy chứng nhận biển số nhà một cách nhanh chóng, miễn phí. Nếu hộ gia đình nào chưa có giấy chứng nhận biển số nhà thì đến Phòng Quản lý đô thị thành phố, sẽ được hướng dẫn làm” – ông Đức cho biết.

Trước thực trạng biển số nhà lộn xộn, ông Đức cho biết, 2 năm nay Phòng đã đưa mẫu biển số nhà có tên đường để người dân dễ dàng tìm kiếm. “Chúng tôi cũng mong rằng người dân nên có ý thức, thực hiện tháo gỡ biển tên đường cũ, gắn biển số nhà theo đúng quy định để tránh xảy ra tình trạng lộn xộn về số nhà” – ông Đức nói.

Bình An 

Chuyên mục khác