Lá thư của má

13/05/2019 06:53

Gần 20 năm trôi qua, tôi vẫn cất giữ thật kỹ lá thư của má viết gửi cho mình khi mới bước chân vào giảng đường đại học. Lá thư vẫn còn vẹn nguyên, từng câu từ vẫn luôn được khắc ghi trong tâm trí. Với tôi, đấy là một vật kỷ niệm rất đỗi thiêng liêng, là món quà tinh thần thật ý nghĩa mà má đã dành tặng, dẫu đi hết cuộc đời này cũng không thể nào quên.

Má tôi sinh ra từ những năm đầu kháng chiến chống Mỹ. Ông bà ngoại đều đi hoạt động cách mạng. Vì vậy mà việc học hành của má cũng dở dang. Ngày còn nhỏ, má khát khao được trở thành cô giáo trường làng. Ông ngoại nói với má: “Ráng ở nhà chăm em, phụ má (bà ngoại là cơ sở cách mạng nuôi giấu bộ đội) nhen con, chờ hòa bình rồi, ba má sẽ cho con đi học cái nghề con thích”.

Ấy vậy mà, chiến tranh chưa kết thúc, giặc Mỹ ngày ấy vẫn còn dày xéo quê hương mà ông ngoại đã hy sinh. Chứng kiến cảnh bà ngoại một nách nuôi 5 con nhỏ (má tôi lại là con đầu) nên từ ấy má không bao giờ nghĩ đến ước mơ của mình nữa…

Vậy nên sau khi lấy chồng rồi sinh con, má nung nấu một ý chí: “Dù nghèo mấy cũng phải ráng cho con đi học”. Năm ấy, tôi đậu đại học, gia đình tôi khi đó nổi tiếng khắp cả làng, cả xã. Các bác, các chú, cô, dì, hàng xóm ai cũng chúc mừng gia đình tôi có thêm đứa con thứ hai vào đại học. Má tôi thì hãnh diện lắm. Bởi trong sự khó khăn của hoàn cảnh mà những đứa con của má vẫn biết vươn lên…

Ngày chuẩn bị lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh học, má gói ghém cho tôi rất nhiều thứ như cái ngày chị tôi vào đại học vậy; từ những vật dụng cá nhân đến đủ thứ lương thực như gạo, mắm, đường, bột ngọt và rất nhiều thực phẩm khô. Má nói: “Sài Gòn nghe nói thứ gì cũng có nhưng đường sá đi lại đông đúc, đặc biệt là cái gì cũng đắt đỏ, nên phải chịu khó mang theo những thứ này con à. Hết rồi má lại gửi xe vào…”.

Cảm giác lần đầu tiên phải đến một nơi rất xa và xe cộ, phương tiện đi lại, liên lạc cũng không được thuận tiện và hiện đại như bây giờ, khiến tôi chưa đi đã thấy nhớ nhà. Ngoài mặt thì nói cười cho má đỡ lo nhưng bên trong thì ruột gan tôi cứ bồn chồn khó tả. Tạm biệt má, tôi lên chuyến xe xuôi từ miền Trung vào đến Thành phố Hồ Chí Minh mà nước mắt cứ tuôn rơi, bởi nhớ má, nhớ cái tổ ấm yêu thương...

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

 

Đúng là lần đầu tiên sống xa gia đình, rời xa vòng tay yêu thương của má, phải tự mình làm mọi việc, không dễ dàng chút nào. Tôi nhớ hoài những buổi đầu chuyên đi học trễ vì không có ai đánh thức dậy hay những buổi chiều mưa đi học về bụng đói meo, ngồi xì xụp bên tô mì gói mà nước mắt cứ chảy ròng khi nghĩ đến những bữa cơm gia đình đầm ấm, yêu thương.

Chưa đầy tháng xa nhà, tôi đã nhận được thư của má. Cầm lá thư trên tay niềm vui tràn ngập, tôi cứ nghĩ, má sẽ viết cho tôi thật dài với những lời lẽ thấm đượm nỗi nhớ thương. Ấy vậy mà, khác hoàn toàn với những gì tôi nghĩ, lá thư mà má đã viết cho tôi thật ngắn ngủi, chưa đầy 1/2 trang giấy học trò:“Con gái của má! Đây là lần đầu má viết thư cho con. Má biết hiện giờ con có rất nhiều điều lo lắng, vì lần đầu con xa nhà, sống xa ba má. Con phải tự mình lo liệu mọi việc. Nhưng con à, ai muốn trưởng thành cũng đều phải bắt đầu từ cuộc sống tự lập. Tuy nhiên, với con, đây là một thử thách rất lớn, vì con phải đến một nơi rất xa. Nhưng má luôn tin tưởng ở con gái của má. Bằng ý chí và nghị lực con sẽ vượt qua tất cả. Hãy cố lên con nhé!”.

Ngày còn ở nhà, má nào nói với tôi những lời như vậy. Với má, tôi lúc nào cũng là một đứa con nít hay mè nheo. Giờ đây, đọc những dòng má viết, tôi vỡ òa trong cảm xúc, bởi đây là lần đầu tiên má nói với tôi những điều sâu lắng đến như vậy. Không nói nhớ, nói thương (có lẽ vì sợ con gái của má cũng xúc động theo) nhưng từ trong sâu thẳm trái tim mình, tôi biết má nhớ tôi rất nhiều nhưng đã kìm nén cảm xúc để không làm cho trái tim tôi thêm mềm yếu. Và cũng có lẽ, má nghĩ má cần phải mạnh mẽ để tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Tôi hiểu má, tôi hiểu cái ý nghĩa về lá thư mà má viết cho tôi. Bên cạnh những lời động viên, an ủi, má trao gửi niềm tin tưởng và kỳ vọng rằng tôi sẽ vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống này.

Và cái lá thư của má đã tiếp cho tôi sức mạnh, ý chí để phấn đấu vươn lên. Tôi đã tự mình lập lại trật tự trong sinh hoạt và học tập của bản thân, tự đề ra cho mình kỷ luật nghiêm ngặt để rèn luyện, phấn đấu. Tôi không cho phép mình yếu mềm trước những khó khăn, giông tố của cuộc đời.

Sống giữa phố xá xô bồ, nhộn nhịp, nhiều lúc cũng cảm thấy tủi thân, thấy nhớ nhà thật nhiều, tôi lại lấy lá thư của má ra đọc. Và cứ mỗi lần như thế, tôi lại như được tiếp thêm sức mạnh để gạt bỏ tất cả những yếu mềm và tự nhủ với bản thân mình “tôi ơi hãy cố lên”.

Bức thư đầu tiên và cũng là bức thư duy nhất má viết cho tôi từ ngày tôi xa nhà đến giờ (sau này đã có điện thoại, internet phổ biến nên má không còn viết thư nữa) chính là hành trang thật quý báu trên đường đời của mình. Những lúc gặp khó khăn, tôi luôn tin tưởng vào cái “ý chí và nghị lực” mà má đã viết cho tôi từ trong lá thư ấy… Và cho tới bây giờ cũng vậy, hễ gặp khó khăn, tôi lại lần giở bức thư của má ra để đọc. Nét mực có thể phai nhòa theo năm tháng nhưng những lời dặn dò của má thì lúc nào cũng khắc ghi trong tâm trí tôi, tiếp thêm sức mạnh để tôi vượt qua mọi chông gai, thử thách của cuộc đời.

Sông Côn

Chuyên mục khác