Lá phiếu vào lớp 1

06/06/2023 06:07

Hình ảnh “cha khóc – mẹ cười” tại buổi bốc thăm vào lớp 1, Trường Tiểu học THSP Ngụy Như Kon Tum (thành phố Kon Tum) đã ám ảnh tâm trí tôi suốt từ sáng Chủ nhật, 4/6.

Sáng 4/6, nhà đa năng của Trường Tiểu học THSP Ngụy Như Kon Tum rất đông người.

Tôi lại thấy được không khí căng thẳng, hồi hộp, lo âu của những kỳ tuyển sinh trước đây. Hàng trăm người ngồi chật kín gian phòng. Nhiều người đứng ngoài hành lang.

Ai cũng hồi hộp dõi theo đôi tay đang đảo đi đảo lại những miếng giấy nhỏ được gấp hai, gấp tư nằm trong thùng, và chờ nghe xướng lên con số may mắn.

Thỉnh thoảng lại có tiếng thở phào nhẹ nhõm, nụ cười hân hoan của ai đó, thậm chí là tiếng hô to đầy phấn khích của một ông bố. Ấy là khi có lá phiếu trúng tuyển.

Nhưng cũng có những người thở dài đầy thất vọng, đứng dậy bước ra ngoài, bởi lá phiếu của con mình đã trượt.

Tất cả dựa vào may rủi.

Một số người đưa cả con em mình đến. Chúng mải mê chơi đùa, không biết rằng, việc mình học ở đâu sẽ được quyết định bởi một lá phiếu.

Nhưng ngay sau đó sẽ là cảnh đối nghịch, khi gương mặt rầu rĩ của một người mẹ vì lá phiếu của mình không được may như vậy.

Quang cảnh buổi bốc thăm. Ảnh: T.H

 

Trong 642 hồ sơ dự tuyển năm học 2023-2024, nhà trường chỉ tiếp nhận 225 học sinh, tương ứng với hơn 1/3 chút xíu. Nghĩa là có gần 2/3 trẻ sẽ không được vào trường này. 

Ngồi trong khuôn viên nhà trường, nét mặt đầy căng thẳng, anh V. vừa trông chừng con vừa ngóng vào trong, nơi có vợ anh tham gia bốc thăm.

Một lát sau, thấy chị vợ thẫn thờ đi ra là anh biết con mình bị “trượt”. “Đúng là lá phiếu đầy may rủi. Chiều nay tôi phải quay lại trường rút hồ sơ để nộp vào trường khác cho kịp”- anh V. chia sẻ.

Nhà anh V. ở cạnh một trường tiểu học khác, rất tiện đưa đón, đây cũng là trường chuẩn quốc gia mức độ 2, hàng năm đều có học sinh đạt giải cao tại các cuộc thi. Nhưng anh chị vẫn nhất quyết muốn cho con vào Trường Tiểu học- THSP Ngụy Như Kon Tum.

Ba năm trước, gia đình anh cũng từng sống trong căng thẳng với cuộc đua cho con đầu  vào lớp… 1.  Thật sự tôi không hiểu sao năm nay anh vẫn cố như vậy.

Khác với anh V, chị H. thì hớn hở, mừng vui khôn xiết bởi qua kết quả bốc thăm, con của chị đã giành “chiến thắng”.

“Suốt cả đêm qua, không riêng gì tôi mà cả gia đình đều thao thức không ngủ được, cứ mong sao trời chóng sáng để đi bốc thăm cho con. Và may mắn thay, con tôi đã vào được trường mong muốn”- chị H. cho biết.

Cho đến nay thì Trường Tiểu học THSP Ngụy Như Kon Tum vẫn đang là trường tiểu học duy nhất của tỉnh tổ chức tuyển sinh lớp 1 bằng hình thức bốc thăm ngẫu nhiên.

Theo lời giải thích, trước đây mỗi kỳ tuyển sinh vào Trường Tiểu học THSP Ngụy Như Kon Tum thường xảy ra tình trạng số lượng học sinh đăng ký quá nhiều, có những phụ huynh canh để chờ mua hồ sơ lúc nửa đêm, diễn ra cảnh chen lấn, xô đẩy, sau đó là tận dụng các mối quan hệ, đi “cửa sau”, tạo áp lực lớn cho nhà trường. 

Vì vậy, việc bốc thăm được cho là cách hợp lý nhất để giải quyết vấn đề cung nhiều hơn cầu.

Đồng thời bảo đảm công khai minh bạch, công bằng, khi mọi người đều bình đẳng như nhau, tránh được sự thân quen, nể nang, xin xỏ.    

Nhưng đây là cách nhìn vấn đề ở phần ngọn, trong khi nguyên nhân sâu xa của tình trạng này xuất phát từ chính các phụ huynh.

Ngay trong sáng 4/6, khi rất đông phụ huynh đang “thót tim thắt ngực” theo từng lá phiếu may rủi, thì có một phụ huynh đã hỏi rằng: Vì sao lại phải chen chúc để bốc thăm kiếm một suất học cho con, trong khi còn có rất nhiều trường khác. Phải chăng các trường này không đủ điều kiện?

Nếu cứ học đúng tuyến thì không xảy ra tình trạng đấy. Thay vì chen nhau chờ định đoạt nơi học bằng lá phiếu may rủi, thì hãy cho con học đúng tuyến- phụ huynh này kết luận. 

Tôi cho rằng đây là một ý kiến đáng để suy ngẫm.

Hàng trăm phụ huynh trông chờ vào lá phiếu may rủi. Ảnh: TH

 

Nhiều ý kiến đồng tình rằng, tâm lý “so sánh hơn thua” giữa các trường và chạy theo phong trào đua cho con vào học “trường ngon” đã tạo nên sự cạnh tranh, và nhiều người coi cạnh tranh một suất vào trường này là chuyện bình thường.

Mong muốn con được vào trường tốt, trường chất lượng cao không phải là sai, nhưng xét theo thực tế hiện nay thì mong ước đó lại vô tình tạo áp lực lên nhà trường và chính phụ huynh.

Về cơ bản, hệ thống trường công ở thành phố Kon Tum hiện đáp ứng đủ nhu cầu theo học bậc tiểu học của học sinh. Và các trường học đều đạt chuẩn quốc gia ở các mức độ, được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bài bản, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn.

Cho nên, một cuộc cạnh tranh để giành cơ hội tiếp cận giáo dục cơ bản ở những đứa trẻ 6 tuổi, theo tôi, là không cần thiết.

Bởi ở bất cứ ngôi trường nào, khi bước vào lớp 1, trẻ vẫn sẽ được chăm sóc và dạy dỗ chu đáo.

Hơn nữa, rất có thể việc chứng kiến cha mẹ phải đi bốc thăm sẽ tạo nên một cách nhìn không tốt của trẻ về chuyện học hành.

Quyền học tập là một trong những quyền rất cơ bản của công dân, được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, đặc biệt là với trẻ em. Luật Trẻ em 2016 cũng quy định: Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục.

Mong rằng, trong năm tới, con cái chúng ta không phải chứng kiến cha mẹ mình khóc- cười vì cuộc đua tìm chỗ học vừa ý khi vừa 6 tuổi.

Với quyền học tập của con trẻ, đừng nhìn vào sự may rủi!

Thành Hưng

Chuyên mục khác