Lá chắn biên cương

28/06/2017 18:36

Cơn thịnh nộ của đất trời với sấm chớp, gió dập mưa vùi dường như tan biến khi tôi nhìn thấy gương mặt trẻ măng và nụ cười tươi rói của cậu lính bồng súng đứng nghiêm chào nơi bốt gác. Trong tôi chỉ còn lại một cảm giác thật bình yên, chỉ có được khi ta biết chắc chắn rằng, ta đang ở phía sau một lá chắn vững chãi...

Đồn là nhà...

Tháng 6, lẽ ra là bụi đỏ mù trời góc trời biên cương, thế mà mấy ngày nay trời Ia H’Drai cứ mưa giông liên tục. Bầu trời đang trong vắt, loáng cái đã tối sầm, những đám mây đen trĩu nước lừ đừ trôi trong chớp giật, gió quất, rồi mưa ào ào, giống như có ai đó ở trên mây cầm xô nước tạt xuống. Nhưng cũng vì mưa sớm, mưa nhiều mà rừng núi Ia H’Drai như được khoác lên lớp áo mới, xanh tươi mơn mởn.

Chẳng bù cho năm ngoái - anh lái xe Biên phòng lẩm bẩm - đúng là “đại hạn”, nắng như thiêu, nóng như hun, khắp nơi là... bụi. Xe sau luôn phải chạy trong dấu bụi xe trước để lại. Từ ngoài xã Ia Dom vào đến Đồn Mô Rai chỉ hơn chục cây số mà người xe đỏ quạch.

Khi chiếc xe đến gần Đồn Biên phòng Sa Thầy thì cơn giông ập xuống với mây đen vần vũ, gió lớn xoắn cong mấy ngọn bằng lăng, những tia chớp sáng rực rạch ngang bầu trời. Vượt qua cổng đồn trong màn mưa sầm sập, qua cửa kính mịt mờ, tôi vẫn nhìn thấy cậu lính gác bồng súng đứng nghiêm chào với nụ cười tươi.

Bỗng dưng, sấm chớp, gió giật, mưa quất dường như biến mất. Trong tôi lúc ấy, chỉ còn lại một cảm giác thật bình yên, chỉ có được khi ta biết chắc chắn rằng, ta đang ở phía sau một lá chắn vững chãi...

Cơn giông đến nhanh, qua cũng nhanh. Khi những giọt mưa cuối cùng rơi lộp bộp trên sân bê tông rộng, được trồng cây cảnh, cắt tỉa đẹp... như công viên thì trời cũng trong xanh trở lại. Trên đồn tiền tiêu lộng gió, những người lính trẻ tiếp tục tất bật với công việc cuối ngày. Người chuẩn bị đổi ca gác, người xới cỏ trồng rau, người lo bữa cơm chiều… Bình yên như đang ở nhà mình ấy nhỉ - anh bạn đồng nghiệp hít hà.

Chính trị viên Đinh Văn Định, giống như một người anh trai hiền từ, đang lui cui hướng dẫn mấy cậu lính trẻ cách gieo hạt rau giống. Dù ở vùng đất biên cương, nhiều khó khăn là vậy, nhưng Đồn Sa Thầy đã vượt nắng, thắng mưa để mùa nào cũng có rau xanh, quả ngọt; bò, heo đầy chuồng. Còn chuyện bếp núc thì khỏi chê, dù là rau rừng, qua bàn tay bộ đội đều thành “đặc sản”.

Vừa xới cỏ, cậu lính trẻ A Hùng vừa thủ thỉ: Em nhập ngũ năm ngoái, sau mấy tháng huấn luyện ở Tiểu đoàn Cơ động, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi đấy ạ, em được phân công về đồn này, thuộc đội vũ trang. Nhiệm vụ chính của em là tuần tra đường biên, những khi không đến phiên thì tham gia học tập, huấn luyện thêm nghiệp vụ, xuống cơ sở hoặc tăng gia sản xuất.

Lính trẻ tăng gia sản xuất. Ảnh: T.H

 

Cậu lính có gương mặt hóm hỉnh làm việc bên cạnh chen vào: A Hùng đang cố gắng rèn luyện, học tập để được cử đi học đấy. Bây giờ vững vàng rồi, mấy ngày đầu nhớ nhà, khóc nữa. A Hùng đỏ mặt, cự nự: Nó cũng vậy đó, khác gì em đâu. Mọi người cùng cười.

Hỏi ra thì biết cậu ta tên là A Gríp, nhập ngũ cùng ngày, nhà cùng huyện Đăk Hà với A Hùng, chỉ khác là A Hùng ở thôn Pa Cheng, xã Đăk Long, còn A Gríp ở thôn 9, xã Đăk Hring. Cùng nhập ngũ, cùng quê, cùng tuổi nên 2 đứa nhanh chóng trở thành bạn thân. Tôi hỏi: Thế bây giờ còn nhớ nhà nữa không? Nhớ chứ, nhưng không khóc nữa. Về phép lại nhớ đồn, nhớ anh em muốn khóc. Đồn như nhà của mình rồi.

Lá chắn thép nơi biên cương

Huyện Ia H’Drai có hơn 76km đường biên giới giáp tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia), là địa bàn đứng chân của 5 đồn Biên phòng, trong đó, riêng xã Ia Đal có tới 3 đồn (Sa Thầy, Suối Cát, Hồ Le) bởi có chiều dài đường biên giới lên tới 43,5km.

Như nhiều đồn Biên phòng khác trên địa bàn huyện Ia H’Drai, Đồn Sa Thầy nằm bám theo trục đường tuần tra biên giới, xung quanh là bạt ngàn cao su đang kỳ khép tán. Trong đồn là hệ thống doanh trại hiện đại, chính quy; công sự liên hoàn khép kín, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

Khi chúng tôi tới, trong Đồn Sa Thầy khá vắng vẻ. “Trừ anh em gác, trực chỉ huy và trực chiến, cán bộ, chiến sĩ của đồn đều đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra đường biên, bám địa bàn cả”- Đồn trưởng Nguyễn Quanh Thành cho biết. Cùng với những đồn khác trên dọc dài tuyến biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Sa Thầy đã vượt nắng thắng mưa, ngày đêm vững tay súng, làm nên lá chắn thép nơi miền biên viễn Tổ quốc.

Cũng theo đồn trưởng Thành, thời gian qua, các đồn Biên phòng đã tích cực phối hợp với dân quân và công an địa phương tuần tra, kiểm soát khu vực đường biên, bảo vệ cột mốc; tuyên truyền, vận động bà con chấp hành Nghị định 34/NĐ-CP về Quy chế khu vực biên giới đất liền. Vì vậy, tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới luôn được đảm bảo.

Những buổi họp thôn, hay những khi người dân có việc vui, buồn, cán bộ, chiến sĩ luôn là những người đến sớm nhất. Không chỉ là để tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn là trách nhiệm, là nghĩa tình, bởi “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”- Chính trị viên Đinh Văn Định tâm sự.

Cũng từ đó, mà tình quân dân ngày càng bền chặt, đồng bào ngày càng tin tưởng và quý trọng anh em trong đồn, chia ngọt sẻ bùi, sẵn sàng tham gia các hoạt động tuần tra đường biên. Và đặc biệt, họ tự giác và tự nguyện trở thành “tai mắt” của Bộ đội Biên phòng, canh giữ các ngả đường rừng; thông tin nhanh chóng khi phát hiện đối tượng lạ mặt…

Bữa cơm chiều ấm cúng xong cũng là lúc đích thân đồn trưởng Thành dẫn đội vũ trang lên đường làm nhiệm vụ. Anh hóm hỉnh: Mọi người ở nhà tiếp khách chu đáo nghe, chuyến đi này thế nào cũng kiếm được ít cá lăng về nấu canh chua đãi khách. Nghe kể, do gắn bó với biên giới nhiều năm nên anh quá quen với khí hậu, địa hình khắc nghiệt này, chỉ nghe mùi gió cũng có thể biết ngày hôm ấy khí hậu sẽ ra sao để chuẩn bị sẵn áo ấm, áo mưa; chỉ nhìn qua là biết khúc sông nào có cá...

Chính trị viên Định nắn nắn trang phục, giật giật quai súng của cậu lính trẻ, vẻ hài lòng, rồi vỗ vỗ vai: Đi cẩn thận nhé. Rồi tần ngần nhìn theo tốp người mất hút vào màn đêm.

Tôi cũng vậy, tần ngần đứng nhìn theo bóng dáng cao lớn của đồn trưởng Thành đi đầu, phía sau thấp thoáng những nòng súng AK khoác trên vai những người lính trẻ, và thầm nghĩ: lá chắn thép biên cương chính là được tạo nên từ những con người ấy.

Hồng Lam

Chuyên mục khác