Kỳ vọng mới

21/01/2023 06:38

Giữa bộn bề của những ngày giáp Tết, tôi đặc biệt quan tâm đến việc UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND phát động phong trào thi đua đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030.

Cần phải khẳng định rằng, trong những năm qua, với quyết tâm cải thiện, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, từ đó thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chỉ đạo quyết liệt, tập trung triển khai nhiều giải pháp về cải cách hành chính.

Kết quả tìm hiểu cho thấy, điểm số cao nhất trong cải cách hành chính năm qua là việc công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách liên quan đến người dân được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kiểm tra, giám sát.

Các yếu tố mang tính quyết định đến hiệu lực cải cách hành chính, như quy trình, thủ tục hành chính; kiểm tra việc thực thi các quy định và quy tắc nhằm nâng cao chất lượng cải cách hành chính đều có bước tiến mới.

Khắc phục kịp thời một số hạn chế gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong hành chính công. Ảnh: H.L

 

Thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa và ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ. Các quy trình có sự tham gia giám sát của người dân được áp dụng nhằm nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Cơ chế, chính sách liên quan đến người dân đều được lấy ý kiến của nhân dân. Sự tham gia đóng góp ý kiến, kiểm tra, giám sát của người dân về thực hiện công vụ của cơ quan nhà nước ngày một cao.

Đã khắc phục kịp thời một số hạn chế, xử lý các hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân. Vì vậy, tỷ lệ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính từng bước được cải thiện.

Đã thiết lập được sự thông suốt và đồng bộ trong cải cách hành chính  thông qua thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm trưởng ban; các phó chủ tịch UBND tỉnh làm phó trưởng ban, thành viên là người đứng đầu các sở, ngành, địa phương.

Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tỉnh, Ban Chỉ đạo có quyền hạn kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý tổ chức, cá nhân, người đứng đầu đơn vị, địa phương không triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo quy định.

Nhìn chung, cải cách hành chính là một trong những yếu tố cơ bản giúp tỉnh ta thực hiện thành công hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu trong năm 2022.

Triển khai phong trào thi đua cải cách hành chính sâu rộng, thực chất ở các lĩnh vực. Ảnh: HL

 

Tuy nhiên, trong khi chờ kết quả xếp hạng 4 chỉ số liên quan đến cải cách hành chính của năm 2022, chúng ta vẫn chưa thể xóa được “bóng mờ” của năm 2021, khi Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh xếp ở nhóm thấp trong cả nước.

Cụ thể, chỉ số PCI của tỉnh ta đạt 58,95 điểm, đứng thứ 61/63 tỉnh, thành cả nước (giảm 5 bậc so với năm 2020). Chỉ số PAPI đạt 39,89/80 điểm, xếp thứ 54/60 tỉnh, thành (giảm 5 bậc so với năm 2020); chỉ số PAR INDEX đạt 82,45 điểm, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành (giảm 10 bậc so với năm 2020); chỉ số SIPAS đạt 86,13 % và đứng thứ 44/63 tỉnh, thành (giảm 21 bậc so với năm 2020).

Vai trò quan trọng của cải cách hành chính trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội là không thể bàn cãi. Vì vậy, trong Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 16/5/2022 của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu cải thiện thứ hạng 4 chỉ số PAR INDEX, PAPI, PCI năm sau cao hơn năm trước. Riêng trong năm 2023, tăng 5 bậc so với năm 2022 ở cả 4 chỉ số.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đề ra, cần một cú hích mạnh mẽ. Và không nghi ngờ gì, Kế hoạch số 42/KH-UBND phát động phong trào thi đua đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2030 được kỳ vọng tạo ra cú hích ấy.

Bởi thông qua phong trào thi đua, sẽ nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của cải cách hành chính; thúc đẩy cải thiện hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan hành chính các cấp.

Nội dung thi đua là thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch hàng năm của tỉnh với các lĩnh vực: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử.

Có thể thấy thông điệp của phong trào thi đua là đem lại “làn gió mới” trong cải cách hành chính năm 2023 và những năm tiếp theo, xây dựng nền hành chính trong sạch, thông suốt, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức và người dân.

Từ đó tạo động lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển mới và ngày càng phức tạp.

Vấn đề đặt ra là phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng, thực chất, đồng bộ; phải xây dựng cụ thể các nội dung, mục tiêu, tiêu chí thi đua, tạo sự đột phá, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đặc biệt là phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Xây dựng cụ thể, chi tiết các tiêu chí phát động thi đua cải cách hành chính, tiêu chí đánh giá mức độ, hiệu quả cải cách hành chính của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong quá trình triển khai phong trào thi đua, cần có sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát của cấp ủy đảng, sự điều hành sát sao của chính quyền và sự giám sát của các đoàn thể và nhân dân. Nhất là phát hiện sớm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhũng nhiễu trong thừa hành nhiệm vụ.

Và cuối cùng, không thể xem nhẹ việc biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, sáng tạo trong công tác cải cách hành chính.

Hồng Lam

Chuyên mục khác