Ký ức về Đại thắng mùa xuân qua lời kể của các cựu chiến binh

29/04/2020 06:19

Những ngày tháng Tư lịch sử, các cựu chiến binh xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy lại có dịp ngồi bên nhau trò chuyện, nhớ về những ngày tháng cùng chung chiến hào, chia từng nắm cơm lạt muối, và nhất là thời oanh liệt, hào hùng, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng trong ký ức của cựu chiến binh Nguyễn Quốc Dương, thôn Ya De, xã Ya Xiêr vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc về thời khắc huy hoàng ngày 30/4 năm ấy.

Ông kể, ngay sau chiến thắng liên tiếp tiêu diệt 2 Chi khu Quân sự của địch ở Dầu Tiếng, Chơn Thành (Bình Dương), tháng 4/1975, Sư đoàn 9 - đơn vị ông được lệnh hành quân, đánh chiếm mục tiêu, khống chế Đường số 4, mở mũi tấn công từ hướng Tây Nam vào Sài Gòn, từ đó thọc sâu đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát và cùng các đơn vị bạn đánh thẳng vào Dinh Độc Lập.

Đêm 29, rạng sáng 30/4 năm đó, đơn vị tôi đánh vào ngã tư bà Quẹo, sau đánh vào ngã tư Bảy Hiền. Trong lúc đánh vào ngã tư Bảy Hiền, bị máy bay bay thấp của địch thả bom làm hư hỏng một khẩu pháo và một xe tăng, song chúng tôi cùng với các lực lượng khác vẫn tiếp tục tấn công. Lúc này địch dao động và đầu hàng. Đến 10 giờ 30 phút, đội hình Sư đoàn nhanh chóng vượt qua ngã tư Bảy Hiền, riêng Trung đoàn 1 bộ binh của tôi đánh thẳng vào Biệt khu Thủ đô, bắt sống toàn bộ Bộ chỉ huy Biệt khu. Lúc đó người dân mừng lắm, vỗ tay và lao ra ôm hôn bộ đội, chúng tôi cũng vừa mừng, vừa xúc động, hạnh phúc không kể xiết! - ông Dương nhớ lại.

Như để làm sống động hơn về chiến tích của mình, ông mang cho chúng tôi xem một túi tài liệu, trong đó là tất cả những giấy tờ của gần 10 năm xông pha nơi chiến trường. Bàn tay run run ông lật từng trang giấy vàng úa từ giấy xin nghỉ phép, đến những giấy khen, giấy chứng nhận danh hiệu dũng sĩ quyết thắng; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và Huy chương Chiến sĩ hạng Nhất, Nhì, Ba… Những kỷ vật này được ông nâng niu, trân trọng, bởi đó là một phần tuổi trẻ vô cùng oanh liệt của ông.

Ông Nguyễn Quốc Dương (bìa trái) cùng xem lại kỷ vật. Ảnh: LN

 

Tương tự như ông Nguyễn Quốc Dương, tháng 8/1972, sau khi kết thúc khóa huấn luyện, chàng thanh niên Nguyễn Đức Tài, quê ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương (hiện đang sống tại thôn 1, thị trấn Sa Thầy) được biên chế vào Tiểu đoàn 22, Sư đoàn 5. Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, đơn vị ông được giao nhiệm vụ giải phóng tỉnh Long An, đánh chia cắt Lộ 4, không cho địch từ miền Tây về ứng cứu Sài Gòn, đồng thời yểm trợ đắc lực cho các đơn vị khác tiến thẳng vào làm chủ Sài Gòn. Đối với ông và đồng đội, đây là vinh dự to lớn khi được góp phần cùng quân dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông bùi ngùi kể lại: Giai đoạn khốc liệt nhất từ năm 1974 đến đầu năm 1975, hầu như ngày nào cũng có đồng đội hy sinh. Mới hôm trước còn nằm bên nhau tâm sự, còn chia nhau từng miếng cơm lạt muối, vậy mà chỉ sau một đêm đã phải tự tay chôn cất đồng đội, đau xót lắm. Đối với tôi, những kỷ niệm ở chiến trường với các đồng đội một thời vào sinh ra tử mãi mãi không thể nào quên. Gian khổ, hy sinh là thế nhưng chúng tôi vẫn quyết chiến đấu đến cùng, người này ngã xuống, người khác xông lên, chiến đấu với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Sau khi giải phóng Sài Gòn, chúng tôi được lệnh hành quân trở lại Tây Ninh để giữ ổn định tình hình khu vực này. Khi xảy ra chiến tranh biên giới, tôi và các đồng đội lại tiếp tục chiến đấu và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Đến năm 1981, bị mất 41% sức khỏe, được hưởng chế độ bệnh binh, tôi trở về quê hương Hải Dương, đến năm 2001, tôi vào Sa Thầy lập nghiệp, xây dựng kinh tế.

Tấm Huy chương Chiến sĩ Giải phóng năm 1975, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 3, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, là những thành tích được ông nâng niu và treo trang trọng nơi phòng khách. Để mỗi lần khi đến ngày kỷ niệm, ông lại lấy ra để nhắc nhở cho con cháu về một thời bi hùng của ông và đồng đội, của đất nước. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử đấu tranh, để từ đó thêm biết ơn và trân trọng giá trị của độc lập, tự do, hòa bình.

Tinh thần chiến đấu, sự hy sinh của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nói riêng, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của ý chí quật cường, quyết tâm sắt đá, quyết chiến, quyết thắng. Tinh thần ấy được dẫn dắt, soi đường bởi sự lãnh đạo tài tình, đường lối đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, để chúng ta có được một đất nước hoà bình, độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.

Giờ đây khi đã ở cái tuổi xế chiều, vết thương chiến tranh vẫn còn hằn trên da thịt, những cựu chiến binh năm ấy vẫn luôn phát huy truyền thống cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, gương mẫu, tích cực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Lê Nga

Chuyên mục khác