Ký ức Tết Độc lập

01/09/2023 13:35

Với những người đã trải qua Tết Độc lập đầu tiên (2/9/1945), thì trong tâm trí họ vẫn vẹn nguyên những ký ức đẹp, những cảm xúc thiêng liêng, bâng khuâng khó tả.

Mùa Thu năm 1945, ông Nguyễn Công An (xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) mới 11 tuổi. 78 năm trôi qua, nhưng những ký ức về Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh (2/9/1945)- ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn in đậm trong tâm trí ông. Đến giờ, khi nhắc về thời khắc lịch sử ấy, ông vẫn kể rành rẽ như chuyện vừa mới xảy ra.

Ông Nguyễn Công An bồi hồi nhớ lại: Khi đó tôi còn đang là học sinh, nhưng ở trường cũng đã được nghe giáo viên thông tin về tình hình cách mạng. Những ngày cuối tháng Tám, cùng với khởi nghĩa giành chính quyền đang diễn ra trong cả nước, khí thế đấu tranh cách mạng ở Kon Tum sục sôi. Sáng 28/8/1945, một cuộc mít tinh lớn do Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh tổ chức tại Sân vận động thị xã Kon Tum với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân ở thị xã Kon Tum và các vùng phụ cận để tuyên bố việc xóa bỏ chính quyền đô hộ thực dân phong kiến; thành lập chính quyền cách mạng, triển khai những chính sách tiến bộ, đoàn kết dân tộc. Ngày 2/9/1945, phố xá Kon Tum rợp cờ đỏ sao vàng, mọi người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm, Độc lập -Tự do muôn năm, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”.

Tấm ảnh Bác Hồ luôn được ông Nguyễn Công An đặt ở vị trí trang trọng trong phòng khách. Ảnh: TH

 

Khi đó, tôi chưa thật sự hiểu hết được ý nghĩa của 2 chữ “độc lập”, nhưng tôi thấy rõ niềm vui, hạnh phúc, sự hân hoan của cha mẹ, bà con trong gia đình và mọi người trong xóm phố; cảm giác như cuộc sống của mọi người đang bước sang một trang mới. Sau này lớn hơn, có đủ nhận thức, tôi hiểu rõ, Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh (2/9/1945) là sự kiện trọng đại và là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đánh dấu sự đổi đời chưa từng có đối với mỗi một con người, từng gia đình, đó là từ người nô lệ trở thành người tự do, làm chủ đất nước. Cuộc đời trải qua nhiều thăng trầm, tôi càng thấm thía giá trị lớn lao của độc lập, tự do- ông Nguyễn Công An chia sẻ.

Cũng như ông Nguyễn Công An, với tất cả những người dân đã từng chứng kiến Mùa thu lịch sử năm 1945, đến bây giờ ký ức về Tết Độc lập đầu tiên không thể phai mờ.

Năm nay, ông Lê Văn Mỹ (ở thôn 5, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) đã 92 tuổi đời với 57 năm tuổi Đảng, sức khỏe đã giảm sút nhiều, vì thế trí nhớ cũng giảm đi, có những việc ông quên, nhưng ký ức về Mùa thu Cách mạng, về Tết Độc lập đầu tiên chẳng bao giờ mờ phai trong tâm trí của ông.

Vẫn đậm giọng quê “xứ nẫu”, ông Lê Văn Mỹ kể: Quê tôi ở huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cuộc sống của người dân vô cùng cực khổ vì sưu cao, thuế nặng; dừa trồng chưa được thu đã bị đếm từng quả, lúa còn ở ngoài ruộng đã bị ấn định mức thu, đi đâu cũng bị tra hỏi. Nhân dân vô cùng căm thù thực dân Pháp, phát xít Nhật và bè lũ phong kiến tay sai. Thế nên, khi phong trào khởi nghĩa giành chính quyền lên cao, người dân đều đồng tình hưởng ứng, vùng lên mạnh mẽ, không khí vô cùng sục sôi. Khi khởi nghĩa thành công, mọi người, mọi nhà vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc, khó có thể diễn tả hết được.

Theo Đảng và Bác Hồ đánh Pháp, đuổi Mĩ, ông Lê Văn Mỹ được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Ảnh: TH

 

Ông Lê Văn Mỹ chia sẻ thêm, ngày 2/9/1945, tuy không được trực tiếp chứng kiến giây phút Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập  khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng mọi người đều nắm được thông tin và chú ý theo dõi sự kiện lịch sử này. Trong làng ngoài xóm ai cũng hân hoan, rạng ngời, không khí vui mừng, hạnh phúc ngập tràn. Cũng dễ hiểu thôi, vì từ chỗ là người nô lệ trở thành người được làm chủ đất nước, nên ai cũng hãnh diện và tự hào. Cứ mỗi dịp kỷ niệm Quốc khánh (2/9), lòng tôi lại rạo rực khó có thể diễn tả bằng lời, cảm xúc Tết Độc lập đầu tiên ấy lại ùa về.

Nghe ông kể mà chúng tôi cảm giác như mình đang được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử của những ngày thu lịch sử ấy.

Mặc dù sau khi độc lập, cuộc sống của người dân vẫn hết sức khó khăn, nhưng ai ai cũng thấy hạnh phúc vì đã thoát khỏi sự đàn áp, bóc lột, đô hộ của chế độ thực dân phong kiến. Hiểu rõ chỉ có Đảng, Bác Hồ, chỉ có độc lập, tự do mới mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người, nên cùng với hàng vạn người con của quê hương, tôi đã xung phong đi bộ đội, tham gia đánh Pháp, đuổi Mỹ để góp phần bảo vệ nền độc lập và thống nhất đất nước -  ông Lê Văn Mỹ trải lòng.

Suốt mấy chục năm theo Đảng làm cách mạng, từ Bắc vô Nam, rồi từ Nam ra Bắc; dù cực khổ, đối mặt với hiểm nguy nhưng ông Lê Văn Mỹ luôn cảm thấy hạnh phúc, vì được góp sức cho cách mạng, chiến đấu để giành lại độc lập, tự do, hòa bình cho đất nước, quê hương.

Lớn lên cùng đất nước, chứng kiến từng bước đi, sự phát triển của quê hương trong suốt hành trình 78 năm- kể từ khi đất nước giành được độc lập đến nay, những người như ông Nguyễn Công An, Lê Văn Mỹ càng cảm thấy tự hào và hạnh phúc, trân trọng hơn giá trị của độc lập, tự do.

Thời gian trôi đi, nhiều thứ có thể bị lãng quên, nhưng với tất cả những người dân đã từng chứng kiến mùa Thu lịch sử năm 1945 thì ký ức về Tết Độc lập đầu tiên mãi vẹn nguyên.      

Thùy Hương

Chuyên mục khác