16/03/2018 12:54
Không khỏi bồi hồi xúc động, ông A Lập năm nay 79 tuổi, trú tại phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum kể: Năm 1975, ông là Thượng úy, công tác tại Ban Quân Y hậu cần Tỉnh đội Kon Tum với chức danh trợ lý điều trị bệnh cho thương binh.
Trong những ngày sục sôi chuẩn bị đánh chiếm thị xã Kon Tum, đơn vị ông đã chuẩn bị xây dựng hai bệnh xá tại xã Kon Đào (huyện Đăk Tô) và xã Kon Hring (huyện Đăk Hà) bây giờ, mỗi nơi 80 giường bệnh rất chu đáo, an toàn, bí mật để phục vụ thu dung, cứu chữa thương bệnh binh.
Nhờ chủ động trong tấn công và áp sát đánh địch tận từng góc phố, bờ mương, giao thông hào, nên bộ đội ta giảm được thương vong rất nhiều. Tuy vậy, đơn vị ông cũng thường xuyên túc trực 24/24 dưới những làn pháo kích ì ầm lóe sáng cả góc trời. Phút giây hồi hộp ngóng tin chiến thắng đối với ông không sao quên được.
Ông Trần Thanh Bình năm nay 69 tuổi, trú tại tổ 1, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum hồi tưởng: Năm 1975, ông là Thượng sĩ y tá thuộc Trung đoàn 304 của Tỉnh đội Kon Tum. Khi quân đội ta mở chiến dịch đánh vào thị xã Kon Tum, thì tối 14/3/1975, đơn vị ông được lệnh hành quân từ huyện Kon Plông đi về phía sau các lèn đá xã Chư Hreng, rồi trú quân tại các mỏm đá nằm sâu sau đèo Sao Mai, thị xã Kon Tum. Trong khi trú quân, đơn vị của ông bị địch pháo kích liên tục và đã có một chiến sĩ bị thương, nhưng đồng đội vẫn tiếp tục đào hầm giấu quân an toàn.
|
Đến sáng 15/3/1975, Tỉnh đội Kon Tum đã điều một khẩu đội hỏa lực phối hợp cùng lực lượng trinh sát ra dọc Quốc lộ 14 đánh chặn các đoàn xe của địch bằng hỏa lực và đánh vào căn cứ quận Đăk Tô lưu vong đóng chân tại đèo Sao Mai. Lúc này, quân địch còn mạnh và đang chốt giữ trên các mỏm đá án ngữ Quốc lộ 14 đoạn cửa ngõ Kon Tum đi Gia Lai. Tối cùng ngày, đơn vị của ông đã dùng B41 đánh vào đồn Sao Mai và làm tê liệt số quân lính đang cố thủ.
Đến 7h ngày 16/3/1975, đơn vị của ông được lệnh đánh vào đoàn xe của địch từ Kon Tum chạy về Gia Lai. Sáng hôm ấy dày đặc sương mù nên các chiến sĩ không thấy mặt đường. Đến 8h cùng ngày, pháo ta bắn dồn dập vào thị xã Kon Tum. Thất thủ, bọn địch bỏ chạy tán loạn, di tản theo vợ con. Lúc này, từng đoàn người đông đúc nối đuôi nhau dài hàng cây số chạy thục mạng ra xa chiến địa.
Thừa thắng xông lên, ông Bình xin đơn vị cấp thêm 3 băng đạn và cùng 3 đồng chí nữa đánh phá các lô cốt còn lại của địch. Khi đến đồi đá tại Sao Mai, ông thấy bọn địch tháo chạy cùng với xe chiến binh.
Tại đây, sau khi ông bắn cháy một chiếc xe chiến binh thì cả đoàn xe dừng lại, còn người thì bỏ chạy thục mạng. Trong trận này, ông đã bắn chết một tên địch và bắt sống 3 tên khác đưa vào nhà dân giam lại, sau đó giao cho Ban Quân quản tỉnh xử lý.
Đến chiều cùng ngày, đơn vị của ông tiến vào tiếp quản thị xã Kon Tum trong tiếng hò reo vui mừng ngày chiến thắng của người dân.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương năm nay 67 tuổi, trú tại số nhà 47 Tạ Quang Bửu, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum xúc động: Bà đi làm cách mạng theo tiếng gọi giải phóng quê hương từ lúc 15 tuổi. Trong đó, từ năm 1967 cho đến khi giải phóng thị xã Kon Tum ngày 16/3/1975, bà tham gia công tác tại H5 thuộc Chi bộ A51 hoạt động trụ bám ở khu trù mật ấp Trung Tín để làm bàn đạp tiến vào nội ô thị xã Kon Tum. Đặc biệt, ngày 16/3/1975, đơn vị của bà đã kết hợp với thị đội Kon Tum để đánh vào trung tâm thị xã Kon Tum. Khi vào sâu trong nội thị, bà thấy người dân chạy tán loạn, chỉ còn lạị các cơ sở cách mạng và những người dân già yếu ở lại, nhưng rất thưa thớt.
Cuộc tháo chạy của binh lính địch và các gia đình của họ lên cao điểm vào trưa ngày 16/3. Tại Quốc lộ 14 đoạn qua đèo Sao Mai, người và xe chật cứng, dẫm đạp lên nhau. Lúc này, đơn vị của bà có nhiệm vụ bám dân để vận động người dân bình tĩnh ở lại địa phương, không dao động và chạy loạn dẫn đến gia đình thất lạc, con cái chết chóc. Tỉnh đã thành lập Ban Quân quản và Ban Binh vận để kết hợp vận động quần chúng nhân dân hiểu được chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với những người lầm đường lạc lối đi theo quân giặc, làm tay sai bán nước hại dân.
Sau ngày chiến thắng Kon Tum, đơn vị của bà tiếp tục sống và hoạt động giữa lòng dân với nhiệm vụ chính là giữ dân, lấy cơ sở làm nòng cốt để thành lập các đoàn thể, gây dựng phong trào, từ đó ổn định cuộc sống lao động sản xuất, buôn bán trở lại. Nhờ đó, người dân thị xã Kon Tum lúc bấy giờ, đặc biệt là những gia đình có tham gia cho chính quyền cũ vẫn yên tâm ở lại xây dựng quê hương, không bỏ chạy về Gia Lai và các tỉnh khác như khi chúng ta chưa giải phóng kịp.
Còn biết bao ký ức hào hùng của một thời chiến tranh oanh liệt mà các chú, các cô ngày ấy đã không tiếc máu xương để giành độc lập, thống nhất nước nhà mà chúng ta chưa kể hết. Máu và hoa trải dài trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta suốt 30 năm trường kỳ chống Mỹ, cứu nước đã tô thắm thêm cho màu cờ đỏ sao vàng với lời quốc ca hiệu triệu hàng triệu người con hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Vì thế, những ký ức đi cùng năm tháng không thể nào quên của các cô, các chú là minh chứng cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam không bao giờ khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào.
Trần Vũ Hùng