Ký ức Điện Biên Phủ

07/05/2019 06:18

Dành cả tuổi thanh xuân đẹp nhất cho Điện Biên, ông Trịnh Xuân Tính và bà Lê Thị Nhàn ở thôn 2, xã Đăk Cấm (thành phố Kon Tum) đã góp sức cùng với các đồng đội làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. 65 năm trôi qua kể từ ngày chiến dịch thắng lợi, ký ức những ngày mưa dầm cơm vắt, khoét núi ngủ hầm chưa bao giờ phai mờ. Với hai ông bà, những kỷ niệm đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống…

Năm 1953, ông Tính khi đó mới 15 tuổi và bà Nhàn cũng vừa bước sang tuổi 18. Ở tuổi thanh xuân đẹp nhất, cả 2 ông bà đều hăng hái tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Chúng tôi được dân cử, bầu chọn mới được đi đấy. Vẫn biết vào chiến trường là “đi dễ khó về”, nhưng không thể để giặc càn mãi, phải rời quê hương, đánh cho Pháp rút” - ông Tính tự hào kể.

Cả hai ông bà đều vào đoàn dân công Thiệu Hóa (Thanh Hóa) lên Điện Biên. Bà Nhàn được phân công làm nhiệm vụ tải gạo lên các trạm cho bộ đội; còn ông Tính, tập trung vào nhiệm vụ y tế, cấp cứu, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong đoàn.

“Ban ngày giặc càn thì chúng tôi hoạt động vào ban đêm. Chúng tôi băng rừng, lội suối xuyên đêm để tải gạo. Mọi người tự động viên nhau gan dạ. Dù tải gạo trên lưng, nhưng ai nấy đều cố gắng nhịn đói, để dành gạo cho bộ đội” - bà Nhàn kể.

Chiến dịch càng vào giai đoạn ác liệt, những dân công như ông Tính, bà Nhàn lại càng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. “Hồi đó, người chỉ hơn 40kg mà tải trên lưng bao gạo 30kg, đi hàng chục kilômét đường rừng. Ý chí đã làm nên sức mạnh”- bà Nhàn nói.

Từ chiều 13/3/1954, khi chiến dịch mở màn, cùng với bộ đội chủ lực, lực lượng văn công, quân y, dân quân hỏa tuyến… cũng phát huy sức mạnh đại đoàn kết, cùng nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ. Thời điểm ấy, bà Nhàn ra sức tải gạo; ông Tính tận tâm, tận lực cứu chữa các thương binh, bệnh binh. Ông kể, dù làm nhiệm vụ cách xa trận địa nhưng khi cần, ngoài việc cấp cứu, chữa trị, ông cũng trực tiếp vào khiêng cáng, hỗ trợ đồng đội đưa thương binh về tuyến sau.

Những ngày chiến dịch, thương binh, bệnh binh càng nhiều, ông Tính tham gia cứu chữa, chăm sóc thương bệnh binh suốt ngày đêm, nhưng không bao giờ biết mệt mỏi. Trong đầu ông khi ấy chỉ mong sao ta bảo toàn lực lượng và nuôi niềm tin, hy vọng vào một ngày mai chiến thắng.

Và niềm tin, hy vọng của các chiến sĩ Điện Biên cũng thành hiện thực. Nhớ lại giây phút ấy, ông Tính xúc động: “Tối 7/5/1954, nhận được tin lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Tướng De Castries và toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng, tất cả mọi người ôm chầm lấy nhau, nhảy reo, vui mừng. Lúc đấy, áp lực, mệt mỏi như tan biến. Anh em đã khóc, khóc vì mừng, khóc vì hạnh phúc, khóc vì thương tiếc các đồng đội đã anh dũng nằm lại trên chiến trường...”.

Về phía bà Nhàn, lúc ấy bà vẫn đang băng rừng làm nhiệm vụ. Và cũng như ông Tính, khi nghe tin, tất cả mọi người trong đoàn dân công vỡ òa trong hạnh phúc. “Không thể tả được cảm xúc lúc ấy, chúng tôi ai nấy đều vỡ òa vì mừng vui. Khi đó tiếng cười, tiếng hát vang vọng núi rừng...” - bà Nhàn kể.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Tính và bà Nhàn phấn khởi trở về quê hương. Thương nhau ở tính chịu thương, chịu khó; mến nhau vì cùng ý chí kiên cường, hết lòng vì Tổ quốc, hai ông bà đến với nhau, cùng dựng xây tổ ấm.

Đi qua chiến tranh, đi qua những ngày gian khổ, hai vợ chồng ông Tính, bà Nhàn rời quê hương vào Kon Tum làm kinh tế, cùng nuôi 5 người con trưởng thành.

Thời gian trôi qua, nhưng cứ đến tháng 5 lịch sử, ký ức những ngày tham gia chiến dịch lại ùa về. Trong những bữa cơm, cả gia đình lại cùng nhau đoàn tụ, ôn lại kỷ niệm một thời hào hùng. Những câu chuyện thời chiến luôn là động lực để mỗi thành viên cố gắng đắp xây hạnh phúc, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Vợ chồng ông Tính, bà Nhàn sống vui cùng con cháu. Ảnh: HT

 

Hoài Tiến

Chuyên mục khác