29/04/2019 13:01
Ông Võ Tá Tiến sinh năm 1953, tại Thạch Hà, Hà Tĩnh. Tháng 1/1970, ông đã lấy máu của mình để viết đơn tình nguyện đi bộ đội và được biên chế vào đơn vị C45, đoàn 22 B (Hà Tĩnh).
Đến tháng 9/1970, ông vào Quảng Bình, được biên chế vào đơn vị 968 (E Tó - Quảng Bình) và nhận nhiệm vụ giữ chốt canh gác, bảo vệ và làm công tác hậu cần. Ở đây các chiến sĩ phải thực hiện bí mật như “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”…
Đến năm 1971, ông tham gia cuộc hành quân Lam Sơn 791 tại đường Chín, Nam Lào. Đến năm 1972, ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị. Đầu năm 1972, ông cùng đơn vị qua chiến trường Nam Lào và đóng quân tại Cao nguyên Bô Lô Ven (Lào).
Đến đầu năm 1973, ông cùng đơn vị hành quân về Kon Tum, sau đó về Đức Cơ (Gia Lai) và chốt giữ ở Đồn Tầm, chốt Mỹ (đường 19) và sau đó về chốt giữ ở Chia Kra-ông Dàng (bon 1, 2) thuộc Khu kháng chiến Gia Lai của Sư đoàn 320B làm nhiệm vụ trinh sát, dẫn đường chuẩn bị cho tiến công thị xã Buôn Ma Thuột (10/3/1975).
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông và các chiến sĩ trong đơn vị được giao nhiệm vụ là mũi thọc sâu từ hướng Bắc, vượt cầu Bông đánh vào trại huấn luyện Quang Trung ở sân bay Tân Sơn Nhất. Với nhiệm vụ cấp trên giao, ông và ông Lê Văn Túc - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, trực thuộc Sư đoàn 320 đi trinh sát thực địa ở khu căn cứ chốt Đồng Dù, Củ Chi (nơi do Sư đoàn 320 đánh mở cửa vượt cầu vào sân bay Tân Sơn Nhất ) và trinh sát song quay lại đón đơn vị. 10h30 phút ngày 30/4/1975, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 tiến công đánh cổng số 5 sân bay Tân Sân Nhất và gặp trận đánh bom của quân địch làm 20 người hy sinh và hư hỏng 2 chiếc xe bọc thép. Tuy nhiên, chỉ 20 phút sau quân ta đã hoàn toàn làm chủ sân bay Tân Sơn nhất.
"44 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, đời sống kinh tế - xã hội ở các địa phương đã có bước phát triển vượt bậc. Người dân đã mạnh dạn đầu tư vốn mở các trang trại trồng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, số hộ nghèo giảm đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay ở một số vùng căn cứ cách mạng cũ trong tỉnh, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra chưa có nơi tiêu thụ. Vì vậy, tôi mong muốn trong những năm tới, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến các vùng căn cứ cách mạng và những người đã từng tham gia kháng chiến hiện có cuộc sống còn nhiều khó khăn về vốn cũng như tinh thần để họ vươn lên thoát nghèo, góp phần đưa Kon Tum phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp với các địa phương khác trong khu vực Tây Nguyên" - ông Võ Tá Tiến nói.
|
L.N