Ký ức của cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

27/04/2023 13:15

Với phương châm hành động “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã trở thành mốc son chói lọi, hào hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Qua đó, kết thúc thắng lợi Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), non sông thu về một dải.

Trải qua 48 năm kể từ Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2023) ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những chiến sĩ cách mạng đã tham gia vào “những trận đánh lịch sử” này với niềm tự hào, trong đó có cựu chiến binh Đào Xuân Tỉnh (85 tuổi, ở Tổ dân phố 5, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum).

Khoác trên người chiếc áo bộ đội gắn rất nhiều huân, huy chương của Đảng và Nhà nước ghi nhận những chiến công, đóng góp của bản thân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác, ông Đào Xuân Tỉnh niềm nở, nhiệt tình kể  chúng tôi nghe về những năm tháng chiến đấu hào hùng.

Gặp gỡ cựu chiến binh Đào Xuân Tỉnh. Ảnh: T.L

 

Năm 1963, sau khi tốt nghiệp Trường sĩ quan Lục quân 1, ông Đào Xuân Tỉnh (quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) được biên chế vào Trung đoàn 364, Sư đoàn 3, tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên, và sau này đơn vị ông là một trong những đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nhận chỉ thị của cấp trên, từ ngày 9/4/1975-21/4/1975, Trung đoàn 364 của ông phối hợp với các lực lượng khác tham gia đánh vào căn cứ Xuân Lộc (nay thuộc tỉnh Đồng Nai), đây là cửa ngõ phòng thủ trọng yếu của địch trước khi tiến vào Sài Gòn. Trong trận chiến này, thế trận diễn ra giằng co và ác liệt, cả quân giải phóng và địch đều bị thiệt hại nặng nề về người và phương tiện.

Quân ta áp dụng chiến thuật đánh vào các yếu điểm của địch và cô lập Xuân Lộc, nhờ đó, quân địch mất dần ý chí chiến đấu sau nhiều ngày đêm giao tranh. Đến ngày 21/4, quân ta hoàn toàn làm chủ Xuân Lộc, tiếp tục hành quân tiến vào Sài Gòn.

Ông Đào Xuân Tỉnh nhớ lại: “Tất cả chúng tôi khi tham gia trận chiến Xuân Lộc đều có quyết tâm rất lớn, với tinh thần chiến đấu không sợ hy sinh, tất cả vì độc lập, tự do, hoà bình của đất nước. Tham gia trận chiến này, tôi chứng kiến nhiều đồng đội của mình anh dũng nằm xuống dưới bom đạn của kẻ thù, những chiến sĩ khác vẫn tiếp tục tiến lên với tinh thần, sĩ khí rất cao. Có đồng chí bị thương gãy chân nhưng vẫn nén đau để bắn hạ xe tăng địch”.

“Nhờ áp đảo về tinh thần so với địch, các trận chiến tại Sài Gòn diễn ra thuận lợi hơn, địch chỉ có hai lựa chọn là đầu hàng hoặc bị tiêu diệt”, ông Đào Xuân Tỉnh cho biết thêm sau một phút trầm ngâm, tĩnh lặng nhớ về những đồng đội đã hy sinh trong trận chiến ác liệt tại “cửa ngõ Xuân Lộc” để đồng đội mở đường tiến vào giải phóng Sài Gòn, hoàn thành sứ mệnh lịch sử “giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.

Cựu chiến binh Đào Xuân Tỉnh chia sẻ ký ức chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh: TL

 

Nhớ về Ngày giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), ông Đào Xuân Tỉnh rưng rưng xúc động: “Tôi không bao giờ quên ký ức ngày 30/4. Khi đã hoàn toàn giải phóng Sài Gòn, các chiến sĩ rất hân hoan, vui mừng, xúc động. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, thời khắc đó có nhiều đồng chí không kìm được nước mắt. Tôi nghĩ, đó là nước mắt của niềm hạnh phúc, sự sung sướng đến tột độ. Sau bao nhiêu năm chiến đấu gian khổ, ác liệt, đói cơm, nhạt muối, cuối cùng chúng ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.

Trải qua 48 năm sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Đào Xuân Tỉnh bày tỏ niềm tự hào, sự vui mừng khi được chứng kiến những đổi thay mọi mặt về kinh tế- xã hội của đất nước nói chúng và tỉnh Kon Tum nói riêng.

Ông Đào Xuân Tỉnh bộc bạch: Được đóng góp một phần công sức cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước là điều vinh tự, tự hào nhất của tôi trong cuộc đời. Giờ đây, quê hương, đất nước đã đổi thay rất nhiều, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, không còn cảnh đói khổ như trước đây. Tôi vui mừng khi Nhà nước rất quan tâm đến các đối tượng người có công, gia đình chính sách. Tôi mong muốn các thế hệ sau này phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, ra sức học tập, rèn luyện để cống hiến cho đất nước, chung tay xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng giàu mạnh.               

Tấn Lộc

Chuyên mục khác