Kỷ niệm về chuyến “xuất ngoại” đầu tiên

18/08/2017 06:22

Hơn 30 năm sinh sống, làm việc ở vùng cực bắc Tây Nguyên, tôi đã có hàng trăm chuyến công tác đến các vùng, miền khác nhau trên đất nước, cùng vài ba chuyến công tác đến nước bạn Lào và Vương quốc Campuchia. Nhiều chuyến đi đã để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên, nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất, luôn in đậm trong ký ức của tôi, đó là chuyến công tác tới các tỉnh Nam Lào, cũng là chuyến “xuất ngoại” đầu tiên của tôi, vào tháng 5/2006.

Thời gian trôi nhanh thật, loáng cái đã hơn 10 năm, vậy mà những kỷ niệm về chuyến công tác năm ấy vẫn còn đầy ăm ắp, nóng hổi như vừa mới diễn ra.

Tôi còn nhớ như in, vào đầu tháng 4/2006, Hội phụ nữ tỉnh nhận được thông báo của tỉnh về việc thành lập đoàn công tác của Hội phụ nữ tham gia cùng đoàn cán bộ cấp cao của tỉnh qua thăm, làm việc với các tỉnh Nam Lào, trong đó có nội dung làm việc riêng là ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội phụ nữ tỉnh Kon Tum với Hội phụ nữ các tỉnh Attapư và Sê Kông nhằm tăng cường, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Kon Tum với các tỉnh của Lào có chung đường biên giới.

Thời điểm đó, trong cơ quan Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, chưa ai được “xuất ngoại” bao giờ. Vì vậy, khi nhận được thông báo, cả cơ quan vui như ngày hội. Còn hơn một tháng nữa mới tới ngày lên đường, nhưng ngay lập tức mọi người sốt sắng bắt tay ngay vào công việc, từ việc họp bàn cử người tham gia, đến việc chuẩn bị nội dung làm việc thế nào, rồi trang phục, quà cáp ra sao…

Thật may mắn, tôi được chọn tham gia chuyến công tác, đồng thời lại được phân công chuẩn bị toàn bộ nội dung phục vụ cho hội nghị ký kết, kiêm luôn công tác tổ chức hội nghị. Vinh dự, nhưng trách nhiệm thật nặng nề. Cả tháng trời tôi mất ăn mất ngủ, vì không biết thực hiện nhiệm vụ thế nào, bắt đầu từ đâu?

Cũng như tôi, tất cả chị em trong đoàn đều lần đầu được giao đi thực hiện nhiệm vụ quan trọng là “đối ngoại”, nên vừa mừng vừa lo, mà lo thì nhiều hơn, bởi tính đến thời điểm đó, giữa Hội phụ nữ 3 tỉnh chưa có bất cứ thông tin gì về nhau, hơn nữa điều kiện liên lạc khi đó còn rất khó khăn. Để giữ thế chủ động, chúng tôi đã mạnh dạn viết thư trao đổi, đề xuất với bạn về việc ký kết chương trình phối hợp hoạt động, sau đó nhờ cán bộ của phòng Ngoại vụ thuộc UBND tỉnh dịch thư và gửi qua cho bạn. Thư gửi đi, lại hồi hộp chờ đợi bạn hồi âm. Do chưa hiểu ý nhau nên phải mất đến ba, bốn lần thư đi thư lại, các bên mới cơ bản đi đến thống nhất về chương trình, nội dung làm việc…

Thấp thỏm chờ đợi, ngày đi đã đến. Nội dung làm việc, quà cáp chuẩn bị đã chu đáo, vậy nhưng không hiểu sao chúng tôi vẫn cứ lo. Mặc dù có phiên dịch đi cùng, song chúng tôi vẫn băn khoăn: không biết lần đầu gặp nhau sẽ giao tiếp như thế nào, làm sao để hiểu hết được những vấn đề cần trao đổi khi bất đồng ngôn ngữ cũng như chưa hiểu gì về phong tục, tập quán của  nhau…

Thế rồi mọi lo âu đã tan biến hết, bởi ngay khi đoàn công tác tới điểm hẹn ở Attapư, phía bạn đã chờ đón chúng tôi với tình cảm hết sức tự nhiên, cởi mở, thân tình như đón người thân lâu ngày gặp lại. Thú vị hơn nữa là chúng tôi ít phải nhờ tới phiên dịch, vì một số cán bộ của Hội phụ nữ 2 tỉnh Attapư và Sê Kông đều giao tiếp khá thành thạo bằng tiếng Việt, trong đó có chị Bun Hiêng - Bun  Chít, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Sê Kông, chị Băn Thạ Lay - Kẹo Mạ Ny Vông, ủy viên Ban chấp hành Hội phụ nữ tỉnh Attapư đã có thời gian dài học ở Việt Nam. Vậy là không còn khoảng cách, chúng tôi thỏa sức trao đổi, tìm hiểu về nhau.

Thân thiện, mến khách, và trên hết là tình yêu đối với Việt Nam, với Kon Tum, vì thế, không gặp bất cứ khó khăn, trở ngại nào, chương trình phối hợp hoạt động của Hội phụ nữ tỉnh Kon Tum- Attapư, Kon Tum- Sê Kông đã nhanh chóng được ký kết, đánh dấu việc thiết lập mối quan hệ phối hợp chính thức giữa phụ nữ tỉnh Kon Tum với phụ nữ các tỉnh Nam Lào, từ tháng 5/2006.

Có một chi tiết tại Hội nghị ký kết với Hội phụ nữ tỉnh Attapư mà đến tận bây giờ tôi vẫn chưa quên, đó là, mặc dù nội dung đã được chuẩn bị trước bằng 2 thứ tiếng, tuy nhiên qua trao đổi, phải sửa chữa, bổ sung thêm một số ý. Mà hồi đó, máy tính xách tay chưa có, tôi và chị Băn Thạ Lay - Kẹo Mạ Ny Vông phải nhờ máy tính để bàn của văn phòng Ủy ban Chính quyền tỉnh Attapư để sửa. Chạy đôn chạy đáo nhờ người cài đặt phông tiếng Việt, lại không quen máy, thế nên chỉ sửa chữa và thêm thắt vài nội dung mà hai chị em phải đánh vật mấy tiếng đồng hồ, bỏ cả bữa cơm chiêu đãi buổi trưa, đói đến vã mồ hôi…

          Hội nghị ký kết chương trình hợp tác thành công ngoài mong đợi. Những ngày lưu lại ở tỉnh bạn, chúng tôi được các chị lãnh đạo của Hội phụ nữ 2 tỉnh Attapư và Sê Kông mời tới thăm nhà, thưởng thức món đặc sản xôi nếp, gà nướng do chính tay các chị làm đãi khách; rồi đưa đi thăm thú một số nơi, trong đó có chợ Pakse - chợ của người Việt ở tỉnh Champasak. Tất cả những nơi chúng tôi đến, biết chúng tôi là người Việt Nam, bà con người Lào đều dành cho chúng tôi những tình cảm quý mến đáng trân trọng. Riêng tôi, còn được bà con tiểu thương ở các chợ trìu mến gọi là “cô gái Lào Viêng Chăn”- tên gọi khiến tôi luôn tự hào.

Một kỷ niệm nữa mà đến giờ mỗi lần nhắc lại, chúng tôi vẫn hết sức cảm động, đó là ngày chia tay để đoàn trở về Kon Tum. Từ Sê Kông, các chị lãnh đạo Hội phụ nữ Sê Kông đưa chúng tôi về Attapư. Sau khi Hội phụ nữ 2 tỉnh hội ý, các chị thông báo đã xin ý kiến của lãnh đạo tỉnh nên sẽ tiễn chân chúng tôi đến huyện Ngọc Hồi. Vậy là cuộc chia tay đầy lưu luyến của chúng tôi với các bạn lại diễn ra ngay trên mảnh đất Kon Tum…

Phải chăng, bởi cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mê Kông và bởi mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, gắn bó thủy chung lâu đời giữa hai nước Việt Nam – Lào đã thấm vào máu thịt, nên giữa chúng tôi, từ những người phụ nữ xa lạ, chỉ sau ít phút gặp mặt  đã trở nên gần gũi, thân thương. Riêng tôi, chuyến công tác năm ấy mãi là kỷ niệm đặc biệt, không bao giờ phai.    

                                                                    Hoàng Thúy

Chuyên mục khác