Kỷ niệm một lần viết báo

21/06/2020 13:06

Trong không khí kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2020) và 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), là người thường xuyên cộng tác với báo, xin chia sẻ câu chuyện nhỏ, cũng đồng thời là kinh nghiệm của bản thân liên quan đến nghề báo.

Chuyện xảy ra vào năm 2010, vào lúc chiều muộn, tôi nhận được thông tin có hai mẹ con bị hành hung, đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ngay lập tức, tôi có mặt và chụp hình, thu thập thông tin từ nạn nhân, của người nhà nạn nhân, từ bác sĩ cấp cứu…; ngay trong đêm đó, theo lời tường trình của người nhà nạn nhân, tôi dùng máy điện thoại để bàn (vì thời đó chưa có điện thoại di động) gọi cho một đồng chí phó công an xã để nắm thêm thông tin vụ việc.

Sau khi nghe tôi trình bày, anh này nói  rất rành rọt rằng sau khi nghe có vụ việc, anh đã đến ngay hiện trường, trực tiếp can ngăn, tổ chức người đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện. Anh này hoàn toàn không nhận định ai đúng, ai sai mà chỉ xác nhận là có vụ việc xảy ra và chính anh là người trực tiếp xử lý vụ việc!

Từ những thông tin trên, tôi đã nhanh chóng viết bài phản ánh ngắn, kể lại tình hình các nạn nhân, đưa thêm lời kể của đồng chí phó công an xã kia để bài viết có thêm “sức nặng”. Kết luận bài viết, tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ đúng, sai.

Tác nghiệp. Ảnh: Văn Phương

 

Ngày hôm sau, bài báo đăng lên đã thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, đến chiều thì tòa soạn thông báo có đơn tố cáo tôi “tự bịa” nội dung trao đổi với vị phó công an xã, ngạc nhiên hơn khi người ký đơn là chính vị phó công an xã kia. Tòa soạn yêu cầu tôi hoặc gửi chứng cứ cuộc trao đổi hoặc phải công khai xin lỗi.

Trằn trọc cả đêm không ngủ. Sáng ra, tôi ngồi trước ly cà phê mà như người mất hồn. Một người em làm ở bưu chính viễn thông đi ngang ghé vào hỏi thăm, tôi kể hết đầu đuôi câu chuyện, cậu ấy bảo: Anh quên là trong điện thoại bàn của anh, khi lắp đặt, có gắn thẻ “ghi âm” à. Lúc ấy, tôi như được “khai sáng”. Với bằng chứng là đoạn hội thoại giữa tôi và vị phó công an xã kia, tòa soạn đã có văn bản phản hồi. Sau này tìm hiểu, biết được vị phó công an xã kia bị áp lực của lãnh đạo xã, nên phải… làm đơn.

Qua câu chuyện này có thể thấy, dù thật sự có sự việc xảy ra, người thật việc thật, hình ảnh hẳn hoi… nhưng nếu người làm báo không tự “bảo vệ mình” một cách đầy đủ nhất thì đôi khi, chúng ta từ có công thành kẻ có tội. Bởi trong thực tế, đối tượng tác nghiệp không phải lúc nào cũng “khuôn phép” như ta tưởng!

Kỷ niệm ngày của những người làm báo, xin chúc các đồng nghiệp sức khỏe và luôn giữ vững “bút sắt, lòng trong”… để nghề báo mãi là nghề đầy tự hào và vinh quang!

Nguyễn Phi Em

Chuyên mục khác