Kỷ niệm khó quên của một người thầy

20/11/2020 06:03

Trong cuộc đời làm nghề giáo, các thầy, cô giáo thường có nhiều kỷ niệm. Với thầy giáo Mai Xuân Lượt (thôn Nhơn Khánh, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy) quãng thời gian dạy các em học sinh người Campuchia tị nạn ở Ya Book, huyện Sa Thầy là những năm tháng có nhiều kỷ niệm đẹp và khó quên nhất.

Thời gian như thoi đưa, mới đó mà đã hơn 40 năm kể ngày thầy giáo Mai Xuân Lượt được Ban Giáo dục huyện phân về dạy học con em người dân Campuchia tị nạn ở Ya Book (nay thuộc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray) trước nạn diệt chủng của tập đoàn Pôn Pốt.

Trong dòng hồi ức, thầy Mai Xuân Lượt kể, lúc ấy thầy còn trẻ, mới tốt nghiệp sư phạm ra trường, lòng đầy háo hức. Mặc dù được phân công dạy ở nơi xa xôi, khó khăn nhất, nhưng thầy vui vẻ nhận nhiệm vụ được giao. Những năm tháng đó, cùng với Mô Rai, Ya Book cũng là một xã. Trong 9 làng người dân Campuchia tị nạn ở huyện, thì có 5 làng ở xã Ya Book và 4 làng ở xã Mô Rai. Làng ít nhất có hơn 10 hộ dân, làng nhiều khoảng 70 hộ dân; bình quân khoảng 35 hộ/làng. Số học sinh Campuchia ở từng làng không đủ để mở lớp, do vậy, cứ hai, ba làng mở một lớp và mở được 4 lớp như thế; mỗi lớp có khoảng 20 học sinh (độ tuổi từ 6-11 tuổi). Năm đầu mở lớp, các em đều học lớp 1.

Khăn rằn, kỷ vật một thời của thầy Lượt. Ảnh: VN

 

Các em học sinh học theo chương trình chung của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Ty Giáo dục lúc đó, giáo viên tập trung vào dạy tiếng Việt, Toán, kể chuyện, thể dục, hát... Các em học sinh Campuchia chăm ngoan và sống có nghĩa tình.

“Các thầy cô đem hết tâm huyết truyền đạt kiến thức cho các em. Chỉ sau một năm học, các em đều biết đọc, biết viết. Thương các thầy cô xa gia đình, chịu nhiều khó khăn tận tâm dạy dỗ, các bậc phụ huynh rất quý mến và kính trọng các thầy cô”- thầy Lượt chia sẻ.

Bằng tình cảm và trách nhiệm, ngoài việc dạy học, các thầy cô cùng các em học sinh còn đi gùi lúa cho các gia đình neo đơn, có người thân đi bộ đội ở Campuchia. Người dân Campuchia thấy tình cảm, nghĩa tình của các thầy cô nên coi các thầy cô như người thân trong nhà. Các em học sinh cũng rất quý mến các thầy cô. Nhiều em học sinh tặng thầy chuỗi hạt, vòng đeo tay, có cô gái Campuchia còn tặng thầy cả khăn rằn để làm kỷ niệm.

Các kỷ vật như chuỗi hạt, vòng đeo tay của học sinh, khăn rằn của người dân Campuchia vẫn còn được thầy Lượt lưu giữ. Khi trao đổi với chúng tôi, thầy Lượt vào nhà lấy ra các kỷ vật này mà bao nhiêu năm nay thầy giữ kín trong tủ. Ắt hẳn, các kỷ vật này chứa đựng nghĩa tình sâu đậm lắm mới gắn bó và theo thầy qua năm tháng.

“Khi tập đoàn Pôn Pốt sụp đổ, năm 1981, người dân Campuchia ở xã Ya Book và Mô Rai về nước bầu cử và sinh sống, chúng tôi mới hết dạy các em. Mặc dù thời gian dạy các em học sinh người Campuchia không nhiều, nhưng đây là quãng thời gian để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp khó quên trong cuộc đời làm nghề giáo của mình”- thầy Lượt tâm sự.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác