Kỷ niệm giải phóng

03/05/2023 06:20

48 năm đã trôi qua kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với những người cao niên đã đi qua từng dấu ấn tháng năm, kỷ niệm vẫn còn nguyên vẹn.

Ở  tuổi 77, thể chất đã suy giảm nhiều vì vết thương năm xưa, song may mắn, cựu chiến binh Phan Khắc Long (thương binh 3/4) ở tổ 17, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum vẫn còn minh mẫn. Nhớ về những năm tháng chiến đấu ác liệt trong đội hình người lính Quân khu 8 và vinh dự tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông nghẹn ngào, xúc động.

Cuối tháng 5/1972, khi đang là sinh viên năm cuối Đại học Mỏ Địa chất, Phan Khắc Long cùng hàng trăm sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Đoàn 207, sau đó là Trung đoàn 207, Trung đoàn 24 (Quân khu 8). Sau thời gian dài chiến đấu và giành chiến thắng vang dội tại Cai Lậy - Mỹ Tho, đơn vị E24 của ông tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.

CCB Phan Khắc Long vinh dự tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh: T.N

 

Ông Long còn nhớ: Với khí thế thần tốc, chiều muộn 29/4/1975, E24 theo 2 hướng tiến vào cầu chữ Y và cầu Nhị Thiên Đường. Sáng 30/4, các tiểu đoàn vào vị trí tập kích và đồng loạt nổ súng tấn công. Cùng ngày, lúc 8 giờ sáng - quân ta làm chủ cầu Nhị Thiên Đường, 9 giờ 30 phút - chiếm cầu chữ  Y, 10 giờ 45 phút - làm chủ Tổng Nha cảnh sát ngụy, đồng thời bảo vệ an toàn tuyệt đối khu vực lưu trữ nhiều tài liệu mật hết sức quan trọng này. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, ghi dấu giây phút thiêng liêng sáng chói trong lịch sử đấu tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc.

 Sau chiến thắng, ông Long cùng anh em trong đơn vị tiếp tục ở lại Dinh Độc Lập, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối, cho đến ngày ra mắt Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định (7/5/1975). Hai năm sau ngày đất nước thống nhất, ông Long xuất ngũ, trở về trường Đại học Mỏ Địa chất tiếp tục hoàn thành nội dung tốt nghiệp và nhận công tác. Ông đảm nhận cương vị Đoàn trưởng Đoàn Địa chất 506 (Liên đoàn Địa chất 5) Kon Tum trước khi nghỉ hưu.

Ngược lại thời gian trước đó, thời cơ giải phóng Kon Tum đã đến khi quân ta đánh đòn điểm huyệt vào thị xã Buôn Ma Thuột ngày 11/3/1975, khiến tàn quân của địch được lệnh rút khỏi Tây Nguyên. Ở Kon Tum, bộ đội bắn pháo vào khu vực quân sự của địch, tấn công tiêu diệt chốt điểm trên núi Chư Hreng và các chốt lẻ bảo vệ quận lỵ Đăk Tô lưu vong ở khu vực đèo Sao Mai. Từ ngày 15/3/1975, địch ở thị xã Kon Tum bắt đầu tháo chạy. Quân ta từ phía Đông Nam “áp sát Đường 14, phá cầu, cắt đường, chặn đánh địch rút về Pleiku”. Ở phía Tây Nam, lực lượng phát động quần chúng chiếm đồn Chư Grết vào sáng 16/3/1975, và đưa quân tiếp quản Tân Điền, Phương Hòa, giải phóng hoàn toàn thị xã Kon Tum.

Gần 5 thập kỷ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Võ Thị Ninh - cán bộ hưu trí ở phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) vẫn còn nhớ mãi những năm tháng là cơ sở bí mật của H5 trong kháng chiến chống Mỹ. Là con một gia đình cơ sở cách mạng bị truy lùng ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, bà theo cha mẹ lên sống tại khu trù mật Trung Tín, ngoại ô thị xã Kon Tum vào cuối năm 1967 đầu năm 1968. Được cán bộ H5 (Bí danh của thị xã Kon Tum thời kỳ chống Mỹ ) móc nối, bà nhanh chóng trở thành liên lạc của đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân- nguyên Đội trưởng Đội công tác H5 và đồng chí Nguyễn Thế Vũ - nguyên Bí thư Ban cán sự H5. Không chỉ khéo léo may quần áo, chuẩn bị tư trang, y phục cho cán bộ, bà còn mưu trí, dũng cảm thường xuyên lái xe 67 chở “chị Vân” ra - vào thị xã hoạt động hợp pháp. Không quản gian khổ, hy sinh, bà Võ Thị Ninh tự hào đã đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho ngày giải phóng Kon Tum, thống nhất  đất nước.

Bà Phan Thị Thanh Ngọc không quên kỷ niệm ngày giải phóng. Ảnh: T.N

 

Bà Phan Thị Thanh Ngọc (ở số nhà 162, đường Lê Quý Đôn, thành phố Kon Tum) không thể nào quên khi cách mạng nhanh chóng tấn công vào các điểm chốt của ngụy, kịp thời giải phóng thị xã Kon Tum; thì ở khu vực nội thị, do bị địch tuyên truyền xuyên tạc nên nhiều người dân đã kéo nhau “đi lánh nạn” theo Đường 14 về Pleiku, rồi đi Phú Bổn, xuống Tuy Hòa, Nha Trang. Trải qua cảnh “màn trời chiều đất” nơi “đất khách quê người”, sau giải phóng, hầu hết các gia đình lại cùng nhau trở về quê hương, chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống. Cùng chung niềm vui đất nước thống nhất, ngày ấy, bà Ngọc còn trọn vẹn trong hạnh phúc gia đình. Hai em trai của bà từng theo cha tập kết ra Bắc, lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đã trở về, gắn bó với Kon Tum; sau đó, đảm nhận cương vị lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin, Ban Kinh tế Tỉnh ủy.

Thời gian đi qua, kỷ niệm ngày giải phóng mãi là một phần ký ức thiêng liêng, đáng nhớ trong cuộc đời những người đã đi qua năm tháng chiến tranh.                

Thanh Như

Chuyên mục khác