Kỳ họp thứ 9-HĐND tỉnh khóa XI - Phiên thảo luận tổ: Thẳng thắn và trách nhiệm

06/12/2019 06:08

Từ chiều ngày 4 đến hết ngày 5/12, Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XI tiến hành phiên thảo luận tại tổ. Với tinh thần trách nhiệm, các đại biểu thẳng thẳn đề cập những vấn đề tồn tại, gây bức xúc trong xã hội; đồng thời, tích cực tham gia thảo luận, xem xét kỹ lưỡng các báo cáo, tờ trình và những vấn đề đang được cử tri quan tâm.

Băn khoăn một số tiêu chí nông thôn mới

Đa số ý kiến của các đại biểu đều đánh giá cao những kết quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đặc biệt các chỉ tiêu về kinh tế đạt những kết quả ấn tượng. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng nêu băn khoăn, trăn trở về những vấn đề còn bất cập trong đời sống xã hội.

Tại phiên thảo luận, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nêu ra là những kết quả đạt được và cả những băn khoăn, trăn trở từ thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Các đại biểu đều khẳng định, qua 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đem lại những kết quả quan trọng, toàn diện, góp phần làm thay đổi tích cực diện mạo kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, các đại biểu bày tỏ băn khoăn một số vấn đề về thực hiện, đánh giá một số tiêu chí chưa sát với thực tế; vẫn còn hiện tượng chạy theo thành tích khi đánh giá các tiêu chí, như tiêu chí hộ nghèo, thu nhập của người dân nông thôn, môi trường…

Đại biểu Blong Tiến (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông) cho rằng: Việc các xã đặt ra lộ trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới và phấn đấu để được công nhận đạt chuẩn là cần thiết. Nhưng không phải vì thế mà các địa phương chạy theo thành tích, ép phải hoàn thành các tiêu chí, nhất là tiêu chí hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người. Thực tế ở nhiều nơi, ngay cả một số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của một bộ phận dân cư vẫn còn rất nhiều khó khăn, công tác giảm nghèo chưa bền vững, sản xuất còn manh mún, thu nhập bấp bênh…

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Liên (Tổ đại biểu huyện Kon Rẫy) nêu ý kiến: Giảm nghèo là mục tiêu quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới, thế nhưng thực tế ở một số địa phương, để hoàn thành tiêu chí hộ nghèo mà bình xét, đánh giá không đúng, không khách quan nên người dân không đồng tình, làm mất đi những cơ hội tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho hộ nghèo. Tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao.

Từ thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Thị Liên đề nghị, các ngành, các địa phương cần phải giám sát chặt chẽ, đánh giá đúng, sát các tiêu chí để đảm bảo mục đích xây dựng nông thôn mới phải làm thay đổi cuộc sống của người dân nông thôn.

Các đại biểu Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi, Kon Rẫy và Kon Plông thảo luận. Ảnh: Thùy Hương

 

Tiêu chí môi trường nông thôn cũng là một trong những nội dung mà nhiều đại biểu còn băn khoăn, nêu ra tại nghị trường.

Đại biểu Mai Thoan (Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi) thẳng thắn chỉ ra thực tế ô nhiễm môi trường ở các nơi và lấy ngay địa phương mình sinh sống, làm việc để chứng minh vấn đề này: “Ở nhiều địa phương, trong đó có Ngọc Hồi, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn khá nan giải, nhất là các điểm thu mua, chế biến mủ cao su gây ô nhiễm môi trường nặng nề”.

Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu trong phiên thảo luận ở tổ tại Kỳ họp lần này. Trong đó, nhiều ý kiến tập trung vào các vấn đề như: Thu mua nông sản; hỗ trợ cây, con giống cho người dân; quản lý bảo vệ rừng...

Đại biểu Nguyễn Ngọc Quyền (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) nêu thực trạng, hiện nay, việc thiếu các doanh nghiệp đứng ra thu mua nông sản cho nông dân và công tác quản lý giá cả hàng hóa nông sản chưa được chú trọng dẫn đến việc người dân luôn bị ép giá, phụ thuộc vào thương lái.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Quyền đề nghị UBND tỉnh, Sở Công thương và UBND các huyện, thành phố cần có biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa giá cả hàng hóa, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm để hạn chế tình trạng tư thương ép giá nông dân.

Về vấn đề lâm nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng của lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng còn lỏng lẻo, thiếu quyết liệt dẫn đến tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép diễn ra ở nhiều nơi.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng được nhiều đại biểu đặt vấn đề, thảo luận nhằm tháo gỡ “nút thắt” giải ngân vốn đầu tư công, đem lại hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội.

Đại biểu Blong Tiến (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông) đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với việc tạm ứng, thu hồi vốn đầu tư; đồng thời phải có biện pháp, chế tài xử lý nghiêm đối với những đơn vị thi công, nhà thầu dây dưa, không chịu quyết toán các công trình xây dựng cơ bản…

Nhiều vấn đề xã hội được đặt ra

Không chỉ những vấn đề kinh tế làm nóng nghị trường phiên thảo luận ở các tổ tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh khóa XI mà những vấn đề xã hội bức xúc cũng được các đại biểu - những người đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân, thẳng thắn đặt lên bàn nghị sự. Trong đó, giải pháp nhằm đẩy lùi tệ nạn “tín dụng đen”, tình trạng cho vay nặng lãi một lần nữa làm “nóng” phiên thảo luận ở tổ tại Kỳ họp này (vấn đề được các đại biểu nêu ra tại Kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khóa XI). Theo đó, tờ trình dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án cho vay tiêu dùng và mở rộng đối tượng cho vay sản xuất, kinh doanh từ nguồn vốn ủy thác ngân sách địa phương, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh là nội dung được các đại biểu dành nhiều thời gian để xem xét, đưa ra bàn bạc, thảo luận một cách kỹ lưỡng. Bởi, theo các đại biểu, đây là giải pháp căn cơ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn.

Các đại biểu thuộc Tổ đại biểu các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Tô và Ia H’Drai đề nghị: Ngân hàng Chính sách xã hội cần cân nhắc, tính toán về định mức cho vay, lãi suất sao cho phù hợp, thủ tục giải ngân vốn cần nhanh chóng nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay một cách dễ dàng với mức lãi suất ưu đãi để kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng nêu lên một thực tế là nhiều đối tượng tìm đến “tín dụng đen” do nợ nần cờ bạc, cá độ, nghiện ngập, vì vậy trong quá trình xét cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội và các địa phương, nhất là các tổ chức đoàn thể phải cần giám sát chặt nhằm đảm bảo nguồn vốn vay đến đúng đối tượng và hạn chế nợ xấu.

Đại biểu Phan Thị Thủy (Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi) nêu ý kiến: Việc thực hiện chính sách cho vay tiêu dùng, mở rộng đối tượng cho vay nhằm giúp người dân không bị rơi vào “bẫy tín dụng đen” có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngành có liên quan phải quy định cụ thể đối tượng, giải ngân đúng mục đích để vừa đảm bảo hiệu quả vốn vay, vừa bảo toàn nguồn vốn và hạn chế rủi ro.

Đại biểu Võ Thanh Chín phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Định

 

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng khi hiện nay tình trạng bỏ học ở trẻ em, nhất là trẻ em vùng đồng bào DTTS có chiều hướng gia tăng. Ngoài ra, các đại biểu nêu thực trạng sau khi ngành Giáo dục - Đào tạo thực hiện việc sáp nhập các điểm trường lẻ dẫn đến nhiều điểm trường bỏ không, xuống cấp.

Đại biểu Nghe Minh Hồng (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông) và đại biểu Mai Thoan (Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi) đề nghị ngành Giáo dục - Đào tạo giao lại cơ sở vật chất không sử dụng nữa để các địa phương quản lý, sử dụng, tránh gây lãng phí tài sản công.

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu thống nhất đánh giá, công tác cải cách hành chính thời gian qua có chuyển biến tích cực, nhất là việc đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thực tế một số thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp, thời gian giải quyết còn dài, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Đại biểu Thái Văn Ngọc (Tổ đại biểu huyện Kon Rẫy) nhận xét: Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong giải quyết thủ tục hành chính chưa đồng bộ, thiếu sự nhịp nhàng dẫn đến thời gian giải quyết thủ tục hành chính bị kéo dài và gây khó khăn cho người dân.

Cũng trong phiên thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng về tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng; công tác phòng chống tội phạm chưa thực sự đem lại sự an toàn, an tâm cho người dân… Các đại biểu đề nghị lực lượng chức năng cần làm tốt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự xã hội.

Công tác quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng cũng còn nhiều bất cập, đề nghị ngành chức năng cần thanh tra, kiểm tra toàn diện và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Nhìn chung, phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh thật sự thẳng thắn và trách nhiệm. Nhiều đại biểu thẳng thắn đưa ra những vấn đề nổi cộm trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp tháo gỡ với mong muốn rằng, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp mang tính đột phá, tăng cường công tác lãnh đạo nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra.

Ngày 6/12, Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh khóa XI tiếp tục với phần giải trình của UBND tỉnh xung quanh các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của đại biểu qua thảo luận; chất vấn và nghe trả lời chất vấn... 

Thùy Hương - Quang Định

Chuyên mục khác