Kon Tum sau 27 năm tái lập tỉnh

12/08/2018 07:01

​Ngày 12/8/1991, Quốc hội khóa VIII, Kỳ họp thứ 9 đã ra Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành 2 tỉnh: tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum. 27 năm sau ngày thành lập lại tỉnh, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tỉnh Kon Tum có nhiều khởi sắc rất đáng tự hào…

Ngày đầu gian khó

Nhớ lại những khó khăn chồng chất khi mới thành lập lại tỉnh, đồng chí Sô Lây Tăng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ: Trong thời gian đầu mới thành lập lại tỉnh, kinh tế Kon Tum hết sức khó khăn. Nông nghiệp độc canh cây lúa, diện tích lúa nước hai vụ 2.550ha, bình quân lương thực đầu người chỉ 295kg, thu nhập bình quân đầu người 88,6USD. Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé, sản phẩm chưa nhiều, chất lượng thấp. Thương mại - dịch vụ kém phát triển nên chưa bắt kịp với nhu cầu của cơ chế thị trường. Giao thông đi lại vô vàn khó khăn, nhiều xã không có đường giao thông đến trung tâm xã. Thu ngân sách tỉnh chỉ có 7,8 tỷ đồng, đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu chi lúc bấy giờ. Đời sống nhân dân còn khó khăn về nhiều mặt, tỷ lệ hộ nghèo trên 60% tổng số hộ...

Đồng chí Ka Ba Tơ - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tâm sự: Khi ấy, toàn tỉnh chỉ có 110 trường học các cấp, còn tới 108 làng trắng về giáo dục, tỷ lệ người mù chữ 17,7%. Hệ thống y tế vừa thiếu, vừa yếu với 855 giường bệnh và 49 bác sĩ, bình quân 1 vạn dân có 2 bác sĩ, không đáp ứng được nhu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân. Cơ sở vật chất văn hóa, thông tin lạc hậu; nhiều xã vùng sâu, vùng xa còn trắng về thông tin; chỉ có 12,36% xã, phường, thị trấn có điện. Hoạt động của hệ thống chính trị còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ cơ sở thiếu và yếu; trên 50% thôn, làng trắng tổ chức đảng.

“Có thể nói, đây là giai đoạn kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum gặp nhiều khó khăn, hầu như phải bắt tay xây dựng lại từ đầu…” – ông Ka Ba Tơ bày tỏ.

Bà Y Một (cán bộ hưu trí ở huyện Đăk Glei) kể: Khi mới tái lập tỉnh, Đăk Glei vô cùng khó khăn, số hộ đói nghèo chiếm trên 70%, nhiều xã xe ô tô không đi đến được vào mùa mưa. Mỗi lần cán bộ xã ra huyện dự họp, phải đi bộ mất 2-3 ngày đường. Cán bộ huyện mỗi khi về tỉnh họp, đi ô tô mất một ngày mới tới, có khi mất 1-2 ngày do đường lầy lội.

Đoàn kết, nỗ lực để phát triển

27 năm qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác của các tỉnh và các doanh nghiệp; sự đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tiềm năng và lợi thế của Kon Tum ngày càng được phát huy, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố Kon Tum ngày càng phát triển để xứng tầm trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Kon Tum. Ảnh: Q.Đ

 

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay: Điểm đáng chú ý nhất trong quá trình phát triển là trong năm 2017, lần đầu tiên tỉnh Kon Tum hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/14 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,01%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 2.257 tỷ đồng, tăng 122,13% so với dự toán; thu nhập bình quân đầu người đạt 34,77 triệu đồng/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 12.302 tỷ đồng...

Mặt khác, công tác an sinh xã hội được các cấp, các ngành và các địa phương triển khai thực hiện tốt. Các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi; lĩnh vực giáo dục, y tế tiếp tục có bước phát triển; 101/102 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non; hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục THCS; 100% xã, phường, thị trấn có bác sĩ. Bộ mặt nông thôn và đô thị không ngừng đổi mới; toàn tỉnh có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tất cả các xã đều có đường ô tô vào đến trung tâm xã và có điện lưới quốc gia…

Phát huy những thành quả đạt được trong nhiều năm qua, năm 2018, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, tạo cơ chế thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên đi công tác cơ sở, làm việc với các địa phương và sở, ngành để nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội, có những chỉ đạo kịp thời để các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội...

Đường nông thôn mới thôn Đăk Ven, xã Đăk Pét. Ảnh: Q.Đ

 

Tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XI tổ chức trung tuần tháng 7 vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phấn khởi cho biết: Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản  đảm bảo theo đúng lịch thời vụ; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng; hoạt động thương mại phát triển ổn định. Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7,9%; trong đó lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 6,34%,  lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng 12,06%, lĩnh vực thương mại - dịch vụ tăng 6,88...

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng tiếp tục phát triển và giữ vững ổn định. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn được triển khai và thực hiện tốt. Đồng thời, tỉnh cũng đã quan tâm giải quyết có hiệu quả các vụ việc khiếu kiện, tranh chấp, mâu thuẫn, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển ổn định và bền vững…

Quang Định

Chuyên mục khác