Kon Tum: Nỗ lực xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài

18/03/2017 09:00

Sau 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Với vai trò nòng cốt của Hội Khuyến học trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, cá nhân tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài.

Từ 600 chi hội, 25 ban khuyến học, với 29.237 hội viên năm 2007, đến nay mạng lưới Hội Khuyến học các cấp trên địa bàn tỉnh đã phát triển rộng khắp đến các thôn, làng, tổ dân phố, với 1.265 chi hội, 231 ban khuyến học và gần 52.000 hội viên.

Xác định công tác vận động, xây dựng và phát triển quỹ khuyến học là nội dung quan trọng nhằm kịp thời động viên, hỗ trợ, giúp đỡ những học sinh nghèo, học sinh ở vùng sâu, vùng xa vươn lên trong học tập, hiện thực ước mơ đến trường, Hội Khuyến học các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng tình ủng hộ của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài. Kết quả, trong 10 năm qua, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đóng góp, ủng hộ quỹ khuyến học các cấp hàng chục tỷ đồng, điển hình như Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết tỉnh nhận tài trợ thường xuyên cho Hội Khuyến học tỉnh mỗi năm trên 150 triệu đồng; Viettel Kon Tum triển khai chương trình học bổng “Vì em hiếu học”, với 560 triệu đồng/năm…Từ nguồn quỹ trên, đã có hàng ngàn học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhận học bổng, áo ấm, sách vở, giúp các em không phải bỏ học giữa chừng, tiếp thêm động lực để các em vượt khó vươn lên. Bên cạnh đó, một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài như tổ chức Xuân- Cộng hòa Pháp, từ 2007 đến nay, mỗi năm đều trao trên 100 suất học bổng (từ 1triệu-1,5triệu đồng/suất), đồng thời tặng xe đạp, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo; tổ chức PN- Cộng hòa Pháp ký biên bản thỏa thuận thực hiện chương trình đào tạo Công nghệ thông tin và cấp học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, với tổng giá trị tài trợ (từ 2013-2017) gần 300.000 USD. Ngoài ra, rất nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh thường xuyên trao học bổng, dụng cụ học tập, tặng xe đạp, hỗ trợ các cuộc thi tài năng, hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số đi thi đại học, tài trợ xây trường học, lớp học …, với nguồn kinh phí lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Cùng với vận động, xây dựng quỹ khuyến học, từ 2007 đến nay, phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, khu dân cư khuyến học đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, lan tỏa đến mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư. Nhiều gia đình đã trở thành điểm sáng về tinh thần khắc phục khó khăn nuôi con học tập thành tài; nhiều “dòng họ hiếu học”, “hội đồng hương khuyến học”, “khu dân cư khuyến học” được thành lập và hoạt động có hiệu quả, tiêu biểu như dòng họ Trương (phường Lê Lợi, thành phố KonTum), dòng họ Xiêng Var (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi), khu dân cư khuyến học (xã Hà Mòn, Đăk Hà); hội đồng hương Quảng Bình ở Đăk Hà, hội đồng hương  Thanh Hóa ở Ngọc Hồi… Nếu như năm 2007, toàn tỉnh chỉ có 2.000 gia đình hiếu học, 5 dòng họ hiếu học, 8 cộng đồng khuyến học, thì đến nay đã có gần 14.000 gia đình hiếu học, 41 dòng họ hiếu học và 106 cộng đồng khuyến học.

Hàng năm, Báo Kon Tum và Prudential VN đều phối hợp trao học bổng, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo, từ 40-60 triệu đồng/năm. Ảnh: Hoàng Thúy

 

Ngoài ra, thực hiện xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài, các trung tâm học tập cộng đồng cũng được quan tâm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, giúp cho nhiều người dân thoát cảnh “mù nghề”, “mù máy tính”, được cập nhật kiến thức, chuyển giao công nghệ, tham gia các lớp tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề về kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi…, góp phần tích cực vào việc tăng tỷ lệ người được đào tạo nghề trong xã hội, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân, nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo.

Có thể khẳng định, với điều kiện của một tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, việc thực hiện xã hội hóa công tác khuyến học khuyến tài, đặc biệt trong vận động xây dựng Quỹ khuyến học là một sự nỗ lực rất lớn của Hội Khuyến học các cấp trong thời gian qua, đã hỗ trợ, tiếp bước cho nhiều học sinh nghèo vươn lên trong học tập. Việc thực hiện xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài đã góp phần không nhỏ thúc đẩy sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.         

     Hoàng Thúy

Chuyên mục khác