08/02/2020 13:02
1. Cùng với đất trời, sắc xuân đã tràn về khắp mọi nẻo đường, góc phố Kon Tum ngày càng được đầu tư khang trang, rộng mở. Mùa xuân về rạo rực ở các địa phương được công nhận nông thôn mới. Mùa xuân về trên những vạt đất trồng các loại cây dược liệu đang đâm chồi nở lộc, trên những món ăn, thức uống được chế biến từ sâm dây, sâm Ngọc Linh và nhiều loại dược liệu khác...
Mùa xuân về trên những căn nhà mới ấm tình yêu thương của cộng đồng chung tay hỗ trợ, để bao gia đình không phải lo chuyện nắng mưa, an cư mà lạc nghiệp. Mùa xuân cũng về trên nụ cười của những gia đình không ngừng nỗ lực vươn lên, tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo cùng ở xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) như: chị Y Byenh, anh A Cách (thôn Kon Tơ Neh), anh A Thang, anh A Lanh (thôn Kon Rơ Lang), anh Phạm Quyết Chiến (thôn 12)…
Mùa xuân về trên từng vùng đất, từ vùng phố thị cho đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Dạo qua những rẫy cà phê, vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ, người trồng cà phê rộn ràng, tất bật bắt tay kéo máy, rải ống, lắp đặt hệ thống béc phun tự động để tưới cho vườn cà phê. Nắng xuân ấm áp, nguồn nước đủ đầy, hoa cà phê bung nở trắng cả triền đồi, hứa hẹn một năm bội thu. Dạo qua vựa lúa Đoàn Kết (thành phố Kon Tum), Đăk La (Đăk Hà)…, bà con rộn ràng ra đồng. Dạo qua vùng đất trồng hoa Nguyễn Trãi (thành phố Kon Tum), nhìn bà con tỉ mẩn nhặt từng gốc cỏ, cuốc xới từng khoảnh đất cho tơi xốp mà thấy lòng phơi phới xuân. Ai nấy đều bảo, cha ông đã có câu “cày sâu tốt lúa”, chú ý khâu làm đất, rồi phơi ải thời gian, dăm ba bữa lại bắt tay vào vụ hoa mới. Những loại hoa kinh doanh quanh năm như hoa cúc, hoa lay ơn, hay những loại hoa mang tính thời vụ, tập trung vào dịp tết, được chăm chút, hoa chẳng bao giờ phụ công người.
Mùa xuân về trên những con đường xuân được phát quang, bê tông mới, trên những kênh mương được nạo vét, khơi thông… Ngay từ những ngày đầu xuân Canh Tý, chẳng nề hà việc chung, bà con người cầm chổi, người cầm cuốc, cầm xẻng…, ra quân đầu năm xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh: bê tông hóa đường giao thông nông thôn, khai hoang cánh đồng lúa nước, nạo vét kênh mương, trồng cây xanh… Tinh thần hăng hái hết mình của cán bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngay từ những ngày đầu xuân để có thêm những con đường mới ra khu sản xuất, để những con đường làng được thêm sạch đẹp, để kênh mương được khơi thông…. Tất cả cùng nêu cao quyết tâm ngay từ những ngày đầu xuân – mùa mở đầu trong năm với hy vọng có được một năm mới thuận buồm xuôi gió.
|
2. Lần về làng Xốp Dùi, xã Xốp, huyện Đăk Glei, được nghe anh A Mếp kể về cha mình - anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân A Mết (Đinh Môn). A Mết là người Tà Rẻ (một nhánh của Giẻ Triêng) đầu tiên đi theo và vận động con cháu đi theo cách mạng, góp sức người, sức của trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Anh kể về những lời căn dặn của cha anh với con cháu, với dân làng, là phải cố gắng học tập, lao động để xây dựng cuộc sống gia đình, xây dựng quê hương giàu mạnh.
Rồi những lần chuyện trò với bà Y Nghéo ở tổ dân phố 2, phường Lê Lợi năm nay 78 tuổi và đã có 59 năm tuổi Đảng. Được cách mạng giác ngộ, năm mới 13 tuổi bà đã làm liên lạc đưa công văn cho bộ đội và đến năm 1959 (17 tuổi), bà đã trở thành du kích vùng Đăk Blô (Đăk Glei). Trọn niềm tin với Đảng, người phụ nữ Giẻ Triêng này khi mới đi hoạt động cách mạng, được cán bộ dạy cho biết đọc, biết viết, giảng giải về Đảng, về cách mạng. Trải qua những năm tháng chiến tranh và chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của quê hương Kon Tum, của dân làng và của chính gia đình mình, bà tâm niệm, tất cả là nhờ có Đảng, có Bác, có cách mạng.
Nhờ những người đã trọn một đời sống, cống hiến cho quê hương, cho đất nước như anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân A Mết, những đảng viên nhiều tuổi Đảng như bà Y Nghéo…; hay những thế hệ con cháu của họ sau này đều trọn niềm tin với Đảng, với Bác và không ngừng nỗ lực góp sức để xây dựng quê hương Kon Tum ngày càng giàu đẹp.
Niềm tin ấy, nghị lực ấy, quyết tâm ấy đã khiến những người đã ở lẫn người đã đến - đã xem - đã gắn bó với Kon Tum không quản ngại khó khăn, thử thách, chung tay, góp sức xây dựng quê hương có những đổi thay vượt bậc. Sự thay đổi ấy thể hiện rõ trên từng tuyến đường góc phố, những ngôi nhà cao tầng mới mọc lên; từ những thôn, làng nông thôn mới trù phú, ấm no giữa những ngút ngàn cao su, cà phê; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đều tăng cao, năm sau cao hơn năm trước; đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
|
3. Anh hùng, ân nghĩa, thủy chung… là những từ ngữ mà mỗi người dân Kon Tum dành cho chính quê hương mình. Thẳm sâu trong mỗi người, tình yêu dành cho vùng đất này đều là nơi ở thương, đi nhớ. Bởi vùng đất trước đây mà mỗi khi nhắc đến như một nơi hẻo lánh, thâm sơn cùng cốc thì giờ đây đã không ngừng phát triển, đã bao bọc, nuôi dưỡng cho bao nhiêu thế hệ người dân sinh ra, lớn lên nơi đây hay cả những người từ khắp mọi vùng miền trên cả nước về đây mưu sinh, lập nghiệp, chọn Kon Tum mến yêu làm quê hương thứ hai.
Dễ dàng nhận thấy rằng, Kon Tum ngày càng có nhiều triệu phú, tỉ phú chân đất; ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp mang đặc trưng của riêng vùng đất Kon Tum. Vì cùng với các nhà máy, xí nghiệp mọc lên thì các các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cánh đồng mẫu lớn, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề… chính là cơ hội cho người dân Kon Tum không chỉ sống được mà còn làm giàu ngay trên chính quê hương mình.
Như trường hợp anh Nguyễn Trọng Hòa (thành phố Kon Tum), từng từ chối cơ hội được hỗ trợ đào tạo sau đại học chuyên ngành vi sinh - sinh hóa và làm trợ giảng tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, quay về Kon Tum lập nghiệp, xây dựng cơ sở sản xuất nấm sạch Tây Nguyên ở tổ dân phố 7, phường Trường Chinh. Vượt qua những ngày đầu bộn bề khó khăn, đến nay, hàng tháng, cơ sở nấm sạch Tây Nguyên của anh bán ra 20.000 - 30.000 túi phôi nấm các loại cho các cơ sở trồng nấm khác trong tỉnh; đồng thời, trực tiếp trồng, xuất ra thị trường tiêu dùng gần 1,2 tấn sản phẩm nấm. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh Hòa còn giúp đỡ nhiều thanh niên DTTS có được việc làm ổn định, hoặc bán thời gian.
Chẳng phải khi được tiếp sức, được hỗ trợ, không ít lao động trên địa bàn tỉnh đã tận dụng lợi thế của mình, thế mạnh nông nghiệp của địa phương để làm giàu ngay trên chính quê hương mình.
Qua tháng, qua năm và qua bao gian khó, từ những đảng viên cao tuổi đảng như bà Y Nghéo, những đảng viên sinh ra, lớn lên ở làng cách mạng như A Mếp, những thanh niên như anh nguyễn Trọng Hòa và bao nhiêu người Kon Tum khác đều thấm hiểu rằng: Đất lành chim đậu. Ở đâu có yêu thương, có đùm bọc thì ở đó có sức mạnh vươn lên bền bỉ. Ở đâu có niềm tin, có ý chí thì ở đó mùa xuân sẽ về!
Nguyên Phúc