17/10/2018 07:02
Sau khi lập gia đình và tách hộ ra riêng lập nghiệp, A Minh ở thôn Mông Tu (xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy) đã trở thành hộ nghèo vì đất đai dù nhiều nhưng do không biết cách làm ăn nên vẫn không đảm bảo cái ăn, cái mặc.
Năm 2012, từ các chương trình, dự án giảm nghèo của Nhà nước, A Minh được hỗ trợ trồng 1ha bời lời trên vùng đất dốc.
Quyết tâm thoát khỏi danh sách hộ nghèo, năm 2015, A Minh mạnh dạn chuyển đổi đất trồng mì sang trồng 500 cây cà phê từ nguồn vốn chương trình hỗ trợ giảm nghèo.
Nhờ được cán bộ khuyến nông hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê nên chỉ trong vòng năm đầu tiên xuống giống, vườn cây của gia đình A Minh đã phát triển khá tốt.
Thấy cà phê là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, A Minh đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng thêm 500 gốc cà phê, 3 sào chuối xen vườn cà phê, đồng thời phát triển chăn nuôi heo thịt, đào ao thả cá...
Nhờ sự nỗ lực của chính bản thân và sự hỗ trợ của Nhà nước, năm 2017, gia đình A Minh không chỉ thoát được hộ nghèo mà còn trở thành hộ làm ăn kinh tế khá ở thôn Mông Tu.
|
A Minh chia sẻ: Ngày trước, vợ chồng mặc cảm với cái nghèo lắm. Từ chỗ sợ mỗi khi đau bệnh không có tiền để đi bệnh viện điều trị, con cái lớn lên không được đến trường… nên vợ chồng đã nêu cao quyết tâm phải sớm thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
Ông Đinh Địa - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tơ Lung cho biết: Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân từ 13-15%/năm. Kết quả sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội, dù là xã đặc biệt khó khăn nhưng Đăk Tơ Lung vẫn đảm bảo đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Cụ thể, nếu như năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo của xã còn đến 64% thì đến năm 2017 giảm xuống còn 50%. Xã đang phấn đấu đến cuối năm 2018 giảm 85 hộ nghèo, tương ứng với tỉ lệ gần 14%; năm 2019 giảm 90 hộ nghèo, tương ứng với tỉ lệ 14,5%; năm 2020 giảm thêm 94 hộ nghèo, tương ứng với tỉ lệ 15%; phấn đấu đến cuối năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo cả xã còn dưới 7% - ông Đinh Địa nói.
Ngoài Đăk Tơ Lung, hiện nay huyện Kon Rẫy còn có thêm 3 xã cũng nằm trong diện đặc biệt khó khăn gồm: Đăk Tờ Re, Đăk Kôi, Đăk Pne và 7 thôn đặc biệt khó khăn (2 thôn của thị trấn Đăk Rve, 2 thôn của xã Tân Lập, 3 thôn của xã Đăk Ruồng) nên tỉ lệ hộ nghèo của huyện còn khá cao.
Tuy nhiên, theo ông Trần Lạc - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kon Rẫy, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án giảm nghèo, từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của huyện Kon Rẫy đã giảm được 9,42%, bình quân mỗi năm giảm 4,71%, vượt tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra (bình quân giảm 3%/năm). Cụ thể, nếu như năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 47,27% thì đến năm 2017 giảm còn 37,85% và dự kiến cuối năm 2018 sẽ tiếp tục giảm còn 29,86%.
Ông Trần Lạc cho biết, với mục tiêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn dưới 18% và đưa 2/4 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, Huyện ủy Kon Rẫy đã xác định nhiều nhóm giải pháp quan trọng, trong đó đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác giảm nghèo; thực hiện đồng bộ và có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo; phát huy nội lực của địa phương đồng thời huy động thêm nhiều nguồn lực khác để hỗ trợ công tác giảm nghèo… Riêng với các xã đặc biệt khó khăn, Huyện ủy xác định đẩy mạnh việc phân công tổ cấp ủy phụ trách xã và các cơ quan, đơn vị của huyện nhận kết nghĩa xây dựng thôn bám sát cơ sở, giúp cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Tú Quyên