Kon Rẫy: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để xóa nghèo bền vững

19/11/2021 06:08

Theo thống kê đầu năm 2021, huyện Kon Rẫy có 1.452 hộ đồng bào DTTS nghèo, chiếm 19,85% tổng số hộ toàn huyện; 993 hộ đồng bào DTTS cận nghèo, chiếm 13,58% tổng số hộ toàn huyện. Vì vậy, việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm là hướng góp phần xóa nghèo bền vững cho người dân.

Ông Huỳnh Minh Trung - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kon Rẫy cho biết: Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, từ đầu năm đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai công tác tuyên truyền các nội dung thực hiện Cuộc vận động sát hợp với tình hình thực tế ở địa phương.  Trong đó, chú trọng đến các lĩnh vực như đất đai, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương đồng bào DTTS điển hình trong lao động sản xuất nhằm thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn huyện tập trung hướng dẫn đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gia đình, nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất, triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao gắn với Đề án mỗi xã một sản phẩm; tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng dược liệu, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ và quản lý rừng…

Hộ gia đình bà Y Đân ở thôn 4, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy phát triển mô hình chăn nuôi dê. Ảnh: V.H

 

Để toàn dân hiểu được ý nghĩa của Cuộc vận động, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Truyền thông huyện thực hiện 41 tin bài, 12 phóng sự, 21 buổi tuyên truyền; phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội huyện tổ chức 7 hội nghị điểm tuyên truyền về Cuộc vận động tại 7 khu dân cư của 7 xã, thị trấn; chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động tổ chức hội nghị tuyên truyền tại 49/49 khu dân cư còn lại trên địa bàn mình phụ trách thu hút hơn 1.500 lượt người tham dự.

Đặc biệt, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội huyện rà soát, xây dựng mô hình “Vệ sinh môi trường và cải tạo vườn tạp” tại thôn Kon Đó, xã Đăk Kôi. Kết quả, qua 3 tháng thực hiện (từ tháng 7/2021 đến nay), cảnh quan, môi trường của thôn Kon Đó có nhiều thay đổi; ý thức người dân trong thôn được nâng cao, thôn làng sáng, xanh, sạch đẹp và thân thiện hơn; các hộ tạo dựng vườn nhà gọn gàng, bố trí khoa học, sử dụng diện tích đất vườn hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế.

Thông qua mô hình điểm nói trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chủ động phối hợp với chính quyền và các ban, ngành liên quan cùng cấp kịp thời triển khai xây dựng các mô hình điểm cấp xã, đảm bảo phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tế tại địa phương. Trong đó, nổi bật là các mô hình như: “Trồng và chăm sóc cây chuối” tại thôn 5 và “Tổ tự quản về an ninh trật tự” tại thôn 7, thị trấn Đăk Rve; “Vệ sinh môi trường” tại thôn 2, xã Đăk Kôi; “Chổi đót” tại thôn 7, xã Đăk Tơ Lung; “Vệ sinh môi trường và vườn, ao, chuồng” tại thôn 8, xã Đăk Ruồng; “Vệ sinh môi trường” tại thôn 2, xã Đăk Pne; “Khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường” tại thôn 5, xã Tân Lập; “Chỉnh trang vườn hộ, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái và chăn nuôi heo, gà và vịt” tại thôn 3, xã Đăk Tờ Re…

Ông Huỳnh Minh Trung dự kiến: Đến cuối năm nay, toàn huyện sẽ đạt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2021. Cụ thể, 100% số xã, thị trấn có đồng bào DTTS đều ban hành kế hoạch và phối hợp tổ chức thực hiện Cuộc vận động; 100% số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo được tuyên truyền, phổ biến về nội dung Cuộc vận động; 100% số xã, thị trấn thực hiện lồng ghép Cuộc vận động với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; có từ 6% số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; trên 6% số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã.

“Đặc biệt, toàn huyện sẽ có từ 15% trở lên số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo; có từ 10% trở lên số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng và biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là người DTTS năm 2021 giảm bình quân 6% so với năm 2020”- ông Huỳnh Minh Trung khẳng định.       

Vĩnh Hà

Chuyên mục khác