09/05/2020 13:05
Đất trôi theo sông
Nhà ông A Châm – thôn phó thôn Kon Skôi, xã Đăk Ruồng nằm ở mé sông (đoạn giao nhau giữa sông Đăk Snghé và sông Đăk Kôi). Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm, bờ sông lại sạt lở, đến nay cuốn trôi gần 1 sào đất của gia đình ông. Ngay cả gian nhà bếp cũng có nguy cơ bị dòng chảy cuốn đi.
Trước cảnh sạt lở ngày càng phức tạp, gia đình ông sống trong nơm nớp lo sợ. Nhất là khi trời mưa, nước dâng cao, chảy siết, bờ sông sạt lở mạnh, rất nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, những ngày mưa to, gió lớn, ông phải cùng vợ con xin sang nhà anh em (ở xa bờ sông) để ở tạm.
“Những đêm trời mưa to, nằm trong nhà nghe rõ mồn một tiếng sạt lở đất. Gia đình mình có đến 8 người, đi ở nhờ cũng bất tiện lắm nhưng phải chấp nhận. Nếu không sẽ rất nguy hiểm” – ông Châm bộc bạch.
Cũng như ông Châm, sống ở ven bờ sông, gia đình ông Nguyễn Văn Trung (thôn Kon Skôi) cũng nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa đến.
“Hiện nay bờ sông sạt lở, xâm thực vào 12-13m, cuốn luôn 1 bên vỉa hè của đường. Tình trạng sạt lở nghiêm trọng nên bà con rất lo lắng” – ông Trung nói.
Ông Đinh Ngọc Hải – Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết, hiện trạng sạt lở bờ sông bắt đầu từ cơn bão số 9 năm 2009. Từ đó, mỗi năm bờ sông đều sạt lở, ăn dần vào khu vực người dân sinh sống. Đến nay, có địa điểm, bờ sông đã sạt đến 40-50m, vào tận mép đường đi.
|
“Khoảng 2,5km từ cầu Đăk Ruồng vào thôn Kon Skôi bị sạt lở nghiêm trọng; 31 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng” – ông Hải nhẩm tính rồi nói.
Không riêng xã Đăk Ruồng, bờ sông Đăk Kôi đoạn qua xã Đăk Tờ Lung cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Vườn cà phê của gia đình bà Y Blí (thôn 8, xã Đăk Tờ Lung) nằm sát bờ sông. Theo quan sát của chúng tôi, bờ sông bị sạt lở, tạo thành bờ vực cao đến 5-6m và có hướng tiếp tục khoét sâu vào diện tích cà phê của gia đình bà Y Blí.
“5 sào đất của nhà mình bị trôi theo sông hết rồi, giờ đất ở và cà phê chỉ còn hơn 1 sào thôi. Cứ đà này, sẽ sạt lở vô tới nhà ở mất” – bà Y Blí lo lắng.
Diện tích đất và ngôi nhà của bà Y Blí nằm chênh vênh phía trên bờ vực. Nhiều đêm mưa, bà không dám chợp mắt, sợ sạt lở vào tận nhà, không kịp xoay xở. Bên cạnh việc lo lắng cho sự an nguy của cả gia đình, bà thường xuyên nhắc nhở trẻ con trong xóm tuyệt đối không được chạy chơi phía sau nhà vì “nhỡ trượt chân rớt xuống phía dưới thì khổ”.
Không chỉ ảnh hưởng đến đất sản xuất, tại khu vực cầu thủy điện (thuộc thôn 8), bờ sông Đăk Kôi sạt lở vào tận chân cầu. Người dân phải sử dụng 2 miếng gỗ tạp to, dày để gia cố đảm bảo việc đi lại.
Anh A Sự- thôn trưởng thôn 8 (xã Đăk Tờ Lung) cho biết: Vào mùa mưa, việc đi lại, vận chuyển rất khó khăn. Sợ cầu sập, người dân chỉ dám vận chuyển nông sản bằng xe máy, không dám chở bằng xe máy cày.
Còn tại xã Tân Lập, bờ sông Đăk Snghé đoạn qua tuyến đường N1 cũng bị sạt lở, cuốn trôi một phần đường. “Mặc dù việc sạt lở chưa ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nhưng đã ảnh hưởng đến công trình giao thông trong xã” – ông Đặng Tuấn Tịnh, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết.
Theo lời người dân sinh sống trong khu vực, ngoài mưa bão, tình trạng khai thác cát trên sông (khu vực gần cầu thủy điện), làm thay đổi dòng chảy cũng là nguyên nhân chính khiến việc sạt lở thêm nghiêm trọng.
Cần có biện pháp hữu hiệu
Trước thực trạng bờ sông sạt lở, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, người dân đã chủ động trồng cây, đắp bao cát để hạn chế sạt lở. Tuy nhiên, những giải pháp tạm thời không đủ sức chống chọi những lần mưa to, nước lớn.
Ông Đặng Tuấn Tịnh – Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, từ năm 2015-2017, xã đã tiến hành trồng hơn 1km cây tre để chống sạt lở đất ven sông, tuy nhiên không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Còn về phía xã Đăk Ruồng, để đảm bảo an toàn cho người dân, trong năm 2009, UBND xã đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành di chuyển 2 hộ ra khỏi khu vực ven sông. Năm 2018, tiếp tục di dời thêm 1 hộ. Hàng năm, vào mùa mưa, UBND xã thường xuyên theo dõi, thông báo, nhắc nhở người dân tiến hành di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.
“Chúng tôi đề nghị với các ngành, các cấp có biện pháp gia cố, làm bờ kè tại khúc sông nơi người dân sinh sống. Cùng với đó, cần sớm di dời 31 hộ dân trong khu vực nguy hiểm, để người dân an tâm sinh sống”- ông Hải cho biết.
Trong năm 2018-2019, UBND huyện Kon Rẫy đã tiến hành khảo sát và hoàn thành phương án gia cố bằng rọ đá, kè chống sạt lở tại các vị trí xung yếu. Tuy nhiên, ngoài những điểm làm kè, tại một số vị trí khác qua trung tâm huyện, tình trạng sạt lở đã xâm lấn vào đường đi, ảnh hưởng đến hệ thống giao thông.
Trao đổi với phóng viên về các giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân, ông Nguyễn Văn Thủy – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết, trong thời gian đến, huyện sẽ rà soát, phối hợp với các đơn vị thủy điện có biện pháp làm lại cầu, đảm bảo việc đi lại an toàn cho người dân. Cùng với đó, với những vị trí sạt lở, UBND huyện đã đề nghị UBND các xã triển khai vận động người dân thực hiện các biện pháp góp phần giảm thiểu thực trạng sạt lở.
“Với 31 hộ dân tại thôn Đăk Skôi, Sở NN&PTNT đã có Đề án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai. Chúng tôi sẽ đề xuất ngành có thẩm quyền bố trí nguồn vốn, sớm triển khai thực hiện, để đưa người dân đến vùng an toàn” – ông Thủy cho biết.
Tình trạng sạt lở trên bờ sông trên địa bàn huyện đã diễn ra 10 năm nay, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý. Mùa mưa bão đã đến gần, người dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm có các biện pháp kịp thời khắc phục được tình trạng sạt lở, hạn chế thiệt hại về đất đai, nhà cửa, công trình giao thông, giúp người dân an tâm sản xuất.
Hoài Tiến - Mai Trâm