Kon Rẫy: Sạt lở bờ sông, nguy cơ “nuốt” làng

08/06/2023 13:23

Sông Đăk Pne đoạn chạy qua trung tâm huyện Kon Rẫy dài gần 4 km. Con sông này có vai trò rất quan trọng khi là nơi cung cấp thủy sản, nước uống, nước tưới và phù sa màu mỡ để trồng cây công nghiệp. Tuy nhiên, mấy năm nay, người dân sống 2 bên bờ đang lo lắng, bởi, tình trạng sạt lở, lòng sông Đăk Pne rộng, xâm thực vào sát những ngôi làng ven sông.

Theo UBND huyện Kon Rẫy, toàn huyện có gần 350 hộ dân với trên 1.300 người dân của xã Đăk Ruồng và Tân Lập sinh sống dọc hai bên bờ sông Đăk Pne. Họ đã gắn bó với mảnh đất này bao đời nay. Hàng năm, khi vào mùa mưa lũ, tình trạng xói lở hai bên bờ sông ở khu vực này vẫn luôn tiếp diễn và có nguy cơ xâm thực ngày càng mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, đất đai và các công trình hạ tầng của Nhà nước và nhân dân trong khu vực vì chưa được đầu tư xây công trình kè chống xói lở bờ sông.

Trong các ngôi làng bị ảnh hưởng do sông Đăk Pne xâm thực có làng Kon Skôi (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy). Đi dọc con đường bê tông dẫn vào làng nằm dọc sông, chúng tôi thấy nhiều rẫy đất trồng mì bị dòng sông “tấn công”, nhấn chìm. Có đoạn đường bê tông bị sông xâm lấn, làm sạt phần nền. Nhà dân cách sông rất gần, luôn trong tình trạng bị đe dọa khi mưa lũ đổ về. Vì vậy, người dân sống dọc sông luôn thấp thỏm, lo lắng, bất an.

Tình trạng sạt lở ngày càng nhiều ở sông Đăk Pne. Ảnh: P.N

 

Năm 2000, gia đình ông A Đôi xây nhà cách sông 50m. Sau thời gian, con sông dần xâm lấn đất, cuốn trôi 3 sào đất canh tác. Có thời điểm bão lũ mạnh, nước sông chảy tràn vào nhà, khiến bức tường bị vỡ, đồ đạc cuốn bay. “Nên cứ mùa mưa bão, gia đình tôi rất lo, phải di dời lên cao để ở chứ không dám ở lại làng vì sợ sông cuốn. Cuộc sống gia đình vì thế luôn bất an vào mùa mưa bão, không biết sẽ bị cuốn lúc nào”- ông A Đôi than thở.

Tương tự, căn nhà tạm bợ của anh A Châm ở cuối làng Kon Skôi, sát bờ sông cũng nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao. Theo anh A Châm, hơn 10 năm trước, lòng sông còn cách nhà anh mấy chục mét mà giờ đã tiến lại đến gần móng nhà rồi. Anh Châm cũng muốn xây dựng nhà kiên cố nhưng vì chưa có kè nên sợ sau vài năm nữa, sông sẽ xâm lấn thì không chỉ mất nhà mà còn mất của. 

Cách nhà anh A Châm vài bước chân là khu đất rẫy nằm bên bờ sông Đăk Pne của ông A Hoàng. Theo ông A Hoàng, khu rẫy này trước đây còn cách sông khá xa, phía ngoài còn có cả con đường mới đến khu rẫy. Nhưng đến mùa mưa bão, sông cứ lấn dần vào khiến con đường biến mất, lòng sông đã tiến sát đến rẫy nhà ông.

Ông A Loan- Trưởng thôn Kon Skôi cho biết, thôn có 165 hộ, trong đó có khoảng 50 hộ sống dọc sông. Những năm qua, tình trạng sông xâm lấn làng liên tục diễn ra. Nhiều diện tích đất bị sạt lở, nhà dân cũng bị nước lũ đánh sập. Đến mùa mưa bão, bà con phải di dời lên cao ở. Ông Loan lo lắng: “Nếu không có biện pháp làm kè bảo vệ, lâu dài, sông sẽ “nuốt” làng, chỗ ở bà con bao đời này sẽ bị mất. Vì thế, người dân mong muốn nhà nước xây kè để bảo vệ làng”.

Cây cối, hoa màu của người dân bị dòng sông xâm lấn. Ảnh: PN

 

Không chỉ có nhà dân, một số trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước xây dựng gần bờ sông cũng đang có nguy cơ sạt lở.

Ông Đỗ Dũng Sỹ- Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết, vấn đề sông Đăk Pne sạt lở, đe dọa người dân làng Kon Skôi diễn ra nhiều năm nay. Mỗi năm, con sông cứ làm sạt lở một ít đất nên đã có nhiều diện tích đất bị cuốn trôi. Khoảng 5 năm trước, dòng sông cách làng khoảng 30m thì nay có nơi, sông cách làng chỉ còn 3-4m. Diện tích đất bị mất do sạt lở sông đến nay xã chưa thống kê được vì người dân không mang bìa đỏ đăng ký biến động giảm diện tích đất.

“Người dân lo lợ nếu không có biện pháp bảo vệ làng thì sông sẽ xâm lấn dần, sau này sẽ vào làng nên kiến nghị làm kè nhưng hiện vẫn chưa triển khai được. Để đảm bảo an toàn cho dân, vào mùa mưa bão, xã cắm biển cảnh báo những điểm có nguy cơ sạt lở để người dân phòng tránh”- ông Đỗ Dũng Sỹ chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Thủy- Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, hơn 10 năm trước, Nhà nước đã có chủ trương xây dựng kè chống sạt lở sông Đăk Pne. Đây là dự án cần thiết và cấp bách nhằm chống sạt lở hai bên bờ sông. Dự án cũng nằm trong mục đích quan trọng là bảo vệ công trình, tài sản của Nhà nước thuộc khu trung tâm huyện Kon Rẫy. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên dự án đến nay chưa thể triển khai. Việc không thể đầu tư kè khiến tình trạng xói lở hai bên bờ sông ngày càng nghiêm trọng, xâm thực ngày càng mạnh, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Địa phương mong muốn dự án được triển khai để người dân được hưởng lợi và bảo vệ tài sản, hoa màu không bị dòng sông xâm thực.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác