Kon Rẫy: Lan tỏa những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm

04/04/2024 06:03

Sau 3 năm triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), huyện Kon Rẫy đã xây dựng và nhân rộng được 108 mô hình hiệu quả với tổng kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng.

Xã Đăk Tơ Lung có 95% dân số là đồng bào Xơ Đăng. Thực hiện Cuộc vận động, chính quyền xã đã vận động bà con chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của địa phương; mạnh dạn triển khai các mô hình có giá trị kinh tế cao.

Đơn cử như mô hình nuôi hươu lấy nhung của anh A Phai ở thôn 7. Được triển khai từ tháng 6/2022, anh A Phai trở thành hộ đầu tiên của xã nuôi thử nghiệm hươu lấy nhung. Trong thôn ai cũng ngạc nhiên khi thấy anh có quyết định táo bạo như vậy, bởi trước giờ bà con chỉ biết nuôi con heo, con bò.

A Phai kiểm tra chuồng nuôi hươu lấy nhung của gia đình. Ảnh: D.N

 

Để động viên, khuyến khích anh A Phai, xã hỗ trợ một phần vật liệu xây dựng chuồng trại, gia đình bỏ hơn 100 triệu đồng mua 4 con hươu giống và làm chuồng. Anh A Phai chia sẻ: Mới đầu tôi cũng lo vì chưa nuôi bao giờ; giá con giống cũng cao hơn nhiều so với bò, trâu hay dê, nhưng khi nuôi 2 năm thì cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Tôi đã cắt nhung 2 đợt, bán được hơn 30 triệu đồng, chuẩn bị cắt nhung lần thứ 3. Với những thuận lợi về nguồn thức ăn, sắp tới, sau khi hoàn tất việc đầu tư trồng 2ha cao su, tôi sẽ đầu tư mở rộng mô hình này.

Ông Đinh Địa - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đăk Tơ Lung cho hay: Qua triển khai mô hình bước đầu đã đem lại lợi ích về kinh tế cho hộ gia đình, ngoài ra còn tạo sự lan toả trong cộng đồng khu dân cư, để bà con thấy được hiệu quả thiết thực, từ đó học hỏi, làm theo.

Cũng trong nỗ lực thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, Hội LHPN huyện Kon Rẫy và Hội LHPN xã Đăk Kôi phối hợp chọn triển khai mô hình gắn với tiềm năng của địa phương và phù hợp với trình độ canh tác của chị em. Theo đó, Tổ liên kết sản xuất lúa sạch thôn Kon Rlong (xã Đăk Kôi) được thành lập vào tháng 7/2021. Khi thành lập, chỉ có 7 chị em tham gia trồng thử nghiệm với giống lúa mới Hương Châu trên diện tích 0,6ha.

Hội LHPN huyện, xã đã tuyên truyền, hướng dẫn các chị em tham gia mô hình về quy trình sản xuất nhằm đảm bảo nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tối đa chi phí không cần thiết, từ đó có thể nâng cao thu nhập.

Chị Y Khuyên và chị em trong tổ liên kết chăm sóc mô hình giống lúa mới. Ảnh: DN

 

Chị Y Khuyên- thành viên Tổ liên kết sản xuất lúa sạch thôn Kon Rlong vui vẻ nói: Được các cấp hội hỗ trợ sản xuất lúa sạch, tôi thấy học hỏi được rất nhiều, từ cách xuống giống đến chăm sóc khoa học. Trước đây, chỉ làm theo cách làm truyền thống, giống lúa cũ năng suất thấp lắm, sau khi tham gia tổ liên kết này, gia đình tôi làm thấy tốt hơn, đạt năng suất hơn.

Chị Y Xanh - Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Kôi chia sẻ: Các cấp hội hỗ trợ lúa giống cho chị em và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Hàng tháng, chị em trong tổ liên kết sẽ họp lại, chia sẻ những vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện mô hình để cùng tháo gỡ. Qua mô hình, nhận thấy rõ sự chuyển biến về nhận thức trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mới đầu nhiều chị em còn hoài nghi, nhưng đến nay, khi nhìn thấy hiệu quả thiết thực ngay tại thôn mình, đã có trên 80% chị em tự bỏ tiền ra mua giống lúa mới để sản xuất.

 “Với cùng diện tích sản xuất, giống lúa cũ chỉ đem lại năng suất từ 2,5 – 3 tạ/sào, nhưng giống lúa mới có năng suất cao hơn nhiều, khoảng 5tạ/sào, chất lượng gạo lại cao, thơm, dẻo. Từ hiệu quả của mô hình trồng lúa giống mới của tổ liên kết, đến nay, đa số hộ gia đình trong thôn Kon Rlong đã chủ động chuyển đổi sang canh tác giống lúa mới, không chỉ đảm bảo nguồn lương thực, có gia đình còn dư đem bán, tăng thêm thu nhập” – chị Y Xanh trao đổi thêm.

Bà Đinh Thị Mỹ Hảo – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kon Rẫy cho biết: Thực hiện Cuộc vận động, trên cơ sở những mô hình đã triển khai, Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên bám sát cơ sở, qua đó đánh giá thực chất tình hình ở các thôn, làng cũng như từng hộ gia đình để lựa chọn đối tượng xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện thực tế, cách thức sản xuất cũng như đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của bà con. 3 năm qua, nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực và được chỉ đạo nhân rộng để bà con nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.    

Dương Nương

Chuyên mục khác