Kon Rẫy: Hiệu quả từ các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm

15/06/2024 06:19

Sau hơn 3 năm thực hiện Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), đến nay, huyện Kon Rẫy xây dựng được 108 mô hình, có 4.517 lượt hộ gia đình tham gia, qua đó tạo điều kiện cho đồng bào DTTS giảm nghèo bền vững.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh A Tèo- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 1, xã Đăk Pne và được nghe anh kể: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm đồng bào DTTS là một chủ trương lớn của Tỉnh uỷ. Với trách nhiệm là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, hơn 3 năm qua, tôi luôn gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Theo đó, gia đình anh A Tèo chuyển 2ha đất trồng mì, bời lời sang trồng cà phê vối. Nhờ áp dụng khoa học-kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân các loại và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, nên hàng năm, gia đình anh lãi trên 50 triệu đồng. Đồng thời, gia đình anh trồng xen 60 cây sầu riêng, 150 cây mắc ca trên diện tích cà phê, đến nay, tất cả các loài cây nói trên đều xanh tốt. Ngoài ra, gia đình anh còn trồng 1ha mì, nuôi 2 con bò sinh sản, 5 con heo địa phương, nên hàng năm tích lũy trên trăm triệu đồng.

Cán bộ xã Tân Lập thăm mô hình trồng lúa C15 của chị Y Nàng. Ảnh: H.N

 

Thăm mô hình trồng giống lúa mới C15 của chị Y Nàng ở thôn 4, xã Tân Lập, chúng tôi được chị tâm sự: Nhà tôi có 2 sào ruộng lúa nước. Cách đây 4 năm, tôi gieo cấy các loại giống lúa cũ, nên dù có chăm sóc và bón phân đầy đủ, nhưng năng suất vẫn đạt thấp. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và sự vận động của cán bộ Mặt trận các cấp về thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tôi chuyển qua gieo cấy giống lúa C15, năng suất đạt 6 tạ/sào, tăng 40% so với các loại giống lúa cũ, góp phần giúp gia đình thoát nghèo và bắt đầu có của ăn, của để.

Bà Đinh Thị Anh- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cho biết: Thực hiện Cuộc vận động, hơn 3 năm qua, đơn vị phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội huyện hỗ trợ cho 3 hộ gia đình ở thôn Kon Đó, xã Đăk Kôi 4,25 triệu đồng để thực hiện mô hình “Cải tạo vườn tạp” để trồng rau và cây ăn trái, đồng thời hướng dẫn bà con trong thôn vệ sinh môi trường định kỳ hằng tháng và thường xuyên giữ gìn vệ sinh nhà cửa. Nhờ đó, đến nay, cảnh quan, môi trường ở thôn có bước thay đổi, ý thức người dân về vệ sinh môi trường được nâng lên; các hộ gia đình sử dụng diện tích đất vườn hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao và cải thiện bữa ăn trong gia đình được tốt hơn.

Bà Đinh Thị Mỹ Hảo- Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện cho biết: Thực hiện Cuộc vận động, hơn 3 năm qua, Mặt trận các cấp phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể xây dựng 108 mô hình gắn với thực hiện các chương trình MTQG và các cuộc vận động, phong trào thi đua khác, với 4.517 lượt hộ gia đình tham gia, tổng kinh phí trên 3,457 tỷ đồng.

Bà con dân tộc thiểu số xã Tân Lập phát triển mô hình du lịch. Ảnh: HN

 

Trong quá trình xây dựng các mô hình đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở cơ sở để triển khai thực hiện hiệu quả. Tiêu biểu có các mô hình như: “Nuôi hươu lấy nhung” của hộ ông A Phai và “Vận động nhân dân làm chổi đót” tại thôn 7 của Mặt trận xã Đăk Tơ Lung; “Sinh hoạt văn hóa du lịch cộng đồng” tại thôn 5, xã Tân Lập của Phòng Văn hóa-Thông tin; “Trồng nấm bào ngư xám” tại thôn 2, xã Đăk Pne của Huyện đoàn; “Cải tạo vườn tạp” tại hộ gia đình bà Y Đeoh, thôn 8 của Mặt trận và đoàn thể xã Đăk Ruồng; “Tiết kiệm nuôi heo đất - san sẻ yêu thương” tại thôn Kon Jri Pen của Mặt trận xã Đăk Tờ Re; “Hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc lúa nước” tại thôn 1 của Ban Chỉ đạo xã Đăk Pne, “Sản xuất lúa sạch” tại thôn Kon Rlong, xã Đăk Kôi của Hội LHPN huyện.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hủ tục “Cúng ốm đau và khẩn cầu thần linh” tại thôn Kon Bỉ, xã Đăk Tơ Lung và xã Đăk Pne; “Thả rông gia súc, gia cầm” tại thôn Kon Mong Tu, thôn Kon Lỗ của xã Đăk Tơ Lung và xã Đăk Pne; “Sinh đẻ tại nhà” và “Ngủ đầm” tại xã Đăk Pne. Một số mô hình chưa đạt hiệu quả, như “Trồng cỏ voi nuôi bò” tại thôn 5, xã Đăk Kôi; “Trồng và chăm sóc cây chuối” tại thôn 5, thị trấn Đăk Rve; “Câu lạc bộ không sinh con thứ 3” của Phòng Y tế tại xã Đăk Pne.

Vì vậy, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo huyện tiếp tục cụ thể hóa Cuộc vận động, phấn đấu đến cuối năm nay, toàn huyện có 60% trở lên số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, phong tục không còn phù hợp và không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; 36% trở lên số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng và biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất; trên 24% số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện và tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua đó, phấn đấu bình quân hàng năm giảm từ 6,59% trở lên số hộ nghèo và từ 4,95% trở lên số hộ cận nghèo người DTTS.

Hà Nguyên

Chuyên mục khác