Kon Rẫy: Hiệu quả từ các công trình thanh niên

26/03/2019 13:08

​Trong những năm qua, đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã triển khai và đưa vào sử dụng nhiều công trình thanh niên, mang lại hiệu quả, có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với người dân.

Con đường duy nhất nối từ tỉnh lộ 667 vào thôn 2, xã Đăk Tơ Lung đã xuống cấp nhiều năm. Việc đi lại, vận chuyển nông sản, đến trường của con em 84 hộ gia đình trong thôn gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão.

Để gỡ khó cho người dân, Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên đã đầu tư 288 triệu đồng để mua các vật liệu xây dựng như cát, sỏi, xi măng. Với nguồn nguyên liệu đã có, trong chiến dịch mùa hè xanh 2017, Huyện đoàn Kon Rẫy đã huy động sức trẻ của thanh niên trên địa bàn cùng với sự chung sức của người dân trong thôn hoàn thiện con đường. Kết thúc chiến dịch mùa hè xanh 2017, con đường liên thôn này đã hoàn thành trong niềm hân hoan của người dân thôn 2.

“Ai cũng vui mừng và phấn khởi lắm. Trước đây, con đường rất xấu, đặc biệt là vào mùa mưa, bà con đi lại rất khó khăn, thường xuyên bị trượt ngã bởi lầy lội. Nay đường đẹp rồi, bà con chở mì, chở lúa cũng dễ dàng hơn…” – ông A Thơ - Thôn trưởng thôn 2 tâm sự.

Theo ông A Thơ, trong suốt quá trình thi công, các đoàn viên thanh niên với tinh thần không ngại khó, ngại khổ, trở thành những người thợ xây, phụ hồ tất bật, hối hả với công việc. Chính tinh thần đó đã thuyết phục, cổ vũ bà con cố gắng hết sức mình phối hợp với các đoàn viên thanh niên để hoàn thành con đường. Sau khi con đường được bê tông hóa hoàn toàn, các đoàn viên thanh niên vẫn tiếp tục ở lại, cùng bà con nạo vét kênh mương, dọn vệ sinh môi trường…

Thôn 5, xã Đăk Tơ Lung có 54 hộ gia đình đang sinh sống. Để vào được thôn, người dân buộc phải đi qua cầu treo Kon Vi Vàng, việc đi lại, nhất là vào buổi tối hết sức nguy hiểm. Đây không chỉ là hiện trạng của riêng thôn 5, xã Đăk Tờ Lung mà còn là khó khăn chung của các thôn vùng sâu huyện Kon Rẫy. Trước những bất cập này, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã quyết định xây dựng công trình thanh niên “thắp sáng làng quê” trên toàn địa bàn huyện Kon Rẫy. 

Bà con thôn 4, xã Đăk Tơ Lung lấy nước sạch từ công trình nước tự chảy để sinh hoạt. Ảnh: T.T

 

Sau khảo sát, trên địa bàn huyện Kon Rẫy có hơn 20km đường làng cần thắp sáng, tổng số bóng cần lắp đặt là khoảng 400 và kinh phí để thực hiện trên 400 triệu đồng. Ước tính có khoảng 2.098 hộ được hưởng lợi từ công trình này.

Để triển khai thực hiện, Tỉnh đoàn đã huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, cụ thể là từ nguồn đầu tư của Ngân hàng Liên Việt. Năm 2017, công trình thanh niên này được triển khai và thôn 5, xã Đăk Tờ Lung được chọn làm điểm thực hiện đầu tiên.

Với tinh thần tình nguyện, hàng chục đoàn viên thanh niên tại xã phối hợp cùng bà con thôn 5 đã tham gia thi công, xây dựng đoạn đường thắp sáng dài 400m. Trong vòng 3 ngày, đã tiến hành kéo trụ, chôn cột và phối hợp với Điện lực Kon Rẫy kéo điện về đoạn đường này.

Ông A Biên – Thôn trưởng thôn 5 chia sẻ: Đường có điện, việc đi lại của bà con vào ban đêm dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại thôn được tốt hơn. Công trình đã mang lại nhiều hiệu quả đối với bà con trong thôn.

Ở thôn 4, xã Đăk Tơ Lung, các đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã và các tổ chức cơ sở đoàn trên toàn huyện phối hợp với bà con trong thôn đã tham gia xây dựng và đưa vào sử dụng công trình nước tự chảy năm 2016. Hệ thống có quy mô gồm 1 bể lọc đầu mối 30m3 và hơn 2km đường ống dẫn về 2 bể chứa tại nhà rông. Công trình có trị giá 300 triệu đồng, nguồn kinh phí được vận động từ xã hội hóa do Tỉnh đoàn Kon Tum phối hợp với Báo Tuổi Trẻ, nhãn hàng Comfort của Công ty Unilever tài trợ.

Sau 8 ngày thi công với hơn 800 ngày công của các đoàn viên thanh niên cùng người dân trong thôn, công trình nước tự chảy đã được đưa vào sử dụng và cung cấp nước sạch cho 97 hộ dân tại thôn 4.

Anh A Hơn – Thôn trưởng thôn 4 cho biết: Trước đây, thôn mình cũng có hệ thống nước tự chảy, nhưng do đã quá lâu, nên hệ thống dẫn nước về thường xuyên bị tắc và hỏng hóc. Bà con trong thôn cũng đã khắc phục bằng cách đào giếng để có nước sử dụng. Tính cả thôn, tổng cộng có 9 cái giếng, mặc dù các hộ đều chia sẻ dùng chung với nhau, tuy nhiên việc thiếu nước vẫn xảy ra. Từ ngày công trình nước tự chảy do đoàn viên thanh niên làm và đưa vào sử dụng, bà con đã bớt vất vả, việc cung cấp nước sạch để các hộ sinh hoạt cũng đã ổn định hơn...

Phải khẳng định rằng, những công trình, phần việc thanh niên ở Kon Rẫy làm đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống của người dân, góp phần khơi dậy sức trẻ, thể hiện vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong việc hướng về cuộc sống cộng đồng, vì an sinh xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn sớm tới đích.      

Tất Thành

Chuyên mục khác