Kon Rẫy: Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình

26/11/2018 07:00

​Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực gia đình xảy ra, những năm qua, các cơ quan chức năng của huyện Kon Rẫy đã đề ra nhiều giải pháp sát thực nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động trực quan về phòng, chống bạo lực gia đình bằng nhiều hình thức sinh động.

Chị Y Trầm - Cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Rẫy cho biết: Hàng năm, đơn vị đều tổ chức tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình bằng nhiều hình thức phong phú thông qua hệ thống Đài Truyền thanh Truyền hình huyện và bằng panô, khẩu hiệu, băng rôn, đồng thời lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt với các đoàn thể. Đặc biệt, trong “Tháng hành động vì trẻ em”, “Ngày Gia đình Việt Nam”, “Ngày Quốc tế hạnh phúc”, đơn vị phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo... nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng sống trong gia đình như kỹ năng làm cha mẹ, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với cộng đồng...

Tuyên truyền cho ngày Quốc tế phòng, chống bạo lực gia đình năm nay, bắt đầu từ ngày 12 đến hết ngày 25/11, đơn vị tổ chức tuyên truyền lưu động 2 buổi/ngày. Để bà con dễ lắng nghe và tiếp thu thông điệp tuyên truyền “Hãy lên tiếng khi bị bạo lực, mọi người sẽ giúp bạn”, vào buổi sáng, đơn vị tổ chức tuyên truyền từ 6h hhhhhh đến 8h và buổi chiều từ 15h đến 17h.

Cùng với phát huy vai trò, trách nhiệm của Phòng Văn hóa và Thông tin trong công tác tuyên truyền, hàng năm, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Kon Rẫy cũng đã cụ thể hóa nội dung phòng, chống bạo lực gia đình với các hội thi như: “Bữa cơm dinh dưỡng gia đình”, “Phụ nữ toàn năng”, “Giải bóng chuyền nam - nữ”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình, dòng họ hiếu học”, “Gia đình nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo”… gắn với việc đăng ký và bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” để góp phần nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo dư luận xã hội lên án những hành vi bạo hành trong gia đình, ngược đãi phụ nữ và xâm hại trẻ em.

Hàng năm, UBND huyện còn phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác gia đình và hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, qua đó để xây dựng kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình một cách cụ thể, đồng thời nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đến với toàn thể nhân dân.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đến nay, toàn huyện thành lập được 3 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình và 100% khu dân cư đã thành lập được tổ hòa giải, nên các vụ việc bạo lực gia đình xảy ra đều được giải quyết ngay cơ sở từ khi mới phát sinh.

Ông Huỳnh Văn Lanh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình thôn 2, thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) cho biết: Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình của thôn được thành lập từ năm 2014 với 30 thành viên sinh hoạt tại 9 nhóm hộ trong thôn. Từ khi thành lập đến nay, hàng tháng, vào ngày 15, Câu lạc bộ đều duy trì sinh hoạt để nắm bắt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, cũng như hành vi bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, ngược đãi người già...; qua đó đề ra các giải pháp phù hợp để giải quyết hợp tình hợp lý các vụ việc. Nhờ hoạt động của Câu lạc bộ, đến nay, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn thôn đã giảm hẳn.

Theo thống kê của ngành chức năng huyện Kon Rẫy, từ năm 2015 đến nay, toàn huyện xảy ra 14 vụ bạo lực gia đình; trong đó riêng năm 2018  xảy ra 1 vụ, giảm 3 vụ so với năm 2017.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bên cạnh phát huy vai trò của Mặt trận và các hội đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, các cấp, các ngành, các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở - bởi đây là lực lượng làm công tác tuyên truyền trực tiếp - nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đối với công tác gia đình và công tác tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình.

                                                                         Nguyên Hà

Chuyên mục khác