Kon Rẫy: Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình

26/11/2017 18:00

​Bạo lực gia đình từ rất lâu đã trở thành một vấn đề xã hội rất phức tạp, nó gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, trong đó đáng báo động nhất là việc vi phạm đến quyền, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Vì lẽ đó, trong những năm qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã được cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, cùng toàn xã hội thực sự quan tâm.

Theo đoàn công tác của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Rẫy, chúng tôi về thăm Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình thôn 3, thị trấn Đăk Rve trong những ngày cả nước đồng loạt tổ chức tuyên truyền về Ngày Quốc tế Phòng, chống bạo lực gia đình 25/11.

Trong buổi sinh hoạt định kỳ tháng 11 này, bà Dương Thị Lương - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ này cho biết: Toàn thôn 3 có 170 hộ với 656 nhân khẩu, trong đó có 31 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo. Cách đây khoảng 3 năm về trước, tình trạng bạo lực gia đình tại thôn xảy ra từ 4-5 vụ/năm. Trước tình hình đó, đầu năm 2015, Ban Quản lý thôn 3 đã thành lập Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình gồm 6 thành viên là những người có ưu tín trong thôn. Từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, tình trạng bạo lực gia đình hay những vụ xích mích trong thôn được đẩy lùi rõ rệt. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trong thôn không có tình trạng bạo lực gia đình xảy ra

Bên cạnh đó, thôn 3 còn thành lập Tổ hòa giải gồm 8 thành viên, trong đó có Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên…cùng tham gia để tạo thêm sức mạnh trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở địa  bàn.

Bà Dương Thị Lương cho biết thêm: Cách đây 4 năm về trước, có gia đình chị T lúc nào cũng xảy ra tình trạng chồng say xỉn, đánh đập vợ con, chửi bới hàng xóm, gây mất đoàn kết trong gia đình và khu dân cư. Nhưng với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, Câu lạc bộ thôn đã phối hợp với Tổ hòa giải thôn đi đến tận nhà chị T để tuyên truyền, giải tỏa khúc mắc trong gia đình cũng như giữa xóm giềng.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nên trong 2 năm trở lại đây, gia đình chị T không còn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Người chồng của chị T đã bỏ được nghiện rượu, hai cháu nhỏ được đi học và đứa con gái lớn đã có gia đình ổn định.

Ông Huỳnh Ngọc Phong - Trưởng ban Mặt trận kiêm Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn 1, xã Tân Lập, cho biết: Trong nhiều năm qua, Tổ không ngừng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt. Với các hộ gia đình có nguy cơ, biểu hiện bạo lực hoặc các gia đình sống liền kề có biểu hiện xích mích, mất đoàn kết, Tổ phối hợp với cán bộ các đoàn thể đến tận gia đình nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó phân tích, làm rõ để các gia đình nhận ra những thiếu sót để khắc phục và điều chỉnh hành vi.

Anh Phạm Đình Công - Chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Rẫy, cho biết: Phòng đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú thông qua hệ thống đài truyền thanh, panô, khẩu hiệu, băng rôn và lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt với các đoàn thể. Đặc biệt, trong tháng “Hành động vì trẻ em”, “Ngày Gia đình Việt Nam 28/6”, “Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3”, Phòng phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo... nhằm cung cấp các kiến thức, các kỹ năng sống trong gia đình như: kỹ năng làm cha mẹ, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với cộng đồng...

Ngoài ra, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện đã cụ thể hóa nội dung phòng, chống bạo lực gia đình với các nội dung thi đua như: phong trào: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình, dòng họ hiếu học”, “Gia đình nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo”…gắn với việc đăng ký và bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng như vậy đã góp phần nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo dư luận xã hội lên án những hành vi bạo hành trong gia đình, bất hiếu với ông bà, cha mẹ, ngược đãi phụ nữ và xâm hại trẻ em.

Hằng năm, Phòng còn phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác gia đình và hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình; xây dựng kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đến với toàn thể nhân dân. Đến nay, toàn huyện đã có 3 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình và 56 khu dân cư thành lập được tổ hòa giải.

Nhờ đó, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn huyện ngày càng giảm cả về số lượng và tính chất bạo lực. Nếu như năm 2015, toàn huyện xảy ra 13 vụ bạo lực gia đình, thì từ đầu năm đến nay đã giảm xuống còn 4 vụ, chủ yếu bạo lực về tinh thần và thân thể, nhưng đều được chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể phối hợp giải quyết dứt điểm tại cơ sở với các biện pháp xử lý người gây bạo lực gia đình bằng cách góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư.

                                                                                  Nguyên Hà

Chuyên mục khác