Kon Rẫy: Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho người dân

15/08/2018 17:59

​Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp cùng với đoàn công tác của Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh của đội ngũ cán bộ làm công tác y tế dự phòng tại các trạm y tế xã.

Ông A Lên trú tại thôn 4, xã Đăk Tờ Re - nơi vừa xảy ra dịch viêm gan A và nghi viêm não - cho biết: Trong nhiều năm nay, tôi vừa làm trưởng thôn, vừa làm nhân viên y tế thôn, nên luôn chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin đời sống của người dân, để từ đó có hình thức tuyên truyền phù hợp về công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng cho trẻ em, vệ sinh nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh...

Đến xã Đăk Pne, chị Lương Thị Kim Huệ - Trạm trưởng Trạm Y tế xã giải thích: Hàng năm, cứ vào những ngày giao mùa, Trạm Y tế đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe cho nhân dân tại các thôn về công tác phòng, chống dịch bệnh giao mùa; đồng thời hướng dẫn vệ sinh an toàn thực phẩm, đề phòng tai nạn thương tích... nhằm nâng cao kiến thức cho người dân. Tất cả cán bộ của Trạm thường xuyên có mặt tại các thôn vận động các hộ dân tự giác sắp xếp lại nhà cửa, dọn dẹp khuôn viên vườn tược và tham gia đầy đủ các buổi dọn vệ sinh chung của thôn. Qua đó, phổ biến và vận động người dân đào hố rác và phân công hộ dân thu gom rác sạch sẽ. 

Trung tâm Y tế huyện đã chủ động triển khai phun hóa chất diệt muỗi. Ảnh: H.N

 

Bác sĩ Phạm Xuân Khánh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy cho biết: Ngay từ đầu năm nay, Trung tâm đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, chỉ đạo Đội Y tế dự phòng huyện xây dựng hệ thống giám sát từ huyện đến thôn, đồng thời rà soát và chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, đồ bảo hộ phòng chống dịch để sẵn sàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh khi có yêu cầu. Trong đó, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và dự trù đảm bảo hóa chất Chloramin B và Đội Y tế dự phòng kiểm tra, vận hành thử, đảm bảo các máy phun hóa chất hoạt động tốt.

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể. So với cùng kỳ năm ngoái, bệnh cúm thông thường ghi nhận 309 ca, giảm 127 ca; bệnh tiêu chảy ghi nhận 497 ca, giảm 183 ca; bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 2 ca, giảm 7 ca. Tuy nhiên, trên địa bàn ghi nhận 256 ca lỵ trực trùng, tăng 89 ca so cùng kỳ năm ngoái; bệnh lỵ amip ghi nhận 43 ca, tăng 21 ca; bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận 1 ca ở xã Đăk Kôi và bệnh viêm gan A ghi nhận 2 ca ở xã Đăk Tơ Re.

Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức các hoạt động truyền thông, khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hành các biện pháp phòng lây nhiễm các bệnh: Cúm A (H5N1, H7N9), viêm não Nhật Bản, viêm gan A... bằng cách thường xuyên vệ sinh, tẩy uế chuồng nuôi gia súc, gia cầm và vệ sinh môi trường; khi có biểu hiện nghi ngờ các bệnh nói trên đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Đồng thời, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vắc-xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm vắc-xin sởi trong các đợt tổ chức chiến dịch.

Đặc biệt, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động triển khai 2 đợt phun hóa chất diệt muỗi tại xã Đăk Kôi, 2 đợt phun hóa chất Permethrin 50EC bằng kỹ thuật phun tồn lưu tại xã Đăk Tơ Lung có ca bệnh nghi ngờ viêm não, 4 đợt phun CloraminB khử trùng bằng vôi bột và phun hóa chất tiêu độc khử trùng xử lý ổ dịch viên gan A tại thôn 3 và thôn 4 của xã Đăk Tờ Re...

Bác sĩ Phạm Xuân Khánh cho biết thêm: Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về y tế dự phòng đến với người dân trên địa bàn. Trong đó, chú trọng công tác phối hợp với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi, khi ngủ phải mắc màn... Đồng thời, luôn luôn sẵn sàng dự trữ các cơ số thuốc với số lượng tối thiểu để phòng dịch bệnh và cứu chữa kịp thời cho người dân khi có dịch xảy ra trên địa bàn.

Hà Nguyên 

Chuyên mục khác