Kon Rẫy: Chăm lo đời sống người có công với cách mạng

22/08/2018 07:00

Trên địa bàn huyện Kon Rẫy có 313 người thuộc diện chính sách, có công với cách mạng. Để làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, thời gian qua, huyện Kon Rẫy đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Tặng quà; xây dựng, hỗ trợ nhà ở cho người có công; vận động gây quỹ đền ơn đáp nghĩa; hướng dẫn các gia đình chính sách tiếp cận vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống gia đình…

Già A Plếch ở thôn 6, xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy năm nay đã 76 tuổi là thương binh và nhiễm chất độc hóa học 41%. Vợ ông là bà Y Bông (52 tuổi) cũng là bệnh binh (61%). Với thương tích từ những cuộc chiến năm xưa để lại, khả năng lao động của ông gặp những khó khăn nhất định.

Già A Plếch chia sẻ: Những ngày đầu trở về sau chiến tranh, vất vả lắm! Nhưng được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cùng sự nỗ lực của bản thân, gia đình tôi cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Sau khi khai hoang mảnh đất này (rộng 3,5ha), chúng tôi được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sinh sống và làm ăn ổn định. Chúng tôi còn được giúp đỡ tiếp cận vay nguồn vốn với lãi suất thấp. Nhờ vậy, gia đình mới có vốn để đầu tư cho sản xuất, cuộc sống bây giờ đã khá ổn định. Thật sự, chúng tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm và chăm sóc đến những gia đình có hoàn cảnh như chúng tôi.

Dẫn chúng tôi ra rẫy, già A Plếch chỉ tay: Đây là rẫy mì của gia đình tôi, rộng gần 3ha, là thu nhập chính của gia đình. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu được khoảng 60 triệu đồng. Bên này là 2 sào ruộng, mỗi năm bán được khoảng 9 bao, thu được 3 triệu đồng. Ngoài ra, 3 sào bời lời cũng được hơn 10 năm rồi, nhưng tôi chưa muốn bán, bởi giống này càng lâu thì càng được giá.

Ông A Biêng ở thôn 7, xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy là bệnh binh với mức thương tật 61%.

Ông A Biêng chăm sóc vườn cà phê của gia đình

 

Cũng như già A Plếch, sau khi chiến tranh kết thúc, ông A Biêng đã khai hoang, lập nghiệp ngay tại quê nhà. Được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, giới thiệu các nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp, ông A Biêng đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng để đầu tư trồng mì và bời lời.

Với 3ha mì canh tác, hàng năm, gia đình ông A Biêng thu được trên 50 triệu đồng (trừ chi phí). Dần dà, với số tiền thu được, ông A Biêng mở rộng thêm 3 sào cà phê (chuẩn bị vào mùa thu hoạch đầu tiên). Ông dự định, trong thời gian tới, nếu được giá sẽ thu hoạch 1ha bời lời đã trồng được 10 năm nay.

Ông A Biêng chia sẻ: Nhờ có các chính sách của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của gia đình tôi ngày càng khấm khá. Tôi có đất để làm ăn, có nguồn vốn để phát triển kinh tế. Ngoài ra, mỗi tháng, tôi được Nhà nước trợ cấp trên 3 triệu đồng (tiền bệnh binh). Nhờ vậy, mỗi năm tổng thu nhập trung bình của gia đình tôi khoảng 100 triệu đồng.

Chỉ tay vào căn nhà của mình, ông A Biêng nói thêm: Trước năm 2015, nhà tôi dột nát, mái nhà hư hỏng lắm. Cứ hễ mưa xuống là trong nhà ướt hết. Năm 2016, được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình tôi đã sửa chữa được nhà. Mái được lợp lại, nền nhà được lát gạch hoa. Tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước đã chăm lo, hỗ trợ để gia đình tôi có cuộc sống ngày càng ổn định hơn.

Ông A Biêng và ông A Plếch chỉ là hai trong số rất nhiều gia đình có công trên địa bàn huyện Kon Rẫy nhờ được sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành cùng với sự nỗ lực của bản thân có cuộc sống kinh tế ngày càng khấm khá, chăm lo nuôi dạy con cái, trở thành những tấm gương sáng cho cộng đồng cùng học tập, làm theo.    

 Ông Võ Duy Ngọc - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kon Rẫy cho biết: Công tác chăm lo đời sống cho người có công trên địa bàn huyện được triển khai rất tốt. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn hoàn thành hỗ trợ sửa chữa 7 căn nhà cho người có công cách mạng và  hiện đang tiếp tục hỗ trợ xây mới 17 căn, sửa chữa 5 căn từ nguồn kinh phí tạm ứng đợt 3 của UBND tỉnh. Huyện đã cấp kinh phí hỗ trợ mai táng cho 5 đối tượng từ trần theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg với tổng số tiền 52,6 triệu đồng. Huyện còn tổ chức cho các đối tượng có công đi tham quan Hà Nội, viếng lăng Bác; đi điều dưỡng tập trung tại thành phố Đà Nẵng, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh… Với nhiều hoạt động được triển khai, đời sống của những người có công ngày càng ổn định và cải thiện.

Cũng theo ông Ngọc, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người có công; tập trung xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện tốt nhất để người có công có thể tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, phát triển kinh tế, nâng cao mức sống.

Tất Thành   

Chuyên mục khác