Kon Plông: Xây dựng nhiều sản phẩm đặc trưng

15/05/2019 13:05

Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 27/7/2011 của Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, đến nay, huyện Kon Plông đã xây dựng được nhiều sản phẩm chủ lực đặc trưng mang thương hiệu vùng đất Măng Đen. Tuy mới là những kết quả bước đầu, nhưng đây là nền tảng vững chắc tạo đà để huyện Kon Plông khai thác hiệu quả tiềm năng hiện có...

Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, Huyện ủy Kon Plông đã ban hành Chương trình số 31-CTr/HU ngày 14/10/2011 chỉ đạo các ngành chức năng triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, UBND huyện Kon Plông phối hợp với các ngành chức năng xây dựng đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Kon Plông giai đoạn 2011-2020, định hướng đến 2025; đồng thời tiếp tục triển khai công tác quy hoạch chi tiết các vùng, xác định rõ từng vùng, đưa ra các giải pháp để phát huy lợi thế.

Dựa trên cơ sở các quy hoạch, UBND huyện tổ chức quản lý, bố trí, sắp xếp một cách khoa học, chặt chẽ quỹ đất đã được quy hoạch để thực hiện xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu đầu vào cho các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực.

Với cách làm bài bản như trên, huyện Kon Plông vừa đảm bảo bố trí sử dụng đất để kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trước mắt, vừa bảo đảm kế hoạch phát triển lâu dài mà không bị chồng chéo, manh mún khi triển khai các dự án; đồng thời vẫn bố trí quỹ đất phục vụ nhu cầu sản xuất, đời sống của người dân địa phương, tránh được những tranh chấp phức tạp, kéo dài liên quan đến lĩnh vực đất đai trong công tác giải tỏa, đền bù đất đai khi triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.

Tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn huyện Kon Plông có 49 dự án đăng ký và thực hiện đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.639,7 tỷ đồng, diện tích đăng ký triển khai thực hiện là 1.473,3ha.

Nhằm hỗ trợ, tạo đà đẩy nhanh phát triển kinh tế, huyện Kon Plông tạo điều kiện khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Huyện đã bố trí và huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho các hợp tác xã và hộ gia đình, cá nhân sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh. Đến nay, tổng diện tích canh tác rau, hoa, củ, quả xứ lạnh trên địa bàn huyện khoảng 560 ha.

Dâu Tây được trồng tại Kon Plông. Ảnh: VP

 

Bên cạnh đó, huyện Kon Plông chú trọng hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển diện tích cà phê xứ lạnh. Tính đến cuối năm 2018, toàn huyện có 921,2 ha cây cà phê, trong đó diện tích cà phê trồng theo Đề án là 433,8ha.

UBND huyện Kon Plông tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác về phát triển, thu mua và chế biến hạt cà phê Măng Đen với Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cao Nguyên, đảm bảo đầu ra ổn định, không bị thương lái ép giá khi thu mua, góp phần tăng thêm sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Huyện Kon Plông chỉ đạo ngành chức năng xây dựng kế hoạch triển khai đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn. Bước đầu, người dân đã đầu tư phát triển 51,3 ha cây dược liệu. Huyện cũng đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp để kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây đinh lăng, cây đương quy, cây sâm dây…

Từ năm 2012, huyện triển khai thí điểm mô hình bảo tồn cây sim rừng thông qua việc phát dọn thực bì để chăm sóc 8ha diện tích sim rừng tự nhiên. Đến nay, doanh nghiệp tổ chức thu mua sim cho nhân dân trên địa bàn và sản xuất rượu vang sim bình quân hàng năm đạt 1.300 lít mang thương hiệu Măng Đen cung cấp cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện, doanh nghiệp sản xuất rượu vang sim bước đầu sản xuất thêm sản phẩm nước ép mới từ sim rừng.

Với những lợi thế riêng biệt, huyện Kon Plông còn chú trọng phát triển kinh tế du lịch. Giai đoạn 2011-2018, huyện chủ động triển khai lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển mạng lưới giao thông kết nối với các địa phương khác, các tuyến đường trung tâm huyện, đường liên xã, các tuyến đường nối với các khu du lịch; xây dựng và khai thác tour, tuyến và sản phẩm du lịch... Đến cuối năm 2018, trên địa bàn huyện có 25 dự án du lịch sinh thái với tổng diện tích 2.062,9 ha, tổng số vốn đăng ký là 6.632,3 tỷ đồng.

Kinh tế du lịch ở Kon Plông đang thu hút khách. Ảnh: VP

 

Huyện Kon Plông còn hướng tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, trọng tâm hướng vào các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực. Cụ thể, huyện đã phối hợp với Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức nghiệm thu Đề tài phát triển thương hiệu cho một số sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường như hoa xứ lạnh, rượu sim, cá tầm Măng Đen; xây dựng và quảng bá mô hình du lịch cộng đồng tại làng văn hóa Kon Pring - xã Đăk Long và Vi Ô Lắk - xã Pờ Ê. Đồng thời, thực hiện thiết kế logo và đăng ký thương hiệu, nhãn mác, xuất xứ cho các sản phẩm đặc trưng của Măng Đen; trưng bày các sản phẩm đặc trưng tại cửa hàng ở thành phố Kon Tum để phục vụ khách mua sắm...

Ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, bước đầu một số sản phẩm rau hoa, trái cây sản xuất trên địa bàn huyện Kon Plông không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra liên kết tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… Huyện chỉ đạo ngành chức năng tiến hành xây dựng nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu sở hữu trí tuệ cho 22 sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu của Măng Đen như: Rau hoa xứ lạnh Măng Đen; củ, quả xứ lạnh Măng Đen; tiêu rừng, chè dây, sâm dây Măng Đen; quả chuối rừng, trà sâm dây Măng Đen… Đây là những sản phẩm chủ lực mang thương hiệu của Măng Đen, Kon Plông.

 Trong thời gian tới, huyện Kon Plông tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến, đẩy mạnh thu hút đầu tư và khai thác, phát triển có hiệu quả tiềm năng du lịch trên địa bàn…

          Văn Phương

Chuyên mục khác