Kon Plông nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS

14/08/2021 13:07

Trong thời gian qua, huyện Kon Plông có nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS.

Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục được UBND huyện triển khai là, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo rà soát hiện trạng mạng lưới trường lớp, trên cơ sở đó tham mưu UBND huyện điều chỉnh, sáp nhập các đơn vị trường tiểu học và THCS theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII.

Huyện Kon Plông quan tâm đầu tư, trang bị công nghệ thông tin cho các trường học. Đến nay, 100% trường học được trang bị máy vi tính phục vụ công tác quản lý hành chính; 100% trường có nối mạng để khai thác thông tin phục vụ dạy học và thực hiện giao dịch văn bản điện tử; 100% trường Phổ thông DTNT, 81,8% trường THCS, 63,7% trường tiểu học có phòng máy để dạy tin học. Chú trọng đầu tư xây dựng phòng học, phòng ở cho giáo viên, nhà hiệu bộ, tường rào, sân bê tông, công trình vệ sinh, nước sạch, trang thiết bị ăn, ở cho học sinh bán trú... với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2016-2020 trên 82,204 tỷ đồng và huy động nguồn kinh phí xã hội hóa giáo dục hơn 15,129 tỷ đồng.

Nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời, tình trạng học sinh trên địa bàn bỏ học giữa chừng giảm mạnh. Ảnh: Q.Đ

 

Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo rà soát đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên hiện có tại từng đơn vị trường, đặc biệt là số CBQL, giáo viên thừa, thiếu sau khi sáp nhập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW; trên cơ sở đó tham mưu UBND huyện điều động, luân chuyển 73 CBQL, giáo viên từ trường này sang trường khác, đảm bảo đủ số lượng và cơ cấu hoạt động. Hiện tại có 100% CBQL giáo dục có trình độ trung cấp lý luận chính trị; 100% giáo viên các bậc học được học tập các nghị quyết của Đảng; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn liên quan đến đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tiếp tục học liên thông lên cao đẳng, đại học để nâng chuẩn theo Luật Giáo dục mới. Đến nay, toàn huyện có 38,07% CBQL có trình độ trên chuẩn; 96,27 đạt chuẩn và 2,73% dưới chuẩn. Về giáo viên: 18,17% giáo viên có trình độ trên chuẩn; 70,53% giáo viên đạt chuẩn; 29,43% giáo viên dưới chuẩn...

Ông Nguyễn Minh Cường - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông cho biết: Những năm học vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo  rất quan tâm đến công tác tổ chức dạy và học trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, đặc biệt là học sinh DTTS. Theo đó, Phòng chỉ đạo các trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày, dạy trên 5 buổi/tuần đối với bậc tiểu học, mầm non và dạy 2 buổi/ngày, dạy trên 6 buổi/tuần đối với bậc THCS; quan tâm bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém; tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non 5 tuổi, môn Toán và Tiếng Việt ở bậc tiểu học; phụ đạo các môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học và Tiếng Anh đối với cấp THCS, THPT. Đồng thời, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học; kiểm tra, đánh giá đối với bậc mầm non và giáo dục phổ thông; đa dạng hóa các hình thức học tập, tích cực hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh phù hợp với thực tế tại địa phương; thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với học sinh DTTS. 

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông phối hợp với UBND các xã, thị trấn giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với giáo viên và học sinh, đặc biệt là chế độ ăn hàng ngày của học sinh bán trú. Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đã thực hiện đúng, đủ các chế độ chính sách đối với học sinh DTTS, đặc biệt là học sinh bán trú. Phụ huynh học sinh đã có ý thức hơn trong việc phối hợp với nhà trường chăm lo bữa ăn hằng ngày cho con em mình. Nhờ đó, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đúng độ tuổi và duy trì sĩ số học sinh ngày càng cao, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng giảm mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, huyện Kon Plông đạt nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS. Đến nay, toàn huyện có 100% trẻ ra lớp được tạo điều kiện để phát triển toàn diện ở tất cả các lĩnh vực: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội, thẩm mỹ. Tỷ lệ huy động trẻ DTTS dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt 17%; trẻ em DTTS từ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 98,8%; trong đó huy động trẻ em 5 tuổi đạt 100%. Huy động 100% trẻ em DTTS trong độ tuổi tiểu học vào học tiểu học; 100% học sinh DTTS hoàn thành chương trình tiểu học vào học THCS; 23,6% học sinh DTTS sau tốt nghiệp THCS đi học nghề, kết hợp với học THPT hệ giáo dục thường xuyên;  95,2% học sinh DTTS cấp THCS có học lực từ trung bình trở lên; 95,9% học sinh DTTS cấp THPT có học lực từ trung bình trở lên; 62,7% học sinh DTTS tốt nghiệp THPT đi học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề.     

Quang Định

Chuyên mục khác