Kon Plông: Đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm

14/04/2024 13:24

Qua 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), huyện Kon Plông có 1.622 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo và 167 hộ đồng bào DTTS thoát cận nghèo bền vững.

Về thăm mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS huyện Kon Plông, tôi được cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đưa đến thăm hộ anh A Nấc, trú thôn Kon Chênh, xã Măng Cành. Anh A Nấc tâm sự: Mình có ngôi nhà sàn làm bằng gỗ, nhưng chỉ để ở. Sau khi đi tham quan một số mô hình du lịch cộng đồng, đầu năm qua, mình thiết kế trong căn nhà này 4 phòng và đưa vào kinh doanh; đồng thời xung quanh nhà mình trồng hoa các loại và trưng bày thêm các tượng gỗ phù hợp với nét đẹp văn hoá của người Mơ Nâm. Nhờ đó, bình quân mình đón 65 lượt khách du lịch/tháng đến nghỉ lại và thu về trên 10 triệu đồng.

Chị Y Lim, trú thôn Kon Pring, thị trấn Măng Đen kể: Từ năm 2019, mình triển khai mô hình du lịch cộng đồng. Qua quá trình tích luỹ vốn từ kinh doanh, mình làm thêm 5 phòng nghỉ nữa trị giá 500 triệu đồng. Ngoài ra, mình còn làm dịch vụ ăn uống các món ăn truyền thống, bán hàng lưu niệm, bán rượu ủ các loại trái cây của núi rừng như trái chòi mòi, hạt sa nhân và rượu ghè của người Mơ Nâm. Nhờ đó, trong 3 năm gần đây, mình thu nhập bình quân 20 triệu đồng/tháng.       

Chị Y Lim (đứng giữa) giới thiệu mô hình du lịch cộng đồng của gia đình. Ảnh: TVP

 

Còn anh A Đruông- Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen cho biết: Gia đình tôi trồng 9 sào cà phê catimo, những năm trước đây năng suất thấp. Được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn chăm sóc cây cà phê catimo, nên gia đình làm cỏ đúng thời vụ và mạnh dạn vay vốn mua các loại phân bón để bón thêm cho cà phê. Vì vậy,  trong ba năm gần đây, năng suất cà phê của gia đình tăng nhiều, bình quân đạt 5 tấn quả tươi/năm. Với giá bình quân 10 nghìn đồng/kg cà phê tươi, sau khi trừ các khoản đầu tư, gia đình lãi 30 triệu đồng/năm.

Anh A Đruông cho hay: Hiện nay, đã có 60% số hộ trong thôn thực hiện mô hình nuôi vịt nước và vịt xiêm để cải thiện cuộc sống và tăng thu nhập cho gia đình. Nhờ đó, hộ nghèo của thôn ngày càng giảm đáng kể.

Ông Đào Duy Khánh- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện cho biết: Qua 3 năm triển khai Cuộc vận động, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo UBND huyện và các cơ quan, đơn vị, nhân dân trên địa bàn huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào DTTS thay đổi nhận thức trong chuyển đổi mô hình sản xuất, với các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả để tăng thu nhập và tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất. Đến nay, toàn huyện xây dựng và duy trì 55 mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào DTTS.

Vợ chồng anh A Đruông trú tại thôn Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông chăm sóc vườn cây cà phê catimo. Ảnh: T.V.P

 

Đã có nhiều mô hình chuyển đổi diện tích rẫy kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái gắn với phát triển dược liệu dưới tán rừng được xây dựng ở xã Pờ Ê; trồng và bảo tồn cây chè tại các xã Hiếu, Pờ Ê; trồng cây mận Bắc và cây vải tại xã Măng Cành; hồng đẳng sâm tại xã Đăk Tăng, Măng Bút; keo lai tại xã Ngọk Tem, Đăk Ring, Đăk Nên, Pờ Ê; cà phê xứ lạnh tại  xã Đăk Tăng, Hiếu, Măng Cành, Măng Bút, thị trấn Măng Đen; sả Java tại các xã Đăk Ring, Ngọk Tem, Đăk Nên; lúa mới có năng suất, hiệu quả cao tại xã Măng Cành, Hiếu, Măng Bút, thị trấn Măng Đen.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, đồng bào DTTS ở một số xã như Măng Cành, Hiếu, Pờ Ê, Đăk Tăng, Ngọk Tem, thị trấn Măng Đen chuyển từ chăn nuôi thả rông gia súc, gia cầm với các con giống địa phương có chất lượng giống thấp, sang nuôi bò lai, trâu sinh sản, cá niêng có giá trị kinh tế cao. Đa số các hộ có ý thức làm chuồng trại; trồng cỏ, trồng chuối, trữ rơm chăn nuôi; chú trọng tiêm phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm; sử dụng phân gia súc để cải thiện chất lượng đất, nâng cao sản lượng cho các loại cây trồng.

Trong lĩnh vực thủy sản, mô hình nuôi cá niêng tại xã Đăk Ring; các loại cá ao hồ tại xã Măng Cành; nuôi cá rô trong ruộng sau gặt lúa xong tại xã Hiếu để cải thiện cuộc sống. Đồng thời, tiếp tục phát triển Tổ hợp tác nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum với 12 lồng bè, trong đó thả nuôi 7.000 con cá giống gồm: cá thát lát, cá lăng, cá lóc, cá rô phi.

Cùng với đó, đến nay, trên 90% số hộ DTTS biết áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Điển hình như các hộ A Diêu (xã Măng Cành), Lô Văn Toàn (xã Đãk Tăng), A Ben (xã Pờ Ê), A Héc, A Min (xã Măng Bút), A Sơn, Đinh Văn Đin (xã Ngọk Tem) mua máy cày, gắn thùng làm dịch vụ vận chuyển nông sản.

Nhờ đó, đến nay, so với kế hoạch giao, toàn huyện có 1.852 hộ DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đạt 52%; có 825 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất, đạt 22,9%; có 560 thành viên là người DTTS tham gia 40 tổ hợp tác và hợp tác xã, đạt 8,5% số hộ DTTS trên địa bàn huyện.     

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác