Kon Plông: Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

27/09/2021 13:05

Những năm qua, huyện Kon Plông rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, chỉ tiêu dạy nghề được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của các địa phương cơ sở và của huyện, đồng thời triển khai thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực.

Thời gian qua, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Kon Plông thường xuyên quan tâm chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn triển khai thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tạo điều kiện cho bà con tiếp thu kiến thức, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nhằm tăng thu nhập cho hộ gia đình, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.

Đến thăm và làm việc với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kon Plông, chúng tôi được biết, hiện nay Trung tâm có 2 cơ sở với tổng diện tích sử dụng 33.650m2; gồm có khu làm việc, nhà ăn, nhà ở cho học viên, khuôn viên cây xanh, khu vườn thực nghiệm, nhà trồng nấm và các xưởng thực hành với gần 30 ngành, nghề đào tạo. Trong đó có các ngành nghề như: hàn, điện, nề cốt thép, xây dựng dân dụng; chăn nuôi; kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây hàng năm, cây công nghiệp dài ngày, cây dược liệu...

Người dân xã Hiếu nuôi gà để tăng thêm thu nhập bên cạnh trồng các loại cây nông sản. Ảnh: Q.Đ

 

Hàng năm, Trung tâm phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm và thực hiện công tác tuyển sinh theo nhu cầu của người học. Học viên được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày theo quy định; sau khi hoàn thành khóa học, được cấp chứng chỉ nghề, được Trung tâm giới thiệu việc làm; hoặc về địa phương áp dụng kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức đã học vào lao động sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, mang lại lợi ích kinh tế cho bản thân và gia đình.

Nhờ kiến thức thu thập được sau khi tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn cách đây hơn 6 năm, anh A Ru (thôn Kon Ke) và anh A Hải (thôn Tu Rằng), ngụ tại thị trấn Măng Đen - nắm rõ hơn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, lựa chọn nuôi con gì, trồng cây gì cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hộ anh A Hải canh tác 3,7ha đất nông nghiệp; trong đó trồng 2,3ha cà phê xen với cây bời lời và cây ăn quả, 3 sào hồng đẳng sâm, 1 sào rau đắng, 2.000m2 ao nuôi cá; cho thu nhập mỗi năm trên dưới 200 triệu đồng. Trong khi đó, gia đình anh A Ru trồng 1,3ha cà phê và bời lời, làm 4 sào lúa nước, nuôi 3 con bò, 1 con trâu, 3 con heo... cho thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. Đến nay, cả 2 hộ gia đình này đã thoát nghèo, xây dựng nhà ở vững chắc, có cuộc sống ổn định.

Chia sẻ với chúng tôi về hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Phạm Thanh Vận - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kon Plông cho biết: Trong giai đoạn 2016-2020, Trung tâm đã đào tạo được 2.489 người, đạt chỉ tiêu khoảng 99% (chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn được giao là 2.500 người); tỷ lệ tốt nghiệp đạt trên 90%. Hiệu quả mang lại lớn nhất là nhiều học viên học nghề phi nông nghiệp (hàn, điện, nề cốt thép...) được các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc với mức lương bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng; hoặc sau đào tạo trở về địa phương, học viên được tư vấn vay nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để mở cơ sở làm nghề sửa chữa xe máy, đan lát, mộc dân dụng..., góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.

Đối với dạy nghề nông nghiệp, hầu hết các học viên đều biết vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học, áp dụng vào thực tế lao động sản xuất của gia đình mình. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi được nâng cao, hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình tốt hơn so với trước khi chưa học nghề.

Ông Lê Xuân Long - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kon Plông cho hay: Sau khi tham gia học nghề, nhiều học viên đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đã nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp cho gia đình thoát nghèo, có thu nhập khá, vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Trong giai đoạn 2010-2020, số hộ gia đình có người tham gia học nghề đã thoát nghèo đạt trên 830 hộ và có gần 300 hộ có mức sống khá. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã cử cán bộ xuống các địa phương cơ sở tổ chức tuyên truyền, thực hiện công tác tư vấn, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người dân. Từ đó, xây dựng kế hoạch tuyển sinh, chuẩn bị mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi nhận được nguồn kinh phí dạy nghề năm 2021 được phân bổ về cho huyện Kon Plông.

Quang Định

Chuyên mục khác