Kon Plông chăm lo sự nghiệp “trồng người”

20/11/2017 06:57

Trong những ngày này, ngành GD&ĐT huyện Kon Plông náo nức tổ chức các hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đi bất cứ nơi đâu, chúng tôi đều thấy tất cả giáo viên, phụ huynh, học sinh và toàn xã hội trên địa bàn huyện đã hướng về ngày lễ trọng đại của thầy cô với tấm lòng ngưỡng mộ và biết ơn công lao dạy dỗ học sinh.

Anh Nguyễn Đình Đoan - chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông đưa chúng tôi đi thăm một số trường học trên địa bàn để tìm hiểu về việc dạy và học cũng như tâm tư nguyện vọng của thầy, cô giáo đang gieo chữ nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện trong năm học này. Đến bất cứ ngôi trường nào, chúng tôi đều thấy sự tận tâm, tận lực của đội ngũ giáo viên với sự nghiệp “trồng người”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Trâm - giáo viên Trường Trung học cơ sở Măng Đen tâm sự: Gần 10 năm công tác giảng dạy học sinh đồng bào dân tộc thiểu số của huyện, tôi luôn yêu thương học sinh như con em của mình và gắn bó với bà con để thực hiện sự nghiệp “trồng người”. Trong giảng dạy, tôi cố gắng truyền đạt cho học sinh nhiều kĩ năng sống thực tế, đồng thời xây dựng được chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi, thường xuyên giúp đỡ các học sinh yếu kém, xây dựng được sáng kiến kinh nghiệm, nhiều năm qua, tôi luôn được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Cô giáo Nguyên Thị Thanh Trâm đã gắn bó với các em học sinh ở đây gần 10 năm nay. Ảnh: T.V.P

 

Còn cô giáo Y Iếp - giáo viên Trường Mầm non xã Măng Cành cho biết, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, cô được phân công về địa phương nơi cô sinh ra để dạy dỗ. Mới đó mà đã qua 7 năm dạy học, cô đã cùng với đồng nghiệp của mình ngày ngày dạy dỗ, múa hát, vui ca với các cháu mầm non trong xã. Tuy nhà ở cách trường 5km, nhưng so với các đồng nghiệp khác ở các địa phương khác, thì cô vô cùng thuận lợi. Thêm nữa, các cháu là đồng bào dân tộc thiểu số cùng với cô, nên trong quá trình giảng dạy, khi các cháu không hiểu được tiếng phổ thông, thì cô đã vận dụng cả hai thứ tiếng để phân thích, giải thích cho các cháu hiểu, nên các cháu vui mừng và hiểu bài nhanh lắm. 

Ông Phạm Văn Thắng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kon Plông, cho biết: Ngành Giáo dục huyện hiện có 33 đơn vị trường trực thuộc với 6.391 học sinh và 728 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các cấp. Trong đó, có 160 giáo viên người dân tộc thiểu số, 211 giáo viên đạt chuẩn đào tạo và 369 giáo viên đạt trên chuẩn đào tạo. Trong năm học vừa qua, toàn huyện đã có 95,2% tổng số học sinh bậc tiểu học hoàn thành chương trình học tập, bậc trung học cơ sở có 30,6% số học sinh đạt khá và giỏi. Phần lớn học sinh đã có ý thức rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường và đoàn thể phát động.

Đặc biệt, năm học vừa qua, các trường học đã tham gia tích cực các hội thi do ngành GD&ĐT phát động. Nhiều sản phẩm, bài thi đã được giáo viên và học sinh đầu tư đạt chất lượng cao và đem lại kết quả đáng biểu dương, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng giảng dạy và tạo hứng thú học tập cho các em học sinh.

Trong đó, đối với học sinh, kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 đạt 28 giải (25 giải cấp huyện, 3 giải cấp tỉnh), cuộc thi khoa học-kỹ thuật giành cho học sinh trung học đạt 4 giải (2 giải cấp huyện, 2 giải cấp tỉnh), cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống trong thực tiễn đạt 13 giải (10 giải cấp huyện, 2 giải cấp tỉnh, Trường Trung học cơ sở xã Ngọc Tem đạt giải Nhì cấp Bộ), cuộc thi Olympic Tiếng Anh đạt 11 giải (10 giải cấp huyện, 1 giải cấp tỉnh), hội thi kể chuyện theo sách đạt 51 giải (47 giải cấp huyện, 4 giải cấp tỉnh), hội thi 4 môn truyền thống đạt 21 giải cấp huyện...

Đối với thi giáo viên dạy giỏi đạt 81 giải (57 giải cấp huyện, 24 giải cấp tỉnh), viết sáng kiến kinh nghiệm và đề tài khoa học sư phạm ứng dụng đạt 115 đề tài (78 đề tài cấp huyện, 37 đề tài cấp tỉnh), cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp đạt 24 giải (21 cấp huyện, 3 giải cấp tỉnh)...

Phát huy những thành tích đó, Trưởng phòng GD&ĐT huyện - Phạm Văn Thắng cho biết thêm: Trong thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo yêu cầu về phẩm chất, năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt công tác bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên các trường đảm bảo về số lượng, cơ cấu, trình độ và kỹ năng sư phạm, từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hoặc thừa, thiếu cục bộ; xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán ổn định, có chất lượng.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác