Kon Plông: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng

23/11/2020 13:11

Huyện Kon Plông có 9 xã, thị trấn với 76 thôn, 117 làng với dân số trên 27.000 người. Trong đó, 98% dân số là đồng bào DTTS chủ yếu là dân tộc Hre và dân tộc Xơ Đăng. Vì vậy, huyện Kon Plông rất quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc, trong đó có văn hóa cồng chiêng.

Ông A Sơn- Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kon Plông cho biết: Những năm qua, ngành đã tích cực tham mưu Huyện ủy, UBND huyện ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS tại chỗ, trong đó có cồng chiêng. Toàn huyện hiện có 495 bộ cồng chiêng; có 4 đội cồng chiêng bán chuyên nghiệp phục vụ các hoạt động du lịch, tham gia tuần lễ văn hóa và du lịch cũng như các hoạt động khác do huyện, tỉnh tổ chức. Ngoài ra, huyện còn có 68 đội cồng chiêng nghiệp dư (72/76 thôn có đội cồng chiêng); 100% số xã, thị trấn đã thành lập đội cồng chiêng, tổ chức sinh hoạt ít nhất một tháng một lần.

Phòng Văn hóa Thông tin huyện đã mở được 8 lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho hơn 200 thanh thiếu nhi và đưa công tác giáo dục di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào trong trường học.

Đội cồng chiêng thôn Kon Ke- Thị trấn Măng Đen biểu diễn tại Tuần Văn hóa-Du lịch huyện Kon Plông năm 2019. Ảnh: T.V.P

 

Đội cồng chiêng thôn Kon Vơng Kia 1 (thị trấn Măng Đen) thường xuyên được các cơ quan, doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn huyện Kon Plông mời biểu diễn cồng chiêng mỗi khi có đoàn khách du lịch tới thăm Măng Đen. Tham gia đội cồng chiêng của thôn phần lớn là những chàng trai, cô gái chỉ mới mười tám, đôi mươi.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay, thôn Kon Vơng Kia 1 có 40 người biết sử dụng cồng chiêng. Trong đó, đội cồng chiêng thôn Kon Vơng Kia 1 có 20 thành viên, trẻ tuổi nhất là em A Vinh, 15 tuổi, học sinh lớp 9, Trường THCS thị trấn Măng Đen. “Các thành viên trong đội coi nhau như anh em một nhà, chúng em thường xuyên luyện tập cùng nhau, người biết nhiều chỉ dạy cho người biết ít, vì tình yêu cồng chiêng, vì bản sắc của dân tộc” - A Vinh chia sẻ.

Những năm gần đây, đội cồng chiêng thôn Kon Vơng Kia 1 có thu nhập khá ổn định từ việc tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch tại Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen. Bình quân mỗi tháng, đội cồng chiêng tham gia biểu diễn từ 6-7 lần, mỗi lần được nhận thù lao từ 2-3 triệu đồng. “Năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 nên khách du lịch không thể đến Măng Đen. Vì vậy, đội mất nguồn thu nhập từ việc biểu diễn cồng chiêng” - Đội trưởng đội cồng chiêng thôn Kon Vơng Kia 1, anh A Đruế bộc bạch.

Cũng là một trong những người nặng lòng với cồng chiêng, từ nhiều năm nay, chị Y Lim - Đội trưởng đội cồng chiêng thôn Kon Pring (thị trấn Măng Đen) thường xuyên phối hợp với nghệ nhân trong thôn tổ chức truyền dạy các bài chiêng, múa xoang cho thanh thiếu nhi ở địa phương; đồng thời vận động các em tham gia đội cồng chiêng. Với nỗ lực cá nhân, chị Y Lim đã phát triển đội cồng chiêng thôn Kon Pring từ 15 người (năm 2017) lên gần 30 người trong năm 2020. Bình quân mỗi tháng đội cồng chiêng thôn Kon Pring tham gia khoảng 10 cuộc biểu diễn.

Chị Y Lim cho hay: Từ bao đời nay, cồng chiêng luôn gắn bó với đời sống văn hoá, tâm linh của đồng bào Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), là chiếc cầu nối giữa con người với thần linh, là phương tiện giao tiếp để gắn kết giữa mỗi người với cộng đồng. Thông qua tiếng cồng, tiếng chiêng và những làn điệu xoang, đồng bào muốn gửi gắm tâm hồn, ước nguyện của mình tới các đấng thần linh và tổ tiên. Đồng thời, bày tỏ mong muốn, khát vọng của dân làng về mùa màng bội thu, sức khỏe, hạnh phúc. Chúng tôi lưu giữ cồng chiêng chính là lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho muôn đời sau, không để nó mất đi.

Ngoài việc tham gia biểu diễn vào những dịp lễ hội ở cộng đồng, đội cồng chiêng thôn Kon Vơng Kia 1 và đội cồng chiêng thôn Kon Pring còn tham gia các lễ hội do huyện, tỉnh tổ chức. Ngoài ra, đội còn được huyện, tỉnh cử tham gia giao lưu, biểu diễn tại các sự kiện văn hóa do các tỉnh trong khu vực, hoặc Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức.

Theo ông A Sơn, bây giờ, đến bất cứ làng nào trên địa bàn huyện cũng có thể thấy đội cồng chiêng hoạt động sôi nổi. Mỗi khi trong làng có lễ hội hay các gia đình có việc lớn, đồng bào đều tổ chức đánh cồng chiêng. Người già truyền dạy lại cho người trẻ, người trẻ dạy lại cho người trẻ hơn. Cứ như thế, cồng chiêng đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở huyện Kon Plông này rất tự nhiên và sâu sắc.         

Cao Cường

Chuyên mục khác