Kon Plông: 20 năm thay đổi diệu kỳ

27/01/2022 13:27

Ngày 31/1/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2002/NĐ-CP chia tách huyện Kon Plông thành 2 huyện Kon Plông và Kon Rẫy. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển (2002-2022), bộ mặt của huyện có nhiều đổi thay kỳ diệu, đời sống của đồng bào các dân tộc được nâng cao hơn nhiều so với trước.

Bí thư Huyện ủy Kon Plông Đào Duy Khánh cho biết: Khi mới tách huyện, tỷ lệ hộ nghèo rất cao, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hầu như chưa có gì đáng kể, tổ chức bộ máy các cấp vừa thiếu và vừa yếu, chất lượng nguồn nhân lực rất thấp, sản xuất chủ yếu là tự cung tự cấp, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm, Đảng bộ và nhân dân huyện đã từng bước tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, tích cực tìm tòi học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và tranh thủ mọi sự hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển. Với sự nỗ lực không ngừng đó, 20 năm qua, kinh tế-xã hội của huyện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều thay đổi.

Toàn cảnh Trung tâm huyện Kon Plông hôm nay. Ảnh: baodantoc.vn

 

Cụ thể, huyện đã chuyển đổi, phát triển mạnh các loại cây có giá trị kinh tế cao, như rau hoa xứ lạnh 300ha, dược liệu 150,2ha, cà phê xứ lạnh...; khoanh vùng bảo tồn sim rừng, chuối rừng, măng nứa để tạo ra các sản phẩm đặc trưng. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen đã hình thành và đi vào sản xuất thành công các loại cây như bí Nhật, lan kim tuyến, đẳng sâm, dâu tây, hoa ly, lan hồ điệp... Đặc biệt, đến nay, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại đều đạt từ 15-17 tiêu chí... góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người dân.

Các dự án thủy điện Đăk Lô công suất 22MW, Đăk Pône công suất 14MW, Đăk Đring công suất 125MW, Đăk Re công suất 60MW, Thượng Kon Tum công suất 220MW, Đăk Lô 1, 2, 3, 4 công suất 47MW đi vào hoạt động, góp phần quan trọng vào tăng trưởng và nâng cao nguồn thu ngân sách. Công nghiệp chế biến phát triển, nhất là sản xuất rượu vang sim, các loại nước uống từ dược liệu… Đầu tư kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện, nhất là giao thông. Nhiều công trình trọng điểm, công trình dân sinh được đầu tư đồng bộ với 100% số xã, thị trấn có đường ô tô đi được 2 mùa; trên 95% đường liên thôn, nội thôn, đường đi khu sản xuất được cứng hóa; 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia; 100% hộ dân sử dụng công trình nước sinh hoạt; 100% trường lớp học được kiên cố hóa.

Hệ thống chợ trung tâm huyện, cửa hàng thương mại được xây dựng 9/9 số xã, thị trấn. Vùng du lịch sinh thái Măng Đen được đầu tư, khai thác sử dụng có hiệu quả, bước đầu đã hình thành một số sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện như: Lễ hội đường phố, lễ hội hoa anh đào, du lịch cộng đồng... Hệ thống nhà hàng, khách sạn phát triển mạnh, đảm bảo phục vụ nhu cầu lưu trú cho du khách và thu hút 22 dự án với tổng vốn đăng ký 6.519,1 tỷ đồng; thu hút lượng khách du lịch đến huyện tăng bình quân hàng năm 25%. Đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Kon Pring, thị trấn Măng Đen và Vi Ô Lắc, xã Pờ Ê đã khai thác bản sắc văn hóa các dân tộc tại chỗ, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Lãnh đạo huyện trồng cây dịp khai giảng tại Trường PTDTBT trung học Măng Cành. Ảnh: V.H

 

Toàn huyện có 31 đơn vị trường, trong đó có 7 trường đạt chuẩn Quốc gia; 9/9 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; duy trì và nâng cao kết quả chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được tăng cường và chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện được kiện toàn và củng cố; công tác đào tạo nghề được triển khai tích cực, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 36%.

Toàn huyện có 9/9 xã, thị trấn đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 9/9 trạm y tế xã có bác sĩ; 76/76 thôn, tổ dân phố có nhân viên y tế, bảo đảm thực hiện tốt khám và chữa bệnh ban đầu cho nhân dân; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên duy trì ở mức 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối 2020 giảm còn 14,98%. Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai có hiệu quả; các hoạt động văn nghệ, thể dục-thể thao diễn ra thường xuyên, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.

Đặc biệt, huyện tập trung xây dựng tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đảm bảo giữ vững vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên nâng lên rõ rệt. Đến nay, toàn Đảng bộ huyện có 50 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, 2.140 đảng viên. Công tác quy hoạch, tổ chức, cán bộ và công tác bảo vệ chính trị nội bộ được thực hiện chặt chẽ đúng quy trình, quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục được đẩy mạnh. Khối đại đoàn kết toàn dân và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân không ngừng được phát huy.

Tính đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất (theo giá cố định năm 2010) của huyện đạt 2.440 tỷ đồng (năm 2002 chỉ đạt 58,7 tỷ đồng); cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp theo tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản chiếm 20,9% (năm 2002 chiếm 46,1%), công nghiệp-xây dựng chiếm 56,6% (năm 2002 chiếm 35,39%), thương mại - dịch vụ chiếm 22,5% (năm 2002 chiếm 18,51%). Thu nhập bình quân đầu người từ 2,9 triệu đồng năm 2002 lên 33,5 triệu đồng năm 2020, tăng 11,55 lần. Thu ngân sách nhà nước tại địa bàn từ 10 tỷ đồng năm 2002 lên 227,7 tỷ đồng năm 2020, tăng 22,77 lần.

Để phát triển kinh tế-xã hội của huyện nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, Bí thư Huyện ủy Kon Plông Đào Duy Khánh xác định: Huyện tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân. Đặc biệt, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng và lợi thế của huyện; đẩy mạnh phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ xảy ra; quyết tâm xây dựng huyện ngày càng ổn định và phát triển bền vững.      

Vĩnh Hà

Chuyên mục khác