12/07/2019 13:08
Từ phản ánh của người dân, chúng tôi liên tiếp có các buổi chiều tối dạo qua các tuyến đường quanh trung tâm thành phố Kon Tum. Đây là thời điểm các quán bán thức ăn vặt và trà sữa trên vỉa hè thu hút lượng khách đông nhất trong ngày.
Theo quan sát của chúng tôi, hầu như tuyến đường nào cũng có hàng quán bày bán thức ăn vặt và trà sữa, nhiều nhất phải kể đến tuyến đường Trần Phú, Bạch Đằng... Các hàng quán ở đây đông nghịt xe đậu, đỗ; khách vào ra liên tục để mua trà sữa, bánh tráng trộn, các loại thịt viên que xiên, bún ốc... mang về, hoặc ăn tại chỗ.
Chiều 9/7, chúng tôi cùng đi với đoàn công tác của UBND phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) kiểm tra, nắm tình hình an toàn thực phẩm tại các điểm bày bán thức ăn vỉa hè, đường phố trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra đã "mục sở thị" một quầy hàng bán đồ ăn vặt lưu động trên đường Bạch Đằng. Qua quan sát, tủ hàng lưu động có chiếc kệ lớn cao tầm 1,2m với nhiều ngăn nhỏ chứa đủ mặt hàng bánh tráng trộn, bò khô trộn và các khay đựng nguyên liệu để trộn, chế biến thành trà sữa như: thạch dừa, rau câu, nước sữa tươi, nước trà, nước đường... Điều đáng nói, các mặt hàng này đều phơi ra, không có bất cứ vật dụng nào che chắn; người bán chăm chú chế biến đồ ăn cho khách chẳng màng đuổi đám ruồi nhặng bu bám hàng lớp vào thức ăn...
Tại quầy hàng này, một cán bộ phường Quyết Thắng cho biết, chủ hộ kinh doanh này có đăng ký với chính quyền địa phương về việc mở quầy bán hàng ăn vặt ngoài vỉa hè, thời gian mở cửa hàng ngày.
Đoàn kiểm tra của phường đề nghị người phụ việc thông báo chủ cửa hàng cung cấp các loại giấy phép kinh doanh, địa chỉ mua các nguyên liệu chế biến trà sữa và thức ăn đã chế biến sẵn. Tuy nhiên, người được giao đứng bán quầy hàng vỉa hè cho biết, chủ cửa hàng đi vắng, họ chỉ được thuê đứng bán hàng ngày, nên không biết gì.
Tiếp đó, đoàn kiểm tra đã làm việc với chủ cửa hàng karaoke và cà phê B.Đ cũng đặt quầy hàng trà sữa kèm thức ăn vặt trước vỉa hè.
Chủ cơ sở kinh doanh là ông H. cho biết, tất cả nguyên liệu chế biến trà sữa đều mua tại Thành phố Hồ Chí Minh, không lấy hóa đơn của chủ cửa hàng do vội về Kon Tum. Ông H. tự khẳng định nguyên liệu sử dụng chế biến trà sữa đảm bảo an toàn, mỗi ngày cơ sở bán ra vài trăm ly nhưng chưa thấy ai quay trở lại "mắng vốn" bị ngộ độc vì thức uống này...
|
Tương tự, tại quầy bán bún ốc lưu động khá đông khách, bà L. vừa bận rộn dùng tay phải (không mang găng tay theo quy định về đảm bảo vệ sinh) bốc bún tươi ở rổ bỏ vào tô, tiếp đó cũng bàn tay này sau khi đưa lên mặt quệt mồ hôi lại bốc nắm rau sống bỏ trên mặt tô, rồi cầm vá chan nước ốc từ chiếc nồi để trên bếp vào tô bún phục vụ khách.
Bà L. chia sẻ, 10 năm trước, gia đình bán hàng bún ốc ở chợ lồng phường Quyết Thắng. Khi ấy, bà đã đi tập huấn về an toàn thực phẩm. Từ năm 2017 đến nay, bà ra bán thức ăn vặt ở vỉa hè và chưa được ai tuyên truyền, hướng dẫn đi học lại kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bà L. cho biết, quầy hàng mua các loại bún, rau sống tươi, ốc của người quen, không có hóa đơn chứng từ và cũng không biết các địa chỉ cung cấp hàng hóa này có đảm bảo an toàn thực phẩm không.
Theo quan sát của chúng tôi, các hàng quán ăn vặt trên vỉa hè tại địa bàn thành phố Kon Tum, hầu hết khách hàng là thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân... Họ là những người khá dễ tính trong chuyện ăn uống, chỉ quan tâm đến sở thích, sự tiện lợi về chỗ ngồi thoáng mát vỉa hè và giá cả các loại thức ăn chế biến sẵn lại rẻ.
Trái với sự dễ dãi của một bộ phận khách hàng thích ăn vặt bày bán vỉa hè, ông Huỳnh Văn - Trưởng phòng Y tế thành phố Kon Tum nhận xét: Các loại thức ăn hè phố tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Chưa kể nguồn gốc thực phẩm có đảm bảo hay không, các hàng quán này "hứng" trực tiếp ô nhiễm từ không khí ô nhiễm của các loại phương tiện lưu thông qua lại và sự mất vệ sinh khi ăn uống ngay cạnh cống rãnh, rác thải xung quanh.
Ông Trần Anh Dũng - Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng cho biết: Toàn địa bàn có 116 hộ đăng ký quầy kinh doanh thức ăn vặt, trà sữa hè phố. Từ năm 2017 đến nay, đã có 92 chủ quầy hàng được tập huấn cơ bản theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đa số chủ hộ kinh doanh hình thức này có hộ khẩu ở các xã, phường khác. Khi có các đợt kiểm tra của phường, phần lớn chủ quầy đưa hàng hóa lưu động đến bán ở các phường khác, hoặc nghỉ vài ngày để đối phó. Đây là khó khăn của địa phương trong việc quản lý hoặc tuyên truyền, vận động người kinh doanh tham gia tập huấn và tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung.
"Sắp tới, địa phương sẽ báo cáo UBND thành phố, với đề xuất các ngành chức năng và một số phường cùng phối hợp nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát tốt hơn loại hình kinh doanh này. Mặt khác, sẽ tham mưu các cấp xử lý nghiêm các chủ hàng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, kinh doanh..." - ông Dũng cho biết thêm.
Mai Trâm