Kiên quyết xử lý trả lại hành lang an toàn đường bộ

07/03/2020 13:05

Mặc dù các ngành chức năng của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, nhưng tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ (ATĐB) vẫn xảy ra ở các địa phương trên địa bàn tỉnh và là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông. Từ năm 2013 đến nay đã có đến 995 hộ dân tự động tháo dỡ công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ, còn 554 hộ dân chưa tháo dỡ phần lớn là những hộ dân chây ỳ, cố tình không chấp hành. Ngành chức năng đang phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nghiêm các hộ không chấp hành, trả lại hành lang “sạch”, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Kiện nhau “tranh chấp hành lang”

Câu chuyện kiện nhau dai dẳng giữa hai gia đình bà Vũ Thị Phái và bà Tống Thị Tuyết từ năm 2013 đến nay khiến những người dân Thái Bình lập nghiệp tại thôn Ngọc Thư, xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi) ngao ngán.

Ông Nguyễn Hữu Bảng-Chủ tịch UBND xã Đăk Xú kể lại: Vì tình nghĩa giữa những người Thái Bình vào lập nghiệp ở mảnh đất biên giới  Ngọc Hồi này, nên vào năm 2008, bà Vũ Thị Phái đã cho bà Tống Thị Tuyết mượn đất tại ngã 3 thôn Ngọc Thư giao cắt với QL40 để dựng quán bán nước, tạo điều kiện cho bà Tuyết làm ăn. Từ một quán nhỏ, mỗi năm bà Tuyết xây dựng cơi nới thêm các công trình phụ, nuôi gà, lợn gây ô nhiễm môi trường khiến người dân xung quanh bất bình. Năm 2013, bà Phái đòi trả lại mặt bằng, lúc này bà Tuyết “lật kèo”. Bà Tuyết biết được phần đất bà đang làm nhà ở nằm trong phạm vi hành lang ATĐB, không có trong sổ đỏ của bà Phái nên quyết không trả. Bà Tuyết cho rằng bà ở trên đất nhà nước, chứ không mượn nhà bà Phái. Bắt đầu từ đó bà Phái gửi đơn kiện đòi đất bà Tuyết khắp nơi.

Một cán bộ Thanh tra Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết: Rất nhiều lần chúng tôi cùng chính quyền đến làm việc với bà Tuyết về tình trạng vi phạm hành lang ATĐB và phân tích việc xây dựng cơi nới, nuôi gia súc gây ô nhiễm môi trường là vi phạm quy định của pháp luật. Bà Tuyết hứa cho bà thêm thời gian nữa rồi bà trả đất về lại quê Thái Bình sinh sống. Nhưng sau đó bà Tuyết tiếp tục cơi nới mà không thực hiện theo lời hứa. Vì vậy, chúng tôi phối hợp với chính quyền xã Đăk Xú nhiều lần lập biên bản và xử lý vi phạm gửi lên huyện Ngọc Hồi để nghị xử lý.

Trước hành vi cố tình lấn chiếm hành lang ATĐB của bà Tuyết, ngày 30/12/2019, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Ngọc Hồi có công văn đề nghị UBND huyện Ngọc Hồi ban quyết định cưỡng chế. Ngày 02/1/2020, UBND huyện Ngọc Hồi ban hành Quyết định số 16/QĐ- KPHQ “Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả” đối với hành vi xây dựng công trình vi phạm hành lang ATGT của gia đình bà Tuyết. Đơn vị chức năng huyện Ngọc Hồi đang tiếp tục vận động để bà Tuyết tự giác chấp hành tháo dỡ.

Không chỉ trường hợp bà Tuyết, huyện Ngọc Hồi có một số hộ không chịu khắc phục, mà còn cố tình xây dựng công trình vi phạm hành lang ATĐB.

Một trường hợp vi phạm hành lang bị lực lượng TTGT và chính quyền địa phương xã Pờ Y lập biên bản và yêu cầu tự tháo dỡ. Ảnh: PN

 

Ngày 20/2/2020, lực lượng TTGT đến làm việc với hộ gia đình ông Trần Văn Miên, thôn Ngọc Tiền (xã Pờ Y) về việc cố tình xây tường rào, cơi nới mái che vi phạm hành lang ATĐB trên QL40. Những người có mặt nhà ông Miên nói ông Miên đi vắng, lớn tiếng phản đối đoàn thanh tra và họ vẫn tiếp tục thi công không chịu dừng lại. Hành động của gia đình ông Miên có dấu hiệu cố tình, bởi ngày 11/2/2020 khi mới đào móng xây tường, đơn vị quản lý đường bộ và chính quyền xã Pờ Y đã tuyên truyền, giải thích cho hộ gia đình biết và tiến hành lập biên bản hiện trường.

Xử lý triệt để những hộ cố tình vi phạm hành lang ATĐB

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chánh Thanh tra GTVT (Sở GTVT) cho biết: Để làm tốt công tác bảo đảm an toàn hành lang ATĐB, Sở GTVT giao cho lực lượng Thanh tra GTVT cùng đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở các xã, phường của các huyện, thành phố, thành lập Đoàn công tác xuống tận địa bàn thôn làng, vào từng hộ dân tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành, tự giác tháo dỡ công trình vi phạm hành lang ATĐB trên 4 tuyến Quốc lộ (14C, 24, 40, 40B) và 10 tuyến đường tỉnh. Trong đó, tập trung vào các đối tượng vi phạm là cán bộ địa phương, đảng viên tự giác tháo dỡ công trình vi phạm trước để làm gương cho các hộ vi phạm là người dân. Những hộ cố tình vi phạm, lực lượng Thanh tra GTVT phối hợp với chính quyền xã lập biên bản hiện trường, nhắc nhở, yêu cầu dừng thi công. Với những trường hợp cố tình sẽ lập biên bản vi phạm hành chính gửi UBND cấp xã đề nghị xử lý, cưỡng chế, giải tỏa theo quy định.

Bằng giải pháp có trình tự chặt chẽ, thuyết phục lòng người, từ năm 2013 đến nay, qua công tác tuyên truyền vận động, đã có đến 995 hộ dân tự động tháo dỡ công trình vi phạm hành lang ATĐB. Điển hình trong công tác xử lý vi phạm hành lang ATĐB tốt là các huyện Sa Thầy (đã tháo dỡ 283/309 trường hợp, đạt 91,6%), Kon Rẫy (tháo dỡ 271/315 trường hợp, đạt 86%), Đăk Tô  (tháo dỡ 42/56 trường hợp, đạt 75%), thành phố Kon Tum (tháo dỡ 125/245 trường hợp, đạt 51%), Ia H’Drai (tháo dỡ 27/48 trường hợp, đạt 56%), Kon Plông (tháo dỡ 33/60 trường hợp, đạt 55%)...

Ngoài các đơn vị thực hiện tốt, hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 554 trường hợp chưa tháo dỡ công trình vi phạm hành lang ATĐB. Đáng chú ý, phần lớn các hộ vi phạm là những hộ dân chây ỳ, cố tình không chấp hành...

Trước tình hình đó, ngày 19/2/2020, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT- UBND về việc “Tăng cường công tác quản về đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.

Theo đó, Chỉ thị yêu cầu: “Tập trung tổ chức giải tỏa, cưỡng chế các trường hợp vi phạm hành lang ATĐB từ năm 2013 đến nay đã được Thanh tra GTVT lập biên bản vi phạm hành chính chuyển UBND các xã theo lộ trình, thời gian quy định theo kế hoạch của UBND tỉnh về xử lý vi phạm hành lang ATĐB đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. UBND tỉnh yêu cầu lực lương Thanh tra GTVT tổng hợp báo cáo hằng tháng và trường hợp đột xuất, đề xuất, kiến nghị các nội dung liên quan để UBND tỉnh biết, chỉ đạo.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, cho biết: Hiện có 554 vụ việc vi phạm hành lang ATĐB chưa tháo dỡ, trong đó số vụ TTGT lập biên bản chuyển chính quyền xã xử lý là 528 vụ. TTGT sẽ lập kế hoạch cụ thể từng tháng, phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm. Trường hợp cố tình đề nghị chính quyền các huyện sẽ tổ chức cưỡng chế trong năm 2020.

“Thời gian tới, chúng tôi tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hành lang ATĐB cho các hộ dân sống dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động các hộ dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm tồn đọng từ năm 2013 đến nay; có biện pháp xử lý hiệu quả, ngăn chặn không để vi phạm phát sinh; kịp thời phát hiện vi phạm mới phát sinh, phối hợp với chính quyền cấp xã tuyên truyền, vận động tự giác tháo dỡ, hộ vi phạm cố tình không tháo dỡ Thanh tra Sở chủ trì lập biên bản vi phạm hành chính chuyển UBND cấp xã xử lý theo quy định. Những hộ cố tình sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế triệt để các trường hợp vi phạm hành lang ATĐB từ năm 2013 đến nay, trả lại mặt bằng sạch cho hành lang đường bộ, góp phần gìn giữ TTATGT trên địa bàn”- ông Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh. 

Theo báo cáo của Sở GTVT, hiện một số huyện chưa kiên quyết xử lý, cưỡng chế dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép trong hàng lang ATÐB là huyện Ðăk Hà còn tồn tại 150/207 trường hợp vi phạm (chiếm 72,5%); huyện Ðăk Glei tồn tại 82/92 trường hợp (chiếm 89%); Ngọc Hồi tồn tại 62/109 trường hợp (chiếm 57%); Tu Mơ Rông tồn tại 35/56 trường hợp (chiếm 63%)...

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác