22/04/2025 13:43
|
Vì đặc thù nghề nghiệp, tôi được thấy, được nghe kể về những tấm gương người khuyết tật vượt qua nghịch cảnh. Trong mỗi câu chuyện đều có nhiều nước mắt, và vui làm sao, cũng không thiếu vắng những nụ cười.
Tuấn có một tiệm sửa xe máy. Tuy quy mô khá khiêm tốn, nhưng vì chủ xưởng có tay nghề khá, lại quảng giao, nên lượng khách hàng cũng đều, đủ việc làm cho 3 thợ.
Điều đặc biệt, chủ hiệu và 1 trong 3 thợ là người khuyết tật!
Tuấn chỉ về phía cậu thanh niên đang lúi húi bên chiếc xe máy cũ kỹ ở góc, xung quanh bộn bề dụng cụ, phụ tùng. “Em ấy bị điếc bẩm sinh. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên tôi nhận vào dạy nghề, cũng là để em có thể tự lo cho cuộc sống của mình sau này”- Tuấn nói.
Thấy có người nhìn, cậu thanh niên mỉm cười, một nụ cười rạng rỡ. Hẳn rằng, với em, cái tiệm nhỏ này chính là nhà, là nơi em được làm việc, được vui được buồn, được mệt mỏi sau những lúc lao động vất vả như bao người bình thường khác.
Công việc giúp cho em thấy mình không phải gánh nặng của gia đình và xã hội, không phải nhận những ánh mắt thương hại hay kỳ thị của người khác. Hơn thế, em mong sẽ truyền cảm hứng về cộng đồng người khuyết tật luôn lạc quan, kiên trì, giàu nghị lực và dám mơ ước- cậu nói.
Trong những lần trò chuyện, Tuấn ít kể về mình. Nhưng tôi hiểu rằng, một người lành lặn khởi nghiệp đã khó, nhưng với một người khuyết tật như Tuấn thì khó khăn đó còn nhân thêm gấp bội phần.
Vì bị khuyết tật hệ vận động bẩm sinh nên Tuấn rất khó khăn trong việc đi lại và lao động. Giống như nhiều người khuyết tật khác, anh từng đi bán vé số để kiếm sống qua ngày. Được một thời gian, Tuấn xin vào học nghề tại một tiệm sửa xe máy gần nhà.
Vốn tính chăm chỉ, kiên trì lại sáng dạ, ham học hỏi, Tuấn được anh chủ tiệm dốc lòng dạy bảo, lại hỗ trợ vốn mở cho Tuấn tiệm riêng khi “tốt nghiệp”. Biết ơn thầy, nhìn lại mình may mắn gặp được người tốt, Tuấn càng nung nấu ý định nhận các em khuyết tật muốn theo nghề để giúp đỡ.
Một số người hiểu và chia sẻ, thậm chí hỗ trợ anh bằng cách tìm đến khi xe máy hư hỏng, hay giới thiệu khách hàng mới cho xưởng của anh. Nhưng cũng có không ít người không đồng tình. Họ cho rằng, người khuyết tật cần được chăm sóc, thay vì phải làm việc vất vả.
Nặng nề hơn, có người còn nói anh “ốc không mang nổi mình ốc lại còn mang cọc cho rêu”. Đã không đủ khả năng thì tốt nhất lo cho thân mình đã, đừng ra vẻ “ta đây”, tự chuốc lấy những phiền phức không đáng có. Cũng có người nói anh lợi dụng sức lao động của em ấy, hoặc “đánh bóng tên tuổi”, kiếm lợi từ lòng thương hại của khách hàng.
Dù có bị nói thế nào chăng nữa, thì tôi kiên trì với suy nghĩ của mình. Nỗ lực đứng vững bằng chính đôi chân tật nguyền của mình, thay vì ỷ lại gia đình, hoặc từ sự giúp đỡ từ người khác- Tuấn quả quyết.
Một câu chuyện khác, về một người khuyết tật khác cũng không chịu “khổ” vì mình gặp “khó” về hình thể.
Không may bị liệt đôi chân từ năm 2 tuổi, Thạch đã trải qua tuổi thơ không mấy êm đềm, khi không thể chạy nhảy như chúng bạn, điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp.
Theo được đến lớp 5, Thạch phải nghỉ học vì việc đi lại ngày càng khó khăn, gia đình cũng không có người đưa Thạch đến trường.
Lủi thủi ở nhà, quanh quẩn với góc sân, gian bếp, Thạch phụ giúp mẹ lo chuyện cơm nước. Ít ai biết rằng, từ khi ấy, trong đầu cậu bé tật nguyền đã luôn cháy bỏng ước muốn tự lập. “Một ngày nào đó, mình không chỉ tự lo cho bạn thân mà còn đỡ đần cho mẹ và có ích cho xã hội”- Thạch mơ ước.
Để thực hiện mơ ước ấy, năm 14 tuổi, Thạch vào Thành phố Hồ Chí Minh kiếm việc. Một cậu bé 14 tuổi bình thường bươn chải ở đây đã khó, nói gì đến Thạch. Tạo hóa có thể không công bằng với Thạch, nhưng cũng không lấy đi toàn bộ hy vọng. Thạch xin vào làm tại xưởng sản xuất xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; rồi chuyển sang bán vé số; làm công nhân may.
Gần 10 năm bươn chải nơi đất khách, Thạch dành dụm được một số vốn rồi quay về quê hương lập nghiệp. Trải qua nhiều long đong, lận đận, nhưng với sự động viên của gia đình, sự giúp đỡ của chính quyền, các đoàn thể xã hội, và nhất là sự đồng hành của người bạn đời, Thạch đã kiên cường vượt qua tất cả.
Hiện nay, Thạch đang điều hành nhóm làm chổi đót với các thành viên đều là người khuyết tật. “Mọi người đã chứng minh được rằng, mình không phải gánh nặng của gia đình và xã hội. Hơn thế, chúng tôi mong sẽ truyền cảm hứng về cộng đồng người khuyết tật luôn lạc quan, kiên trị, giàu nghị lực và dám mơ ước”- Thạch chia sẻ.
Khi viết bài này, tôi không dẫn lời đại diện chính quyền, các đoàn thể, cả Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi, cũng không có những con số thống kê khô khan, chỉ bởi tôi muốn kể lại những gì mình thấy và nghĩ.
Tiếp xúc với người khuyết tật, dễ nhận thấy điểm chung ở họ là luôn nỗ lực vươn lên và giữ gìn nhân phẩm, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.
Tuy nhiên, người khuyết tật luôn gặp nhiều khó khăn, từ sinh hoạt hằng ngày, học tập, việc làm đến tiếp cận các dịch vụ y tế, tham gia hoạt động xã hội. Bản thân họ rất dễ bi quan, chán nản, tự xem mình là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách ứng xử với người khuyết tật. Thay vì luôn gán cho họ cái vỏ bọc yếu đuối, đáng thương, hãy hỗ trợ, tạo cơ hội để họ vượt qua nghịch cảnh, tạo dựng cuộc sống độc lập, hòa nhập đầy đủ và bình đẳng trong cuộc sống.
Như những người khuyết tật tôi kể trên, nụ cười hôm nay và những gì họ có, được chúng ta vỗ tay khen ngợi, đều là do họ giành lấy bằng nghị lực, sự kiên cường và bền bỉ.
Hồng Lam