22/12/2017 13:56
Theo báo cáo của UBND thành phố Kon Tum, tính đến hết tháng 11/2017, trên địa bàn thành phố có 2.313 cơ sở thuộc ngành Y tế thành phố quản lý (trong đó có 760 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 944 cơ sở dịch vụ ăn uống và 59 bếp ăn tập thể) thuộc phân cấp quản lý của UBND thành phố và 550 cơ sở thức ăn đường phố thuộc phân cấp quản lý của UBND xã, phường.
|
Qua kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại 1.003 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố cho thấy, đa số các cơ sở nói trên đã chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm như: có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy ký cam kết, có giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nội dung thông tin ghi trên nhãn của các sản phẩm đúng quy định và hạn sử dụng cũng như nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, người trực tiếp sản xuất và chế biến cũng như kinh doanh thực phẩm có trang phục chuyên dụng, có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, có khám sức khỏe định kỳ, dụng cụ để sản xuất và chế biến thực phẩm đảm bảo vệ sinh…
Tuy nhiên, toàn thành phố vẫn còn xảy ra 90 ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ, trong đó có 87 ca sử dụng thực phẩm không bảo đảm và 3 ca do ngộ độc rượu. Ngoài ra, qua kiểm tra, thành phố xử phạt 68 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với số tiền 80,95 triệu đồng.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Đào Duy Khánh đánh giá cao công tác triển khai thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Kon Tum trong năm qua. Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 sắp tới, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, dịch vụ nấu ăn lưu động, các lễ hội, hiếu hỷ, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, các chợ, các hộ và các cơ sở trồng, sản xuất nông sản trên địa bàn…nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tốt nhất cho người dân.
Tin, ảnh: Trần Văn Phúc